Ứng xử có văn hóa trong quảng cáo

Trước tình trạng lộn xộn, bát nháo của các hoạt động quảng cáo ở nhiều địa phương, việc thành lập bộ quy tắc ứng xử cho hoạt động quảng cáo là cần thiết.

Bát nháo hoạt động quảng cáo

Dọc các tuyến đường Hà Nội, không khó để thấy nhiều tấm biển quảng cáo không phù hợp, lấn át việc trồng cây xanh, che khuất tầm nhìn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông, như tuyến đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), huyện Sóc Sơn... Nhiều nơi, Hà Nội đã cho tháo dỡ, nhưng chỉ một thời gian sau lại mọc lên... Cuối năm 2016, Hà Nội đã thực hiện tháo dỡ những biển quảng cáo tấm lớn không phép, nhưng hoạt động này gặp phải không ít khó khăn.


Tình trạng sai sót ở các biển quảng cáo thường xuyên diễn ra.

Không chỉ với những biển quảng cáo tấm lớn, mà các biển hiệu quảng cáo ở nhiều khu phố cũng vô cùng lộn xộn, bát nháo. Có rất nhiều cửa hàng lắp đặt biển quảng cáo sai quy định. Nhiều biển quảng cáo vượt quá kích cỡ cho phép; vị trí treo, dựng bảng biển, pano, băng rôn lộn xộn, khi thì đặt dưới lòng đường, lúc trên vỉa hè, trên tường, ban công...


Hoạt động quảng cáo, rao vặt của các tổ chức, cá nhân không được cấp phép cũng xuất hiện nhan nhản, từ khoan cắt bê tông, lắp đặt internet, mua bán nhà đất, cho thuê đất, chương trình khuyến mại giảm giá, khai trương quán ăn được dán, vẽ, treo khắp nơi, từ tường nhà, đến cột đèn chiếu sáng, cây xanh, cột điện, tấm tôn kẽm ở khu đất trống, thùng rác công cộng... làm mất mỹ quan thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng văn minh đô thị.


Không chỉ lộn xộn về hình thức, nội dung của các biển quảng cáo cũng có nhiều điều đáng bàn. Nhiều biển quảng cáo viết sai chính tả, quảng cáo sai sự thật, sử dụng tiếng nước ngoài vô tội vạ. Đơn cử như tấm biển quảng cáo “quận Nam Từ Niêm” mới đây khiến không ít người cười ra nước mắt.


Không chỉ riêng Hà Nội, mà tình trạng lộn xộn, bát nháo của hoạt động quảng cáo này diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, và đang trở thành vấn nạn.


Tình trạng bát nháo hoạt động quảng cáo còn xảy ra cả trên mạng internet. Những lùm xùm quanh vụ việc “quảng cáo bẩn” trên youtube, google vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp nổi giận. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân loại hơn 8.000 clip có nội dung không lành mạnh được đăng tải trên kênh youtube.com là một minh chứng... cho thấy, hoạt động quảng cáo vốn nhạy cảm và phức tạp, cần phải được điều chỉnh và có ứng xử phù hợp.


Cần quy định rõ ràng hơn


Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng loạt ký và ban hành nhiều quyết định, liên quan đến việc chấn chỉnh, xây dựng nề nếp trong lĩnh vực quảng cáo. Theo đó, mảng hoạt động vốn nhạy cảm và phức tạp này trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh bằng một bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp, dự kiến được xây dựng và hoàn thiện trong năm 2017.


Cụ thể, Quyết định số 1072/QĐ - BVHTTDL do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký ngày 17/3 đã giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, bộ quy tắc ứng xử này sẽ đưa ra những nguyên tắc cơ bản, để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, chủ quảng cáo, người phát hành quảng cáo cần thực hiện khi tham gia hoạt động quảng cáo.


Ví dụ khi thể hiện một sản phẩm quảng cáo cho trẻ em thì nội dung cần thể hiện như thế nào cho phù hợp với sự hình thành và nhân cách của trẻ em, hoặc trách nhiệm và ứng xử của các doanh nghiệp khi thể hiện sản phẩm quảng cáo trên các phương tiện... Các sản phẩm hàng hóa có nội dung đặc biệt như thuốc, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm... cũng đưa ra một khung chung, thực hiện quảng cáo các sản phẩm này nên như thế nào cho phù hợp...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1073/QĐ - BVHTTDL về xây dựng mẫu quy hoạch quảng cáo ngoài trời; Quyết định số 1075/QĐ - BVHTTDL về việc tổ chức kiểm tra hoạt động quảng cáo tại 16 địa phương, gồm: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Cần Thơ, TP.HCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang. Cục Văn hóa cơ sở sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thực hiện.


Hiện nay, bộ quy tắc đang trong giai đoạn hình thành ý tưởng, sẽ gồm phần ứng xử chung về quảng cáo, sau đó đến phần ứng xử cụ thể cho từng đối tượng nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo, như ứng xử với khách hàng, ứng xử doanh nghiệp, ứng xử giữa người hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo với nhau, ứng xử giữa những người cho thuê cơ sở, phương tiện quảng cáo...


Để có thể xây dựng bộ quy tắc hoàn chỉnh, cụ thể, một tổ soạn thảo sẽ được thành lập, xây dựng chi tiết hệ thống các quy định, rồi lấy ý kiến đóng góp... Theo dự kiến, đến quý IV năm 2017, bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong quảng cáo sẽ hoàn thành.


Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, dù đã có luật, nghị định và việc thực thi các văn bản pháp luật khá tốt, song vẫn có nhiều sản phẩm quảng cáo còn có nội dung chưa phù hợp, hoặc thiếu tính trung thực, hình ảnh chưa đẹp... Vì vậy, nếu có những định hướng chuẩn mực cho các doanh nghiệp, thì vấn đề cạnh tranh sẽ theo hướng tích cực, góp phần cho việc phát triển của doanh nghiệp và sẽ là những yếu tố nền tảng hình thành các sản phẩm quảng cáo sáng tạo, đẹp và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Và mục đích của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo cũng là để đưa ra những định hướng, thái độ ứng xử đúng đắn của doanh nghiệp, chuẩn mực cho sản phẩm quảng cáo...


Phương Hà/Báo Tin Tức
16 tỉnh, thành phố bị kiểm tra hoạt động quảng cáo trong năm 2017
16 tỉnh, thành phố bị kiểm tra hoạt động quảng cáo trong năm 2017

16 tỉnh, thành phố, gồm: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang; sẽ bị kiểm tra hoạt động quảng cáo trong năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN