Trăn trở về tủ sách biên giới

Ở vùng biên giới huyện Tây Giang (Quảng Nam), những quyển sách được các giáo viên quyên góp, đặt tại gươl, để đến tối, trong ánh điện tờ mờ, các học sinh Cơ Tu nằm trườn lên sàn, bi bô đọc. Bao năm, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mấy quyển sách đã cũ…

Từ những kệ sách

Hơn 10 năm gắn bó với sự học biên giới, anh Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường PTDT Bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã Axan, Tây Giang) hiểu rõ chuyện thiếu sách. “Sách các em học là sách mượn từ nhà trường, hè về, phải trả lại; từ đó, các em không có một quyển vở nào để ghi, quyển sách nào để đọc. Tình trạng bỏ học một phần cũng do vấn đề này”, anh nói.

Anh Nguyễn Bá Hiển bên số sách vừa mới vận động được.


Anh nghĩ đến chuyện lập những kệ sách. Đầu năm 2012, với chỉ 300 đầu sách quyên góp khắp, 5 điểm đọc tại xã Axan và 2 điểm đọc ở xã Ch’Ơm (Tây Giang) được thành lập, mỗi điểm có gần 50 cuốn sách thiếu nhi. Kệ sách được đặt ở gươl. Đến tối, các em đến đọc. Em nào đọc nhiều, cuối tháng có phần thưởng trích từ kinh phí hoạt động Đội. “Phần thưởng cũng chỉ vài cây kẹo, nhưng rất quý với các em, đủ làm các em có thêm hứng thú đọc” - anh Tuấn nói.

Những kệ sách cũng được lập ở xã Lăng (Tây Giang). Hè năm ngoái, Hội Khuyến học xã Lăng vận động được đến gần 1.000 đầu sách, bao gồm sách giáo khoa, bài tập từ lớp 1 đến lớp 9, cùng 350 quyển vở… Hè năm này, vận động thêm 800 cuốn sách bài tập, 250 cuốn vở cùng bút viết. Từ đó, mỗi em học sinh được cấp miễn phí một quyển vở, một cuốn bài tập cùng hai cây viết.

Hội khuyến học xã Lăng cũng đã thành lập một Ban liên lạc học sinh sinh viên xã với 66 thành viên. Hè đến, những sinh viên này về nhà, được Hội phân công đứng lớp giảng dạy cho các em nhỏ từ lớp 1-9. Cứ đến 18h30, học sinh làng nào tập trung tại gươl làng đó, các anh chị sinh viên bày các em viết mỗi con chữ, giải từng bài toán, làm bài kiểm tra, chấm điểm tại chổ. Hè này, xã Lăng đã triển khai được 7 tủ sách với 7 lớp học đêm như vậy trên toàn bộ 7 thôn của xã.

Trăn trở những kệ sách

Dưới ánh sáng tờ mờ của bóng đèn chữ U, chừng 20 em nhỏ nằm trườn trên sàn, bi bô đọc từng con chữ. Đôi mắt hau háu nhìn các anh chị sinh viên giảng bài. Lâu lâu, lại rộn lên tiếng cười khi bài kiểm tra được chấm được điểm 10…

Đây là cảnh tượng diễn ra hàng đêm tại những gươl làng ở xã Lăng. Để không ai quấy rối lớp học, công an xã nhiệt tình tham gia “canh giữ”. Lớp học còn được các thôn hỗ trợ tiền điện. Những đêm thôn có cuộc họp tại gươl, thời gian học được điều chỉnh, tuyệt đối không bỏ buổi.

Em PơLong Thị Nhi, học sinh lớp 6, nói: “Các anh chị dạy cháu rất nhiệt tình. Cháu rất thích. Cháu sẽ rủ thêm nhiều bạn đến học, không chơi bời lêu lổng nữa.” Bạn Pa Lăng Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Ban liên lạc học sinh - sinh viên xã Lăng, thì bộc bạch: “Mình hướng dẫn mà không đặt nặng về thành tích. Các em học một cách thoải mái. Bài kiểm tra được chấm điểm tại chổ nên các em rất vui.”

Lớp học đêm ở xã Lăng.


Theo anh Nguyễn Bá Hiển, Phó Chủ tịch xã, kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lăng, những lớp học đêm như thế này giúp các em chủ động trong việc cũng cố kiến thức, tạo sự tự tin khi bước vào năm học mới, mà Hội Khuyến học cũng quản lý được các em trong những ngày nghỉ hè, không để các em không lêu lổng. Ngoài chuyện bài vở, lớp học còn tổ chức những tiết mục văn nghệ hay trò chơi, giúp các em thêm hứng thú, gắn bó nhau hơn. Anh Hiển khoe: “Hai năm trước, xã Lăng có 12 học sinh bỏ học. Năm này, nhờ triển khai chương trình này, số học sinh bỏ học giảm xuống chỉ còn 3.”

Cái khó nhất để duy trì chương trình, theo anh Hiển, là tìm kiếm đầu sách. Bởi, sách vận động được hầu hết là sách bài tập, các em ghi trực tiếp vào đó nên chỉ sử dụng được một lần. Chương trình thiếu hẳn các sách giáo khoa, truyện tranh, truyện thiếu nhi... Những điểm đọc trường Lý Tự Trọng triển khai cũng chung tình trạng thiếu sách như vậy.

Tất cả sách để thực hiện mô hình được các giáo viên tự đóng góp kinh phí để mua, và vận động từ các tổ chức từ thiện… Bản thân anh Nguyễn Quang Tuấn, mỗi lần về đồng bằng, cứ thấy trường học nào nằm bên đường là ghé vô hỏi xin sách cũ. Nhiều lần, bảo vệ trường thấy anh quần áo lấm lem bởi đường núi mà nhìn bằng con mắt ái ngại.

Anh Tuấn trăn trở: “Những giá sách mà các giáo viên tự đóng đã xập xệ hết. Mỗi tủ sách phải có chừng mấy trăm cuốn mà ở đây chỉ có chừng vài chục cuốn. Mà lại là sách xin nên rất cũ nhàu”. Vì quá thiếu sách, các giáo viên trong trường đã đối phó bằng cách: cứ mỗi tháng, lấy sách từ điểm đọc ở thôn này chuyển qua điểm đọc thôn kia… Lại nữa, vì thấy tủ sách quá trống, nên anh đối phó bằng cách lấy sách… khuyến nông, sách pháp luật xin từ UBND các xã để “lấp” vào, cũng chỉ nhằm mục đích để các em thấy được sách để có hứng thú.

“Với hiệu quả giảm học sinh bỏ học, tôi nghĩ mô hình tủ sách vùng biên này cần được nhân rộng. Những kệ sách, ngoài việc cho các em tiếp cận mặt chữ để hạn chế tình trạng viết sai chính tả, còn bổ sung kiến thức; ngoài ra, còn nâng cao đời sống tinh thần cho các em, bởi các em trên này chẳng có gì để vui cả. Tôi rất mong sự chung tay của các nhà hảo tâm ủng hộ đầu sách để chương trình có thể tiếp tục hoạt động”, Anh Tuấn khẩn thiết.

Mai Thành Dũng
Tìm nguồn cho “tủ sách thôn bản”
Tìm nguồn cho “tủ sách thôn bản”

Để các em học sinh Cơ Tu miền biên giới khu 7 được tiếp cận với nhiều loại sách phù hợp với lứa tuổi, các giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (viết tắt: trường THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã triển khai mô hình “tủ sách thôn bản”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN