Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng đây cũng là "mảnh đất màu mỡ'' để nhiều người thể hiện “cái tôi” qua những hành vi ứng xử, cách tương tác không theo chuẩn mực, cũng như thuần phong mỹ tục, đôi khi gây nên hiệu ứng hoặc trào lưu thiếu tích cực.
Định hướng thanh niên về ứng xử trên mạng xã hội
Hiện nay, có nhiều người sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức nào đó với những lời lẽ thiếu văn hóa, thô tục. Các "anh hùng bàn phím" với ý nghĩa tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội…
Những năm gần đây, Viện nghiên cứu thanh niên (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu nhiều đề tài liên quan đến văn hóa lối sống của thanh niên, trong đó có nội dung về hành vi, cách ứng xử của thanh niên trên mạng xã hội.
Một khảo sát mới đây của Viện cho thấy, khoảng 90% thanh niên có ít nhất một tài khoản mạng xã hội và đây là phương thức giao tiếp ưa thích của giới trẻ. 41,2% thanh niên thường dành từ 1 - 3 giờ/ngày, 30,7% dành từ 3 - 5 giờ/ngày để sử dụng internet; số còn lại sử dụng trên 5 giờ/ngày. 51,7% thanh niên đã từng sử dụng một tài khoản mạng xã hội khác ngoài tài khoản mạng xã hội chính thức của cá nhân.
Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Viện nghiên cứu thanh niên (Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) nhận định: Thực tế cho thấy, chỉ một bộ phận nhỏ người dùng mạng xã hội sử dụng lời nói không đúng chuẩn mực hoặc có văn hóa ứng xử đi ngược lại thuần phong mỹ tục, nhưng đã vô tình được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, được thông tin tuyên truyền, vì vậy khiến cho nhiều người có cảm giác văn hóa ứng xử đang xuống cấp trầm trọng. Dù vậy, nếu như không có biện pháp kịp thời hay chế tài chặt chẽ để ngăn chặn, tình trạng này sẽ lan rộng không chỉ trong thanh niên, mà còn trong toàn xã hội.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, điều này xuất phát từ đặc điểm tâm lý của độ tuổi thanh niên, thích thể hiện bản thân, đưa ra chính kiến, đặc biệt là đặc tính mong muốn được thể hiện cái tôi, càng nổi bật càng tốt; mạng xã hội là cách thức giúp thanh niên có thể được biết đến một cách nhanh nhất, nhiều nhất.
Vì vậy, hiện nay, có rất nhiều người trẻ chọn cách nổi tiếng qua việc làm các video clip, tung hình ảnh thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội để câu like (lượt thích), câu view (lượt xem) hoặc câu comment (bình luận). Ngoài ra, còn một bộ phận khác lợi dụng hành vi, xu hướng a dua của cộng đồng mạng để kiếm view, kiếm like, kiếm tiền, trục lợi...
Một nguyên nhân khác đó là đôi khi báo chí, truyền thông cũng vô tình cổ súy các hành vi này. Những câu chuyện đẹp, những tấm gương việc tốt, vì cộng đồng, chưa được quan tâm phản ánh thỏa đáng để góp phần lan tỏa.
Trong khi các câu chuyện giật gân, câu khách mang khía cạnh tiêu cực lại được khai thác triệt để, nhằm thỏa mãn tâm lý tò mò, sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng. Điều này dẫn đến việc nhiều thông tin tiêu cực vô tình được đẩy lên cao, tạo ra ''mảnh đất màu mỡ'' để những hành vi, lời nói không đúng chuẩn mực có dịp bùng phát.
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, thanh niên là đối tượng chính sử dụng internet và mạng xã hội. Chính vì vậy, mỗi hành vi của một thanh niên nếu không đúng chuẩn mực sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều thanh niên khác cũng như tất cả các đối tượng trong xã hội. Vì vậy, thanh niên là một trong những đối tượng cần được tập trung ưu tiên để định hướng giáo dục theo những giá trị tốt đẹp mà xã hội đang tôn vinh.
Học cách đề kháng với tiêu cực trên mạng xã hội
Nhận định nguyên nhân của tình trạng này từ góc độ tâm lý, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Con người về mặt bản năng luôn làm những điều mình thích, chống lại những rào cản, những thứ thuộc về các quy tắc, chuẩn mực.
Trong khi đó, mạng xã hội thì không có rào cản, không có quy định thuộc về pháp luật hay các qui tắc đạo đức, văn hóa truyền thống, vì vậy, con người dễ có xu hướng thiếu kiểm soát cảm xúc, thiếu kiềm chế ham muốn và có hành vi ứng xử không đúng chuẩn mực, dễ dàng bỏ qua những chuẩn mực văn hóa.
Bên cạnh đó, không gian mạng là môi trường “ảo”, vì thế, người sử dụng dễ dàng làm điều tiêu cực nếu họ lập một nick giả hoặc ẩn dưới một cái tên giả. Nhiều nhà tâm lý cho rằng: trong một môi trường không tiếp xúc, không gặp mặt, dễ dàng “mai danh ẩn tích” thì con người dễ trở nên độc ác hơn.
Vì vậy, nhiều người sử dụng mạng xã hội để xúc phạm, tấn công người khác mà không cảm thấy cắn rứt lương tâm. Tất cả các yếu tố này tạo nên một sự tự do rất lớn đối với các cá nhân, khiến họ có cách cư xử khác hẳn với cách hành xử đang thực hiện ở đời thực.
Một yếu tố khác phải kể đến, đó là tính a dua và áp lực nhóm. Người sử dụng mạng xã hội, nhất là các bạn trẻ thường tham gia các hội, nhóm và sẽ phải nói hoặc hành động theo một cách ứng xử đã được định sẵn. Vì vậy, một cá nhân sẽ rất dễ bị ảnh hưởng nếu tham gia nhóm không được kiểm soát, “vô chính phủ” hoặc có lối sống lệch lạc.
Mặt khác, các nhân vật nổi tiếng, những người được giới trẻ tôn vinh là thần tượng không phải lúc nào cũng có ứng xử tốt, hành xử đẹp trên mạng xã hội. Những phát ngôn hay hành vi thiếu chuẩn mực của họ dễ ảnh hưởng, thậm chí có thể gây ra trào lưu trong nhóm người hâm mộ, nhất là giới trẻ.
Có thể nói, mạng xã hội là sự tổng hợp của một xã hội thiếu sự kiểm soát của đạo đức, văn hóa, pháp luật, vì vậy nếu cá nhân không tỉnh táo, không học được cách đề kháng sẽ rất dễ dàng bị tác động - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà chỉ rõ.
Lên án những hành vi thiếu văn hóa trên mạng xã hội, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng: Nhiều người dùng mạng xã hội thể hiện những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, sử dụng thông tin giả làm đảo lộn, làm xã hội bức xúc, hoảng sợ… là thiếu đạo đức làm người. Việc đó cần được pháp luật xử lý thích đáng.
Tự soi chính mình
Để quản lý các ứng xử trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội. Đây được coi như một đạo luật đạo đức về cách thức ứng xử trên không gian mạng.
Theo đó, dự thảo bộ quy tắc đưa ra 4 quy tắc chung: tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Ngoài ra, còn có các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng phải tuân thủ, theo các mức độ: nên/không nên; được/không được; phải/không được.
Cụ thể như, người dùng mạng xã hội là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước không được ứng xử trên mạng xã hội trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; ứng xử thuận chiều với các thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội.
Hay công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội phải công khai sự xuất hiện bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, cơ quan công tác. Với người dân sử dụng mạng xã hội, bộ quy tắc yêu cầu tiêu chí "nên": nên lên tiếng ủng hộ, chia sẻ những thông tin tích cực; dùng mạng xã hội có văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực...
Bộ quy tắc không có chế tài xử lý, chỉ đưa ra các chuẩn mực xã hội, mang tính khuyến cáo. Từ bộ quy tắc ứng xử chung, từng cơ quan, tổ chức cần ban hành những quy định phù hợp với đặc thù của đơn vị mình với đối tượng cụ thể.
Do đó, hơn ai hết, mỗi người sử dụng cần có ý thức ứng xử có văn hóa mới dần loại bỏ được những mặt tiêu cực trên mạng xã hội. Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức khẳng định: Văn hóa có ý nghĩa sâu sắc là mỗi người tự so với chính mình để xem những hành vi ấy có văn hóa, có thật sự tốt đẹp không, bởi hướng tới cái thiện, hướng tới những điều tốt đẹp, những điều tử tế là văn hóa của mỗi người.
Những người vô tình hoặc hữu ý làm những việc không tốt, trong cuộc đời sẽ có lúc ân hận. Đưa thông tin sai, không có lợi, sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, ném đá hội đồng, hoặc chửi bới, thóa mạ, miệt thị nhau trên mạng xã hội hoàn toàn không phải là ứng xử có văn hóa. Xã hội dù truyền thống hay hiện đại cũng không thể chấp nhận được cách ứng xử như vậy.
Nhìn từ góc độ văn hóa, luật trong lòng người là quan trọng nhất, để có thể ứng xử văn hóa. Trong xã hội hiện đại, thế giới hội nhập, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, ngoài việc hành xử văn minh trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người cũng cần ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.