Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tôn vinh Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong (nghề kim hoàn) và 9 Nghệ nhân Ưu tú vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vào cuối tháng 10/2020.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã trao quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên - Huế cho 5 nghệ nhân. Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3 Nghệ nhân Nhân dân; 13 Nghệ nhân Ưu tú và 37 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Thừa Thiên - Huế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương chúc mừng các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” và “Nghệ nhân Thừa Thiên - Huế”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Phương đề nghị, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng độc đáo, đa dạng, có tính ứng dụng cao, các cơ sở sản xuất cần tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để cải tiến mẫu mã, chế tác, sáng tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc Huế, bản sắc dân tộc Việt Nam. Các nghệ nhân cần tiếp tục lao động, cống hiến, giữ gìn, phát triển và truyền nghề cho các thế hệ trẻ, là những tấm gương trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong chia sẻ: "Chúng tôi, những nghệ nhân, những người thợ, luôn tâm huyết, trăn trở với nghề, tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triền nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung. Chúng tôi tự hào vì những đóng góp, nỗ lực của người nghệ nhân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Với hơn 50 năm hoạt động trong nghề kim hoàn, tôi luôn tâm niệm một điều là phải làm sao để phát triển được nghề, đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi và tâm huyết với nghề".
Tổng kết Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020, Ban tổ chức cho biết, Hội thi đã thu hút sự tham gia của 47 đơn vị, cá nhân với 209 mẫu thiết kế, sản phẩm. Ban tổ chức đã tuyển chọn 56 sản phẩm của 41 tổ chức, cá nhân vào vòng chung khảo.
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thi, sản phẩm tham gia có sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, hình thức thể hiện; nhiều cơ sở đã kết hợp thủ công truyền thống với công nghệ - thiết bị hiện đại vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; khai thác các nguyên liệu mới sẵn có tại địa phương; bao bì nhãn mác đã được đã được chú trọng; một số sản phẩm thể hiện được văn hóa địa phương. Hội thi là điểm nhấn quan trọng góp phần tạo động lực trong việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề và làng nghề truyền thống.
Ban tổ chức Hội thi đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 7 giải Khuyến khích; trong đó giải Nhất thuộc về sản phẩm “Bộ dĩa pháp lam Long Phụng” của nhóm tác giả Đỗ Hữu Triết, Trần Nam Long và Nguyễn Quốc Hiếu, thành phố Huế.