Clip về Châm Khê thánh thót nghe câu quan họ cổ:
“Trúc trúc mai mai”, “Hòn đá đổ xô”, “Nhìn sang chốn bến giang hà”… là những bài quan họ cổ độc đáo, được các làng bên công nhận là chỉ làng quan họ gốc Châm Khê mới lưu truyền được. Bởi thế, họ cũng phải tới làng chúng tôi để học”, ông Nguyễn Trọng Cau, Chủ tịch Câu lạc bộ Quan họ Châm Khê tự hào nói.
Những ngày Xuân, nhất là vào chính hội chùa Bùi - ngôi chùa cổ của làng, nhằm ngày 28 tháng Giêng, cũng là lúc các đôi liền anh, liền chị hát canh - tục hát cổ nhất của làng quan họ. Khi ấy, tại ngôi làng quan họ gốc, lời ca, tiếng hát quan họ với đủ “vang, rền, nền, nảy” đã khiến du khách chìm đắm trong một cảm xúc đặc biệt.
Châm Khê (Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) là một trong 49 làng quan họ gốc nổi tiếng của vùng Kinh Bắc. Châm Khê còn có tên nôm làng Bùi, là một trong ba làng quan họ gốc của xã Phong Khê. Tự bao đời, người Châm Khê vẫn tự hào bởi nghề chơi quan họ nơi đây vốn lừng lẫy tiếng tăm khắp vùng và cũng bởi đây là một trong những làng quan họ có sớm nhất vùng.
Những liền anh, liền chị ở đây, từ thế hệ đi trước đến thế hệ tiếp bước đi sau đều có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển quan họ quê hương. Châm Khê có nhiều nghệ nhân quan họ nổi tiếng được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, như cụ Nguyễn Trọng Ngữ, Nguyễn Trọng Cầu, Nguyễn Trọng Ích…
Qua những thăng trầm của thời gian, quan họ Châm Khê vẫn giữ được nét riêng. Người quan họ Châm Khê rất tự hào với độc đáo của làng.
Về Châm Khê ngày hội làng Bùi, được nghe hát quan họ, được gặp gỡ những người dân nơi đây mới thấy sức sống mãnh liệt của quan họ cổ.
Từ sáng sớm, các liền anh, liền chị đã sửa soạn khăn xếp áo the, áo mớ ba mớ bảy, khăn mỏ quạ… Nghe họ xưng hô với nhau cũng đặc kiểu cách quan họ. Đến cả những bà gần 80 khi nói chuyện vẫn xưng em, có cái gì đó ngồ ngộ nhưng cũng thật khiêm nhường.
Tại ngày hội làng Châm Khê, du khách được nghe “quan họ Phật giáo”. Theo cách chia của dân gian, “quan họ Phật giáo” là một “hệ” trong hệ thống các cách chơi quan họ. Đại ý của cách chơi này là tập hợp tất cả những lời ca, tiếng hát liên quan đến Phật giáo để trình diễn trong không gian chùa làng. Quan họ làng Châm Khê còn mời thêm các câu lạc bộ quan họ đến hát giao lưu nhân hội làng. Đó có lẽ cũng là những cách để tạo nên sự cộng hưởng, thu hút thêm sự quan tâm của cộng đồng, du khách, “làm mới” quan họ cổ.
Lối hát đối đáp của làng Châm Khê trung thành với lối hát cổ, nghĩa là đối ca từ, giai điệu, đối ý, đối điển tích, đây là một cách hát khó nhưng vẫn có nhiều câu lạc bộ tham gia.
Clip bài quan họ cổ “Hòn đá đổ xô” qua giọng ca của liền chị làng Châm Khê Nguyễn Thị Thắm và Nguyễn Thị Lập:
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Công Dứa, người hát quan họ có tên tuổi trong làng Châm Khê, năm nay đã 86 tuổi, vốn là một liền anh có tiếng của làng. Được thừa hưởng ở cha chú giọng hát và niềm đam mê với vốn cổ của quê hương, từ thuở thiếu thời, ông Dứa đã đi hầu khắp các làng quan họ để xem, nghe và giao lưu quan họ.
Ông Nguyễn Công Dứa cùng ông Nguyễn Công Lụt ở làng quan họ gốc Châm Khê là cặp "anh hai" nổi tiếng đồng điệu, thành thục ca xướng, cùng nhau du ca hết hội này sang hội khác, “không thua bạn một câu, kém một lối”. Sau này, khi bạn hát đổ bệnh thì "anh hai Dứa" không còn thường xuyên ca nữa dù vẫn say mê quan họ.
Tuổi cao, thời tiết thất thường, những ngày chính hội làng, ông Dứa không ra được đình. Nhưng trong căn nhà nhỏ, bên bàn nước, khi kể lại chuyện nghề cho chúng tôi, ông vẫn rất say sưa, với chất giọng “vang, rền, nền, nảy”.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Công Dứa giãi bày: “Ông Lụt là bạn hát với tôi suốt cả chục năm. Chúng tôi người dẫn, người luồn, hiểu nhau từng cách bắt hơi, nhả hơi, nảy tiếng, lúc nào câu hát cũng đầy đặn, vừa nảy vừa vang... Sau khi ông ấy đổ bệnh, tuy tôi vẫn chơi quan họ và tích cực truyền dạy nhưng vì lẻ bạn nên thỉnh thoảng mới ca xướng...”
Ca sĩ Thúy Hoàn - người con của vùng quê quan họ hiện đang sinh sống ở Mỹ cũng về với hội làng Bùi. Tự hào được sinh ra ở mảnh đất Châm Khê, chị chia sẻ: “Hát cổ là lối hát dù không cần nhạc, chẳng cần loa hỗ trợ mà người nghe vẫn thấy hay, vẫn thấm thía. Bởi thế nên nhiều người ta phương xa, mỗi mùa hội Lim về tới Bắc Ninh vẫn muốn tìm nghe quan họ cổ, bởi họ đã say, đã mê lời ca, câu hát ấy mất rồi.”
“Bài hát quan họ nào cũng nói lên sự khao khát yêu thương của con người. Xưa kia các trại quan họ có thể yêu nhau nhưng sẽ không lấy nhau, bởi các cụ rất tinh tế, nghĩ là lấy nhau rồi thì cơm, áo, gạo, tiền thì làm sao hai vợ chồng còn “Trăm năm em xin đợi, nghìn năm em xin chờ” nữa. Có lẽ vì thế nên tình yêu đó cứ khao khát mãi, mỗi khi có hội Lim gặp nhau, các liền anh, liền chị lại sẽ hát cho nhau những lời yêu, lời tình, rồi cuối cùng lại giã bạn và hẹn năm sau.” - nữ ca sĩ sinh ra từ làng Bùi chia sẻ thêm.
Làng Châm Khê hiện nay có một câu lạc bộ quan họ trên 30 thành viên. Câu lạc bộ là nòng cốt trong việc giữ gìn và lan toả quan họ của làng. Các thành viên trong câu lạc bộ có độ tuổi khác nhau. Lớp người từ 60 tuổi trở lên vừa có giọng ca hay, hiểu được lề lối chơi quan họ, vừa là những người truyền dạy cho lớp sau. Nhiều người tuổi cao nhưng vẫn say quan họ như các nghệ nhân Nguyễn Thị Khai, Nguyễn Công Dứa, Nguyễn Công Lụt, Nguyễn Thị Bí… Họ đã tham gia nhiều kỳ thi hát quan họ của tỉnh, giành được nhiều giải thưởng và nhiệt tình truyền dạy. Nhờ vậy, những liền anh, liền chị ở lứa tuổi dưới đã từng bước trưởng thành. Nhiều người luyện được giọng ca như hút được cả hồn người nghe.
Kể từ năm 2023, CLB Quan họ Châm Khê tổ chức lớp quan họ măng non, dạy quan họ cho 20 em học sinh tuổi từ 8 - 15 tuổi, đến giờ các cháu đã hát được khá tốt. Tuy nhiên, việc truyền dạy này cũng chỉ thực hiện được vào dịp hè, tại trường các cháu vào buổi tối, do chưa có địa điểm để tập luyện. Còn lại, những hoạt động truyền dạy quan họ khác cũng chủ yếu trong các gia đình.
Về Châm Khê, không chỉ được nghe hát quan họ, mà chúng tôi còn thực sự được sống trong không gian văn hóa quan họ. Từ các cụ già đến các bạn trẻ, ai cũng nhẹ nhàng, nhã nhặn, nhiệt tình và cực kỳ mến khách. Từ cách mời trà, mời cơm, đến cách chào hỏi cũng đậm chất người quan họ, tế nhị mà rất chân tình.
Mong muốn lớn nhất của các nghệ nhân là một địa điểm ổn định để việc truyền dạy quan họ cổ cho các thế hệ kế tiếp có thể được thực hiện thường xuyên hơn. Tâm huyết của các nghệ nhân, sự đồng lòng của cộng đồng hứa hẹn “chắp thêm cánh” để quan họ cổ Châm Khê bay cao, bay xa hơn nữa.