Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luận điểm này luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, khi đất nước đã hội nhập sâu cùng thế giới, luận điểm này càng thể hiện tính đúng với những giá trị đặc biệt sâu sắc.
"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"
Theo sát luận điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hóa và đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghị quyết 05-NQ/TW, ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới đã nêu rõ văn hóa với tư cách “là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa, là một động lực mạnh mẽ, đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 khóa VII (1993).
Được đánh giá là chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã bổ sung, phát triển, làm sâu sắc, phong phú hơn kho tàng lý luận văn hóa, đường lối văn hóa của Đảng và mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.
Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội... Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”…
Nghị quyết 33-NQ/TW (Khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hãy để văn hóa "soi đường" cho chính mình
Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội khóa IV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Giữ gìn, phát triển văn hoá là một yêu cầu mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong trong thời đại kinh tế thị trường định hướng hiện đại”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc sống đa dạng và phức tạp, càng phức tạp hơn khi xã hội đang phát triển giữa tác động nhiều chiều của toàn cầu hóa. Ðây chính là lúc mỗi người, trước khi góp phần làm cho "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", cần phải làm thế nào đó để văn hóa "soi đường" cho chính mình. Ðiều này trở nên quan thiết hơn đối với mọi cán bộ, đảng viên, đối với những cá nhân thường là tiêu điểm chú ý của xã hội như trí thức, văn nghệ sĩ...
“Nếu xã hội tạo điều kiện, khuyến khích sự ra đời của những tấm gương văn hóa, thì mỗi người cũng cần tự ý thức về hình ảnh của mình trước cộng đồng, tích cực hoạt động để truyền bá, làm cho các giá trị chân - thiện - mỹ trở nên phổ biến trong sinh hoạt xã hội. Làm như thế, chúng ta đã góp phần hiện thực hóa luận điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.
“Chính phủ khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh, loại bỏ các biểu hiện trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng và xã hội; yêu cầu các cấp, các ngành, trước hết là các lực lượng chức năng tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm môi trường sống, an ninh, an toàn cho người dân. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tôn vinh gương người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vô trách nhiệm, thiếu văn hóa. Cần rà soát lại các quan hệ xã hội liên quan đến văn hóa, đạo đức truyền thống để bảo vệ nền tảng giá trị bằng pháp luật…”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Văn hóa hướng tới sự phát triển bền vững đất nước
Khẳng định lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng luôn tâm tư khi sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết: “Giờ đây chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội... Rõ ràng tất cả những cái đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa”.
Xây dựng văn hóa hay là sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Tuy vậy so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh như Nghị quyết số 33-NQ/TW đã chỉ ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững đất nước cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bên cạnh tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, cần quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử. Văn hóa phải được đầu tư xứng đáng để có thể hội nhập mà không hòa tan.
Bài 2: Lan tỏa tinh hoa bản sắc văn hóa Việt