Thúc đẩy du lịch văn hóa đất Tổ

Phú Thọ là vùng đất Tổ linh thiêng với muôn dân đất Việt. Cứ đến dịp Giỗ Tổ, mọi người lại nô nức tìm về nơi cội nguồn dân tộc này, thắp nén tâm nhang thành kính nhớ tổ tiên của dân tộc.

Đưa hát xoan thành sản phẩm du lịch

Hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Trong đó, hát xoan chứa đựng nhiều giá trị cổ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đang được Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ xây dựng thành phẩm du lịch độc đáo.

Để chuẩn bị cho dịp Giỗ Tổ, ngay từ tháng 3/2016, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ và CLB du lịch Thủ đô tiến hành khảo sát các điểm đến, nhằm quảng bá thu hút khách. Giao lưu với các doanh nghiệp du lịch, bà Nguyễn Thị Lịch, nghệ nhân hát xoan cho biết: “Hát xoan là loại hình nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Lời xoan thường được thể hiện dưới dạng thơ song thất lục bát, thất ngôn, lục bát, lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ… Người hát với tay uốn, chân nhón và mắt đưa.

Phường hát xoan cùng giao lưu với du khách.

Thông thường, nghệ thuật hát xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ diễn ra theo ba chặng: Hát Thờ - tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ; Hát Nghi lễ - ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng, qua 14 làn điệu khác nhau, gọi là 14 Quả cách; Hát Hội (trong đó có hát Giao duyên) - bày tỏ khát vọng cuộc sống, tình cảm, tình yêu nam nữ và phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng… Với sự tư vấn của Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh, tùy theo thời gian và tính chất của đoàn khách, phường hát xoan chọn trình diễn truyền tải phù hợp.

Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, một hướng dẫn viên cho biết: Tùy theo thời gian và đoàn khách, các phường xoan đã có chọn lọc trình diễn những tiết mục phù hợp. Với đoàn khách muốn tìm hiểu sâu về văn hóa, phường xoan diễn 2 - 3 chặng hát. Còn đối với những đoàn ít thời gian và muốn trải nghiệm, phường xoan thường chỉ diễn phần hát hội và có giao lưu với du khách. Qua đó để lại nhiều ấn tượng về hát xoan.

Hát xoan ở đình Hùng Lô.

Chia sẻ về các sản phẩm du lịch hiện nay tại tỉnh Phú Thọ, bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết: "Ngoài đền thờ Vua Hùng đã rất nổi tiếng với du khách, trong khu vực thành phố Việt Trì, chúng tôi thiết kế sản phẩm du lịch thăm làng Hùng Lô với đình Hùng Lô cổ - quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu trên vùng đất Tổ có niên đại khoảng trên 300 năm. Tại đình Hùng Lô, du khách được nghe hát xoan, thăm làng nghề làm miến sạch, các ngôi nhà cổ có niên đại 200 năm…".

Nhờ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, lượng khách đến với điểm du lịch văn hóa đình Hùng Lô ngày càng tăng, với hàng trăm đoàn khách trong năm 2015. “Tỉnh Phú Thọ cũng đang quy hoạch lại không gian điểm du lịch văn hóa đình Hùng Lô để tạo thành điểm đến tâm linh thu hút khách. Bước đầu hình thành tuyến tham quan: Đền Hùng - đình Hùng Lô. Trong năm 2016, trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân để hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng như: Dịch vụ homestay tại làng cổ, đầu tư xe đạp phục vụ các tour được đầy đủ, trọn gói hơn. Có như vậy, khách đến với vùng đất Tổ không chỉ trong dịp Giỗ Tổ tháng 3 Âm lịch mà kéo dài quanh năm”, bà Phùng Thị Hoa Lê cho biết.

Liên kết du lịch

Theo thống kê của Sở VHTTDL Phú Thọ, trung bình mỗi năm tỉnh đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch, nhưng số khách lưu trú chỉ khoảng 700.000 người. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, Phú Thọ sớm tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết, kết nối các điểm đến trong và ngoài tỉnh để kéo dài thời gian tham quan của khách. Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc APT Travel, Chủ tịch CLB du lịch Hà Nội cho biết: "Phú Thọ có rất nhiều tiềm năng du lịch, có thể liên kết thành 2 tuyến điểm du lịch tâm linh - khám phá thiên nhiên. Đối với tuyến điểm tâm linh, Phú Thọ đã nổi tiếng với Đền Hùng, đình Hùng Lô cổ.

Ngôi nhà cổ làng Hùng Lô.

Tuyến điểm thứ hai là Vườn quốc gia Xuân Sơn có những hang động, núi đá, suối tạo ra các hoạt động du lịch khám phá. Từ Xuân Sơn, du khách có thể kết hợp với các điểm tham quan như Mù Cang Chải, Sa Pa. Hoặc từ Xuân Sơn đi ngược lại về Sơn La, Mộc Châu. Việc thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở nghiên cứu thị trường khách. Với điểm mạnh là du lịch tâm linh, trước mắt, đối tượng khách quốc tế mà Phú Thọ có thể nhắm tới là khách Pháp, Nhật Bản. Đây là những du khách thích tìm hiểu các nền văn hóa bản địa".

Theo bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Phú Thọ, với mục tiêu giữ chân khách du lịch ở lại Phú Thọ lâu hơn, tỉnh tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch chính: Sản phẩm du lịch văn hóa - lễ hội; Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí; Sản phẩm du lịch sinh thái, danh thắng và nghỉ dưỡng với hạt nhân là Đền Hùng, thành phố lễ hội Việt Trì, hệ thống các di tích gắn với giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn. Liên kết các tour, tuyến du lịch bằng cách xây dựng tuyến du lịch nội tỉnh (tuyến nối trung tâm du lịch Việt Trì đến các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn), tuyến du lịch liên tỉnh (nối các địa danh nổi tiếng của ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc), tuyến du lịch quốc tế (qua tuyến đường bộ Hà Nội - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai (Việt Nam) - Côn Minh (Trung Quốc), Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)…).

Việc nối tuyến tới Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn), giúp du khách không chỉ trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, đồi chè, mà còn được thưởng thức trình diễn văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Dao, Mường tại trung tâm vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn. “Đối tượng khách này sẽ thiên nhiều về nhóm bạn trẻ, ưa khám phá, trải nghiệm”, ông Nguyễn Hồng Đài phân tích.

Cùng với việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch, các điểm du lịch trọng điểm, Sở VHTTDL Phú Thọ phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành du lịch có trách nhiệm với cộng đồng cho người dân; xây dựng sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng vừa hấp dẫn được khách du lịch, giúp tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch tới các đơn vị lữ hành tại các thị trường nguồn như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh được tỉnh đẩy mạnh. “Từ việc luôn lắng nghe phản ánh, tư vấn của doanh nghiệp lữ hành về nhu cầu từng nhóm đối tượng khách, chúng tôi đang thiết kế những sản phẩm du lịch phù hợp, qua đó kéo dài thời gian lưu trú, bước đầu tạo được dấu ấn về cách làm du lịch chuyên nghiệp của Phú Thọ”, bà Phùng Thị Hoa Lê cho biết.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Triệu triệu trái tim tụ hội nơi đất Tổ
Triệu triệu trái tim tụ hội nơi đất Tổ

Về Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào những ngày này, các con đường từ thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Phù Ninh đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng như nhỏ lại bởi lượng xe ngày càng nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN