Tri ân gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc của Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Sáng 18/1 (nhằm ngày 13 tháng Chạp năm Mậu Tuất), tại Đền Thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, quận 9), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ An vị và khánh thành tượng Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Chú thích ảnh
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đến thắp hương tại Đền. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Phát biểu tại Lễ khánh thành tượng Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại lịch sử và khẳng định công ơn to lớn của Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là nhà lãnh đạo văn võ song toàn, một vị tướng tài ba, là tấm gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc, hết lòng vì nước vì dân; góp phần xác định chủ quyền giữ vững lãnh thổ Việt Nam của nhà Nguyễn, tiếp tục khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dải đất phương Nam. 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh - mảnh đất đã ghi đậm công lao to lớn của Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, các thế hệ lãnh đạo thành phố rất quan tâm và đã tiến hành khởi công xây dựng Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Khu Trung đại thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (quận 9) nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Công trình là một trong những cụm di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc đặc biệt, nối liền với Khu tưởng niệm các Vua Hùng, thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. 

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sau 3 năm nghiên cứu và thực hiện, tượng thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chính thức hoàn thiện, đạt yêu cầu về mỹ thuật, kiến trúc; đồng thời hài hòa với không gian kiến trúc của Đền. Tượng Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh uy nghi và đầy tôn kính là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước thương dân. Công trình này còn mang ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống và khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tri ân, tôn vinh công đức của Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến đông đảo người dân địa phương và cả nước. Qua đó, hun đúc hơn nữa lòng yêu nước, thương dân, phát huy truyền thống năng động sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam ngàn năm văn hiến và anh hùng; đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, tạo nguồn nội lực to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có chất lượng sống tốt, hiện đại, văn minh, nghĩa tình.

Theo nhà điêu khắc Lê Lang Biên, Trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả của tượng Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tượng Đức Ông được điêu khắc theo tư thế dáng ngồi trên ngai, chiều cao tổng thể 1m71, chiều ngang bệ tượng dưới là 1m17. Toàn bộ tượng được đúc bằng chất liệu đồng đỏ, với trọng lượng hơn 300 kg.

Gia Thuận  (TTXVN)
Đường Nguyễn Hữu Cảnh lại chìm trong biển nước trong cơn mưa chiều nay
Đường Nguyễn Hữu Cảnh lại chìm trong biển nước trong cơn mưa chiều nay

Chiều 8/5, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục xảy ra mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tiếp tục chìm trong biển nước. Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh - đoạn gần chân cầu vượt giao với đường Điện Biên Phủ (phường 22, quận Bình Thạnh) bị chìm trong biển nước, có đoạn ngập sâu gần 50cm khiến các phương tiện đi qua bị chết máy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN