Văn hóa, thể thao, du lịch góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam

Năm Đinh Dậu 2017, những người làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Năm 2018, phát huy những kết quả đạt được năm 2017, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ bước vào năm mới Mậu Tuất với quyết tâm cao độ, nỗ lực tạo nên những thành công mới. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về những dự định, hành động của toàn ngành trong năm mới. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện:

Văn hoá phải góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Văn hóa phải là nòng cốt, cần hành động góp phần ngăn chặn suy thoái đạo đức trong xã hội, tiến tới đẩy lùi và tập trung phát huy những mặt tốt đẹp. Vậy trong năm 2018, ngành văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình sẽ có  những hành động cụ thể nào để thực hiện chỉ đạo này ?

Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành liên quan, mỗi gia đình, các nhà trường và toàn xã hội. Theo đó, các cấp, các ngành, trong đó có ngành văn hóa cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp.

Cụ thể là các cấp, các ngành cần  thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các văn bản quản lý của ngành nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động; đưa việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống văn hóa thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; phát huy vai trò của văn học nghệ thuật, văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử, trong đó đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Cần tạo cơ chế đặt hàng để có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức trong văn hóa; nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống…

Đưa di sản thành tài sản phát triển

Hiện Việt Nam đã có 26 di dản được UNESCO vinh danh. Đây chính là một nguồn tài nguyên quý giá để góp phần phát triển du lịch ở các vùng miền. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để những di sản này thực sự trở thành tài sản, thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng?

UNESCO ghi danh các di sản văn hóa dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có xem xét quá trình quốc gia và cộng đồng đã làm gì để bảo tồn di sản đó. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Jeju - Hàn Quốc, tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên trên thế giới được xem xét chuyển từ danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là ghi nhân của UNESCO với những nỗ lực to lớn mà cộng đồng địa phương và chính quyền các cấp của Việt Nam đã thực hiện để củng cố và duy trì sức sống cho di sản này.

Mặt khác, theo tôi, cần khẳng định, trên phương diện hiệu quả kinh tế - xã hội, các di sản văn hóa, sau khi được UNESCO ghi danh, đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao vị thế về đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, các di sản cũng từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của cộng đồng dân cư nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương nhiều việc làm với thu nhập đáng kể. Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy: Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình đón trên 6,1 triệu lượt khách; doanh thu từ phí danh lam và phí chở đò đạt khoảng 652,2 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng về lợi ích mang lại cho cộng đồng, doanh nghiệp…

Để các di sản này được bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị hiệu quả hơn nữa, các bộ, ngành, UBND các cấp, cơ quan hữu quan, cộng đồng địa phương - chủ thể di sản văn hóa cần thực hiện định hướng của UNESCO về di sản thế giới trên toàn cầu nói chung, di sản thế giới ở Việt Nam nói riêng; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới; triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Mặt khác, các đơn vị, địa phương cần có tính toán,  giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của cộng đồng; gắn kết chặt chẽ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Đồng thời, phải kiểm soát được tác động của hoạt động du lịch tới sự bền vững của di sản văn hóa, tăng cường nguồn thu để tái đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm từng bước đưa cộng đồng, cá nhân là chủ thể di sản văn hóa vừa chủ động, tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa được trực tiếp thụ hưởng các thành quả về vật chất và tinh thần do hoạt động này mang lại...

Du lịch đang định hình là ngành kinh tế mũi nhọn

Điểm nhấn nổi bật trong năm 2017 của ngành là du lịch đạt mức tăng trưởng cao. Du lịch cùng với văn hóa đã góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy cá nhân Bộ trưởng đánh giá như thế nào về dấu ấn của ngành du lịch?

Năm 2017, ngành du lịch có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội, vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được định hình. Du lịch có những bước tăng trưởng vượt bậc với việc đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1 % so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD.

Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016. Tăng trưởng khách du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội, đóng góp tích cực cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2017 cũng là năm bội thu của du lịch Việt Nam tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới (WTA)…

Trong năm 2017, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng về du lịch với nội dung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết.

Luật Du lịch (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV (ngày 19/6/2017), được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn thu hút đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong năm qua đã có nhiều bước tiến, tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường khách truyền thống và các thị trường khách còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh…

Theo Bộ trưởng ngành du lịch cần có những hoạt động cụ thể, đột phá nào để đạt được mục tiêu đón 15-17 triệu lượt khách quốc tế , theo kịp tốc độ phát triển của các nước trong khu vực, khắc phục những nỗi được những nỗi “sợ hãi” khiến du khách " một đi không quay lại"?

Dựa trên những thành quả đã đạt được của năm 2017, dự báo năm 2018 ngành du lịch tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Chỉ tiêu Chính phủ giao ngành du lịch thực hiện trong năm 2018 là đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng từ 16-30% so với năm 2017), phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa.

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt về tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch nhận thấy cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn đó là trong hai năm liên tiếp du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao khách quốc tế đến Việt Nam, đạt 26% năm 2016 và 29,1% năm 2017.

Để đạt được mục tiêu đề ra: Ngành du cần tập trung thực hiện các giải pháp để duy trì đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa. Trong đó, toàn ngành triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, tăng cường hợp tác công – tư, huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới hoạt động quảng bá xúc tiến để nâng cao hiệu quả. Ngành du lịch phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong nước, quốc tế để tăng tần suất các đường bay đã có, thiết lập các đường bay mới từ thị trường trọng điểm đến điểm đến những nơi còn nhiều dư địa phát triển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cát Bi, Huế, Vân Đồn…

Mặt khác, ngành du lịch cần tăng cường quản lý điểm đến đến đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần được phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, với sự chủ trì của chính quyền địa phương các cấp, sự tham mưu đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đây chính là hoạt động xúc tiến tại chỗ nhằm hướng tới sự hài lòng của du khách.

Quyết tâm và kỳ vọng

Bộ trưởng có kỳ vọng như thế nào về bước phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong năm mới Mậu Tuất 2018?

Năm 2018, phát huy những kết quả đạt được năm 2017, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ bước vào năm mới Mậu Tuất với quyết tâm cao độ, nỗ lực tạo nên những thành công mới. Theo đó, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ của ngành nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giải pháp thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2018; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại 2018; triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hoá, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đặc biệt, toàn ngành sẽ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện và  đẩy lùi, chống xuống cấp đạo đức xã hội tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chiến lược. Song hành với nhiệm vụ này là các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về gia đình, sao cho mỗi gia đình là một tế bào xã hội thực sự khỏe mạnh, là nền tảng  để mỗi cá thể bên trong ngày càng hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, lối sống.

Trong lĩnh vực thể thao, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao sẽ trình Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5. 2018.  Khi  được Quốc hội thông qua, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý giúp thể thao Việt Nam có bước phát triển đột phá. Toàn ngành cũng đang rốt ráo chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên tham dự các Đại hội thể thao quốc tế năm 2018...

Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón gần 94 triệu lượt khách, trong đó khoảng từ 16-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế; khách du lịch nội địa đạt khoảng 78 triệu; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng; tiếp tục rút ngắn khoảng cách với các nước trong top đầu của khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia...

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Giang/TTXVN
Ẩm thực Việt mê hoặc khách du lịch
Ẩm thực Việt mê hoặc khách du lịch

Ẩm thực Việt Nam được du khách nước ngoài đánh giá cao bởi sự đa dạng, tươi và đảm bảo sức khỏe. Phát triển văn hóa ẩm thực là con đường ngắn nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả nhất và là sản phẩm du lịch độc đáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN