Tiến sĩ Đinh Công Vỹ sinh ngày 4/10/1945, tại số nhà 10 phố Cửa Tả (nay là phố Phùng Khắc Khoan) gần chợ Nghệ - thị xã Sơn Tây. Nhưng nơi ở chính của ông lại là số nhà 25 phố Nguyễn Thái Học (Cửa Tiền). Cả hai nơi Cửa Tiền, Cửa Tả gắn với hai cửa của thành Cổ Sơn Tây, là nơi trung tâm của thị xã Sơn Tây, đậm màu sắc Xứ Đoài thần kỳ, huyền diệu, rất ảnh hưởng đến văn nghiệp, sử nghiệp của ông.
Hồi học phổ thông, khi ấy 16 tuổi, ông đã say mê truyện Kiều và rất yêu quý Nguyễn Du. Ông đã viết cả một “Trường ca Nguyễn Du” dài 400 câu thơ song thất lục bát để thể hiện niềm đam mê này.
Sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, ông đã có gần 10 năm lao động tại Nông trường Bò sữa Ba Vì, Xí nghiệp Cơ khí thị xã Sơn Tây, Trạm khí tượng thủy văn Sơn Tây, Công ty kiến trúc khu Bắc Hà Tây, rồi sau đó mới thi và trúng tuyển vào khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có lẽ đó cũng là cơ sở để ông dễ thông cảm với những kiếp người cùng khổ thời xưa và sáng tác văn học, nghiên cứu sử học, thành người đầu tiên ở nước ta viết trường ca về thi hào dân tộc theo thể thơ truyền thống cổ truyền.
Tính từ khi ông viết Trường ca Nguyễn Du” đến nay, cuộc đời cầm bút của ông đã tròn 60 năm, ông viết nhiều thể loại, từ thơ ca đến tiểu thuyết, đến các tác phẩm nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học, sử học…
Hơn 60 năm cầm bút, TS Đinh Công Vỹ đã xuất bản các tác phẩm tiêu biểu như: Thảm án các công thần khai quốc triều Lê, Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn, Các bậc khai quốc triều Lê - còn có tên là Bí sử một vương triều, Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam, Nguyễn Du đời và tình, Trái tim đồng điệu, Chuyện lạ về 12 con giáp, Nhà sử học Lê Quý Đôn, Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam, Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt, Việt sử nói gì?, Tìm lại thời xưa.
Trong đó, cuốn sách nổi tiếng, gây nhiều dư luận nhất của ông là cuốn “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”, cuốn sách đầu tiên của ông viết về Sử được công bố vào năm 1992. Còn cuốn sách “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt” như một khám phá mới của nhà khoa học vậy. Đây là một công trình nghiên cứu kỹ càng, sâu sắc, chắt lọc ra những viên ngọc quý chìm sâu trong văn chương Việt.
“Sự nghiệp của TS Đinh Công Vỹ thể hiện qua nhiều tác phẩm và thật bội nhiều trang sách nghiên cứu. Ở góc nhìn của tôi, phần rất nhiều, những trang sách ấy đạt tính văn học cao, bởi nó nhuần nhị, chân phương mà xúc tích, rõ ràng mà khá sâu xa, khúc triết mà có hình ảnh, mang nhiều hơi thở của cuộc sống từ quá khứ đến đương đại. Song cái cốt lõi đáng quan tâm là, càng đọc, càng suy ngẫm, càng thấy anh đang trường kỳ đi tìm lịch sử, khai thác chất liệu lịch sử trong đó nhiều tư liệu văn học mang tính phản ánh lịch sử. Vì thế nhiều trang viết của Đinh Công Vỹ đạt tính khoa học, tính nghiên cứu đa diện, sâu sắc”. Đó là lời nhận xét của TS Đỗ Khánh Tặng – Nguyên Trưởng ban tuyên huấn Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tư tưởng văn hóa, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Đảng.