Nỗ lực để có nhiều tác phẩm xứng đáng
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ủng hộ hiệu quả để phát triển văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sỹ. Trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện thì sự quan tâm này ngày càng mạnh mẽ, cụ thể hơn. Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng như đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân, luôn trăn trở nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, đi sâu vào thực tế đời sống để có nhiều tác phẩm xứng đáng. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục chăm lo, phát triển toàn diện (cả vật chất và tinh thần) để đội ngũ văn nghệ sỹ có điều kiện sáng tạo, cống hiến nhiều nhất. Các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo, bồi dưỡng bài bản, tôi luyện trong thực tế và được trọng dụng. Mặt khác, cũng cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng của văn nghệ sỹ; thu hút nhân tài người Việt trên thế giới về phục vụ, cống hiến cho nước nhà. Việc khen thưởng tài năng, tôn vinh sự nghiệp sáng tạo xuất sắc của văn nghệ sỹ cũng cần được xem xét một cách toàn diện, chặt chẽ, khoa học, công tâm, minh bạch và kịp thời nhằm tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong xã hội, sự đồng thuận, đoàn kết.
Về cơ chế, Đảng, Nhà nước cần đặt sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia, là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kì mới. Đồng thời, các bên liên quan cần xây dựng các đề án cụ thể về văn học nghệ thuật trong Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Còn về chính sách, những loại hình văn học nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia - dân tộc, các giá trị cốt lõi của văn hóa - con người Việt Nam như văn học, lý luận phê bình, sân khấu dân tộc, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh… cần được tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, sức sống lâu bền, sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, vinh dự và trách nhiệm của văn nghệ sỹ ngày nay rất vẻ vang nhưng cũng vô cùng nặng nề, họ cần sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao, chiếu sáng cuộc sống, thực sự soi đường cho quốc dân đi…
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, văn nghệ sỹ trong thời kỳ mới phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm với thời đại hôm nay, đồng thời thể hiện năng lực, sức bật trong nghiên cứu, sáng tạo mới, hiện thực hóa đường lối của Đảng bằng tinh thần trách nhiệm, tài năng của người nghệ sỹ. Họ phải mang lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong đời sống tinh thần, phục vụ nhân dân, đúng theo nguyện vọng, ý chí của dân tộc, củng cố và phát triển sâu rộng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) nêu rõ: Trong bất cứ xã hội hay đất nước nào, trí thức, văn nghệ sỹ đều là những tinh hoa làm nên bộ mặt khoa học, văn hóa của một đất nước. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là nơi tập hợp những văn nghệ sỹ, trí thức của rất nhiều lĩnh vực. Các hội chuyên ngành trong Liên hiệp thực sự là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng
Lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò và sứ mệnh to lớn của đội ngũ văn nghệ sỹ - một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam, lực lượng nòng cốt trong sáng tạo, truyền bá văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Trong Thư gửi các họa sỹ nhân triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trân trọng tài năng đặc biệt, hiếm có của văn nghệ sỹ. Người cho rằng văn nghệ sỹ cần luôn luôn tâm huyết xây dựng những tác phẩm xứng đáng với sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc, đó là tác phẩm tốt, hay và đẹp, có thể ví như những hòn ngọc quý, để đời và bổ ích với công chúng. Trải qua hai cuộc kháng chiến, các thế hệ nghệ sỹ luôn đồng hành, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân, viết nên những trang sử mới bằng các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca, nhạc họa, sân khấu, điện ảnh…, cống hiến tài năng và sức lực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, sức mạnh tổng hợp quốc gia - dân tộc được nâng cao rõ rệt, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ văn nghệ sỹ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) ngày 25/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đội ngũ văn nghệ sỹ gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân, say mê với nghề nghiệp, dồn hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới. Sự cống hiến của anh, chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị văn hóa, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh, chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đó là gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc..
Trong cuộc Hội nghị gặp mặt các văn nghệ sỹ, trí thức ngày 29/2/2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gặt hái nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội… Nhiều trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ là những tấm gương trong lao động, học tập, nghiên cứu và sáng tạo, dấn thân vì dân, vì nước, vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới, được quốc tế vinh danh, được công chúng yêu thích, mến mộ. Đất nước đang rất cần những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ với tình yêu Tổ quốc nồng nàn, sự đồng cảm sâu sắc với nhân dân, khát vọng lớn lao, sẵn sàng dấn thân, hòa mình vào thực tiễn đời sống phong phú, sinh động của đất nước, đồng hành với Đảng, dân tộc trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội...