Truyền nhân phường rối nước Chàng Sơn

Có người chế nhạo anh là kẻ dở hơi, “thời nào rồi mà còn rối nước”, người hiểu biết thì cảm phục anh vì niềm đam mê và trăn trở với nghề cha ông. Còn anh, hơn chục năm nay vẫn kiên trì đục đẽo từng thớ gỗ, thổi hồn chúng thành những con rối và đem rối nước Chàng Sơn đi lưu diễn khắp nơi. Đó là Nguyễn Văn Viên, truyền nhân đời thứ sáu trong gia đình liên tiếp 5 đời giữ chức trưởng phường rối nước Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội).


Sinh năm 1982, dáng người hơi đậm, Nguyễn Văn Viên với bàn tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn và khéo léo, dường như mọi tâm lực của anh đều dành vào chạm khắc những con rối. Ngoài việc tạo ra những con rối, chàng thanh niên 8x mê rối này luôn luôn trăn trở, sáng tạo tích trò, đem chất hiện đại vào từng con rối…


Tìm lại tích xưa

Anh Nguyễn Văn Viên bên những con rối nước Chàng Sơn.


Người xem hào hứng dõi theo cậu bé thoăn thoắt trèo lên cây cau và bẻ buồng cau xuống òa lên thích thú khi bà cụ già móm mém đỡ cau. Không khí càng sôi động khi các quân rối từ thủy đình cách xa hàng chục mét tiến đến gần khán giả để mời trầu. Người cười, kẻ vỗ tay, ai cũng hào hứng với màn biểu diễn. Đó là khung cảnh màn diễn “Rối nước mời trầu” do Nguyễn Văn Viên, phường rối nước Chàng Sơn thể hiện.


Đây là một trong những màn biểu diễn ghi đậm dấu ấn sự sáng tạo của chàng trai trẻ đam mê nghề rối. Trước kia, tích diễn “Rối nước mời trầu” chỉ có cảnh cậu bé trèo lên cây cau rồi tụt xuống, nhưng nay anh lại khiến cậu bé có thể trèo lên hái quả và bà cụ sẽ đỡ lấy buồng cau, dâng trầu mời khách, khiến quân rối như được thổi hồn và có sự phối hợp hoạt động rất ăn ý, tạo sự ngạc nhiên và hấp dẫn cho vở diễn.


Hay như tích trò câu cá, trước kia con cá sẽ được gắn sẵn vào đầu dây và hành động của nhân vật rối nước mang đầy tính tượng trưng thì giờ đây rối cá có thể bơi lội dưới nước và "cắn câu", chú cá còn vùng vẫy, vít cong cả chiếc cần tre trong tay "người câu cá" rồi mới bị nhấc lên khỏi mặt nước. Nhờ sự sáng tạo và cải biên mà tích trò trở nên sinh động như thật, khiến người xem vô cùng hứng thú.


Phường rối Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) có 24 trò múa: Giáo đầu, Bật cờ, Hai Bà Trưng dẫn quân đánh giặc, Trèo cau, Mời trầu, Cấy lúa, Thăm đồng, Chăn vịt, Câu cá, Úp nơm, Trâu cày bừa, Cốc mò cá, Đánh đu, Đấu vật, Sư tử vờn cầu,Thuồng luồng rái cá và Rùa... Trong đó nổi tiếng có trò múa Hai Bà Trưng dẫn quân đi đánh giặc, tích trò Câu cá, tích trò Mời trầu… rất độc đáo và hấp dẫn, thể hiện nét riêng độc đáo của rối Chàng Sơn.

Nét đặc trưng của phường rối nước Chàng Sơn là múa rối bằng dây thay vì múa bằng sào như các phường khác. Với hình thức này có thể đưa quân rối đi xa hàng chục mét, nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị hết sức công phu. Những người điều khiển phải thực sự có tài năng, khéo léo, tính toán tỉ mỉ, khoa học sao cho mỗi cử động tay của người biểu diễn có thể tạo ra những chuyển động phức tạp của con rối.


Từng nức danh một thời, nhưng do chiến tranh, ao làng Chàng Sơn vắng bóng dần những tích trò. Nhiều người diễn rối ở Chàng Sơn bỏ xứ, phiêu bạt khắp nơi, trong những người ấy có ông Nguyễn Văn Dậu, bác ruột của anh Nguyễn Văn Viên. Sau nhiều năm xa xứ, ông quay về quê hương, xót xa trước nghề cha ông bị mai một, ông đã kêu gọi dân làng cùng con cháu tham gia phục dựng phường rối nước Chàng Sơn - niềm tự hào của dân làng một thời.


Năm 2001, được sự tài trợ của Quỹ Ford, phường rối Chàng Sơn xây dựng chương trình, phục dựng nghiệp rối, 22 trò cổ được phục dựng, các con rối cũng được làm mới lại. Khi Nguyễn Văn Viên vừa tròn 19 tuổi, anh là một trong những người đầu tiên hăng hái tham gia. Vốn là người có năng khiếu, ngay từ những ngày bé khi xem tivi, nghe mọi người kể về truyền thống của làng rối, anh đã tự mày mò, tận dụng gỗ thừa tạc nên những con rối đầu tay như những con trâu cày, đàn vịt, người đi cấy, rái cá thuồng luồng, người kéo lưới…


Những con rối ấy dù chưa được hoàn chỉnh nhưng những người cao niên trong làng đánh giá cao. Tính đến nay, anh đã chạm khắc được hàng chục con rối, một công việc khó khăn và phức tạp mà hầu như chỉ những người lâu năm trong nghề mới làm được.


Hành trình vượt khó


Đã hơn 10 năm gắn bó với những con rối, không ít khó khăn, vất vả nhưng niềm đam mê với rối nước ngày càng lớn hơn trong anh. Công việc và thu nhập chính của Viên là nghề mộc, cuộc sống mưu sinh cũng không hề dễ dàng nhưng anh luôn dành những khoảng thời gian để tự mày mò, đục đẽo những con rối. “Rối nước là nghề truyền thống của Chàng Sơn nên không thể để mất nghề. Có người nói "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" nhưng với mình, đó là đam mê”. Anh Viên chia sẻ.


Năm 2011, anh Viên là một trong những người trẻ nhất làng được bầu chọn vào Hội nghệ nhân và thợ giỏi của thành phố. Hiện anh đang là phó phường rối nước Chàng Sơn. Hành trình tìm về với rối nước của chàng trai trẻ cũng gặp không ít khó khăn. Đó là khi những sáng tạo, phá cách chưa được tiếp nhận. Ban đầu, ý tưởng cải tiến tích trò của Viên nhận được những ý kiến không đồng tình, mọi người cho rằng để cậu bé hái được cau rồi bà cụ ra đỡ trong tích trò “Rối nước mời trầu” là việc hết sức khó khăn. Hay trong tích trò câu cá, không ai nghĩ rằng con cá gỗ có thể bơi nghiêng rồi cắn câu và bị nhấc lên khỏi mặt nước, đó là điều không thể. Nhưng bằng sự khéo léo và sáng tạo của mình, anh đã biến những điều không thể thành có thể và nhận được sự tán thưởng, thích thú của khán giả.


Ông Nguyễn Văn Dậu, Trưởng phường rối nước Chàng Sơn tự hào về “truyền nhân rối nước” của dòng họ: “Viên thật sự có tài năng và sáng tạo. Giờ nhiều người không còn mặn mà với rối nước nữa nhưng tôi tin với những người trẻ đam mê với nghề cha ông như Viên thì rối nước Chàng Sơn không thể thất truyền”.


Bài toán khó với rối nước Chàng Sơn là không có đất diễn. Các ao hồ đều rất bẩn và ô nhiễm nên thời gian biểu diễn tại làng hầu như rất ít, 3 - 5 năm mới diễn một lần. Bên cạnh đó để duy trì phường rối nước cần nhiều kinh phí nhưng hiện nay mọi người tham gia với tinh thần tự nguyện là chính. Tuy nhiên, đối với chàng trai Nguyễn Văn Viên thì: “Xưa kia, chiến tranh, khó khăn vất vả mà các cụ vẫn giữ được nghề thì không lí gì thế hệ trẻ không giữ gìn được. Tôi tin rằng nghề mộc Chàng Sơn còn thì nghề rối vẫn còn”.



Bài và ảnh: Thu Trang

Quảng bá nghệ thuật múa rối nước tại nước ngoài

Đoàn nghệ thuật múa rối nước của Nhà hát múa rối Việt Nam vừa có chuyến lưu diễn tại Áo và Xlôvakia, nhằm quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam với khán giả quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN