Văn hóa hướng tới phát triển bền vững - Bài 3: Văn học nghệ thuật cổ vũ con người vươn tới chân, thiện, mỹ

Ở bất cứ thời kì nào cũng vậy, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật và người nghệ sỹ là thông qua tác phẩm nghệ thuật kết nối muôn triệu trái tim, đi sâu phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người, hướng con người đến những giá trị cao đẹp của chân – thiện – mỹ. Có thể nói rằng văn học, nghệ thuật có tác động lớn đến sự hình thành nhân cách con người.

Do đó, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong hình thành đạo đức, nhân  cách con người Việt Nam thời kỳ mới của đất nước là nhiệm vụ quan trọng, trọng trách cao cả của văn nghệ sỹ - những người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. 

Văn học nghệ thuật góp phần giáo dục con người

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở kịch “Chiến dịch” do Nhà hát kịch Hà Nội biểu diễn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng với quá trình hình thành, hoàn thiện phẩm chất đạo đức và nhân cách của con người. Thông qua hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học, điện ảnh, phim truyền hình, sân khấu… con người thẩm thấu các giá trị đạo đức từ các nhân vật từ đó bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức cho các thế hệ công dân. 

Thực tế cho thấy, sức ảnh hưởng và lan tỏa của những hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học nghệ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến người xem.

Nhiều diễn viên sân khấu hay điện ảnh đóng các vai phản diện đã phải nhận những phản ứng tiêu cực từ khán giả, bị “ghét” ở ngoài đời dù đó chỉ là vai diễn. Một số vở kịch hay bộ phim truyền hình đã tạo nên những xu hướng về thời trang, ẩm thực…

Trao đổi về vấn đề này, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khẳng định, sân khấu là một trong những loại hình nghệ thuật đặc thù tác động trực tiếp đến người xem. Có thể thấy sự tác động này qua việc những diễn viên đóng vai chính diện (vai người tốt) thì được người xem yêu mến. Những diễn viên đóng vai phản diện (vai người xấu) thì bị ghét bỏ, họ bị chửi bới, ném đá trên sân khấu. Thậm chí, trên thế giới  từng có trường hợp nhân vật đóng vai phản diện bị bắn chết… điều này khẳng định, những tác động trực tiếp của sân khấu đến cảm xúc, hành vi của người xem. 

Nhiều văn nghệ sỹ cũng khẳng định, so với các môi trường giáo dục như gia đình, nhà trường, xã hội… trong quá trình giáo dục hình thành và hoàn thiện nhân cách, đạo đức của con người, thì văn học, nghệ thuật có ưu thế đặc thù, thể hiện ở trong đặc trưng của văn học nghệ thuật là “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo). Đặc trưng này vừa là nhiệm vụ tự thân, vừa là sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật, đòi hỏi văn nghệ sỹ không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức nhân cách của đạo làm người, mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức rung động, cảm hóa mạnh mẽ, cổ vũ con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp… 

Các nhà văn, các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên… thông qua các hình tượng nhân vật trong văn học, nghệ thuật và việc thưởng thức các tác phẩm văn học, phim ảnh, truyền hình hay những vở kịch trên sân khấu… để phản ánh đạo đức xã hội, ca ngợi, bảo vệ những giá trị đạo đức cao đẹp, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu trong đời sống xã hội. Từ đó, người nghệ sỹ đã góp phần vào việc giáo dục, hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp cho con người, tạo sợi dây bền chặt kết nối và hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. 

Tăng cường trách nhiệm của văn học nghệ thuật

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự du nhập ngày một gia tăng các sản phẩm văn hóa, lối sống từ bên ngoài vào khiến cho nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng, quan điểm của nhiều nhóm người, đặc biệt là trong đó có một nhóm thanh thiếu niên bị lệch chuẩn. Những vụ việc giết người hàng loạt xảy ra ở nhiều địa phương, tệ nạn xã hội gia tăng gây hoang mang trong dân chúng, những bất ổn trong đời sống làm rạn nứt, đứt gãy hệ giá trị văn hóa, xói mòn đạo đức xã hội và đánh mất niềm tin trong mỗi con người. 

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Phong Lê, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cho rằng: Tính từ 1995, khi đất nước bước vào hội nhập đến nay mới chỉ hơn 20 năm phát triển, nhưng đó cũng là khoảng thời gian cả dân tộc đứng trước những thử thách và cơ hội gần như chưa có tiền lệ trong lịch sử. 

Theo Giáo sư Phong Lê, trong 20 năm đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, song cũng có nhiều mất mát. Nhìn vào cái “được” trên mọi lĩnh vực như: ăn, ở, đi lại và các nhu cầu vui, chơi, giải trí… thì chưa có lúc nào bằng lúc này. Đó là biểu hiện của sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng cùng với đó thì những cái “mất” cũng rất lớn, mất ở đời sống văn hóa, tinh thần, trong đó có một hiện tượng gây nhức nhối trong luân lý, đạo đức, đó là nguy cơ tan rã của gia đình - đơn vị sống cơ bản của con người tăng lên. Ở đó, chữ hiếu bị một đòn “tử thương” trong những vụ con, cháu giết cha, mẹ, ông bà - chỉ vì sự tham lợi và đạo đức hư hỏng, đến mất hết nhân tính.

Giáo sư Phong Lê chia sẻ: Bên cạnh đó là sự bất an của xã hội, do sự tràn lấn của cái ác và cái giả. Cái ác thì thiên hình vạn trạng, trên mọi lĩnh vực. Thông tin về những “cái ác” xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn cái giả thì cả xã hội đã biết đến phân bón giả, thuốc giả, bằng cấp giả... Rộng ra, có thể kể đến những chuyện vô ơn bạc nghĩa trong tình thầy trò; những loãng nhạt của tình bạn bè; những vô tình, vô nghĩa trong tình đồng chí (một thời rất thiêng liêng)... Đó là những hiện tượng gắn trực tiếp với sự suy thoái đạo đức trong xã hội, sự xen cài giữa thiện - ác, tốt - xấu, thực - giả, trong khi những mặt tích cực có phần bị chèn lấn, khuất lấp...

Trước thực trạng đó, văn học nghệ thuật, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sỹ cần thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm trong việc sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần tham gia vào công cuộc chấn hưng đạo đức, củng cố, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Theo Giáo sư Phong Lê, dẫu văn học hôm nay đứng trước đa chức năng, trong đó chức năng giải trí đang nổi lên, có lúc gần như lấn át, thì chức năng nhân đạo, gây dựng hoặc khuyến khích “chất người” trong con người, nhằm làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn vẫn nên, hoặc vẫn phải là mục tiêu bao trùm. Nói cách khác, mục tiêu “hướng thiện” vẫn là cái đích chung cao nhất cho cả người viết và người đọc…

Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho văn học, nghệ thuật, đó là: "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước; tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước".

Đây cũng là sứ mệnh, trọng trách cao cả của văn nghệ sỹ với tư cách là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như lời dạy của Bác Hồ: "Đây là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". 

Các văn nghệ sỹ cho rằng, để làm tròn trọng trách của văn học, nghệ thuật với quá trình hình thành và hoàn thiện đạo đức, lối sống, nhân cách cao đẹp cho các thế hệ người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, trước hết, đội ngũ văn nghệ sỹ - những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa văn nghệ phải bám sát thực tiễn sinh động, có mặt ở mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các nghệ sỹ cần tìm được những cảm xúc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. 

Các tác phẩm cần thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, nhân vật tiêu biểu của thời kỳ phát triển mới của dân tộc, của thời đại; cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên, phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái giả dối, cái thấp hèn, cái ác độc...

Những giá trị cao đẹp này của đạo đức, lối sống và nhân cách phải được biểu hiện hợp quy luật, hợp lòng người trong các hình tượng nghệ thuật có sức hấp dẫn, lôi cuốn, cảm hóa sâu sắc mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết, khát vọng chân - thiện - mỹ của mỗi con người.

Bài cuối: Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội

Phương Lan                 (TTXVN)
Văn hóa hướng tới phát triển bền vững - Bài 2: Lan tỏa tinh hoa bản sắc văn hóa Việt
Văn hóa hướng tới phát triển bền vững - Bài 2: Lan tỏa tinh hoa bản sắc văn hóa Việt

Bản sắc, truyền thống văn hóa Việt được hội tụ, bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Hội nhập quốc tế chính là cơ hội lớn để bản sắc văn hóa Việt Nam lan tỏa ra toàn thế giới từ chính sức hấp dẫn của những nét đẹp văn hóa và thông qua hoạt động quảng bá, giới thiệu, đưa di sản văn hóa Việt đến với bạn bè thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN