Đình làng ở Thừa Thiên - Huế còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán - Nôm rất quý hiếm, cho biết về tiến trình khai canh, lập làng, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc cho đến khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Thành phố Huế hiện còn khoảng 50 ngôi đình làng cổ, trong đó nhiều đình làng vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn tài liệu Hán - Nôm. Đình làng Lương Quán ở phường Thủy Biều còn lưu giữ sắc phong của vua Đồng Khánh năm 1887 cho hai vị thần có công lập làng từ thời vua Lê Thánh Tông. Theo ông Tôn Thất Đào - Chủ tịch UBND phường Thủy Biểu thì trong đình có hai bảo vật là chiếc lư hương và hòm bộ có chín sắc phong. Những sắc phong này còn ghi lại quá trình đấu tranh, mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm của ông cha từ thời vua Lê Thánh Tông.
Đình làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán - Nôm. |
Ngoài ra, đình làng ở những địa phương khác cũng còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán - Nôm có giá trị. Đình làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang), xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông và được xây dựng lại năm 1808. Đầu tháng 5/2012, hòm bộ của làng được khai mở và 22 sắc phong bằng văn tự Hán - Nôm đã được sao chụp lại để bảo tồn. Tại đình làng Dạ Lê, Thanh Thủy Thượng ở thị xã Hương Thủy cũng đã phát hiện và số hóa nhiều tài liệu Hán - Nôm là chiếu chỉ của vua, chúa ban cho làng từ thời vua Gia Long, Minh Mạng, Khải Định… Đặc biệt, đình làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc còn lưu giữ được gần 1.000 trang văn bản Hán - Nôm. Ông Hoàng Thiết Dũng - Trưởng làng Mỹ Lợi, cho biết: “Làng Mỹ Lợi đã hiến tặng cho Bộ Ngoại giao Việt Nam văn bản chữ Hán khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Văn bản này có từ năm Quý Hợi năm 1743 được viết trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn - nay là làng Mỹ Lợi và phường An Bằng - nay là làng An Bằng về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa.
Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế, khẳng định: "Di sản Hán - Nôm là kho sử sống động nhất, phản ánh sự phát triển cả về văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội của dân tộc. Trong đó, vùng đất Thừa Thiên - Huế một thời dưới sự cai quản của triều Tây Sơn và triều Nguyễn là nơi còn lưu giữ được nhiều tư liệu Hán - Nôm vô cùng quý giá".
Tuy nhiên, trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, khắc nghiệt của tự nhiên đã và đang hủy hoại một phần tài liệu Hán - Nôm trong những ngôi đình làng cổ. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế đã vừa bảo tồn vừa phát huy tài liệu Hán - Nôm bằng việc sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và phục chế, đồng thời phối hợp với các nhà nghiên cứu, hệ thống Thư viện trên cả nước tuyển dịch, biên tập thành những tư liệu có giá trị. Từ năm 2009 đến nay, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai, khai mở hòm bộ của nhiều đình làng. Qua đó, đã sưu tầm, số hóa được 300 loại với hơn 70.000 trang tài liệu Hán – Nôm. Trong đó, hơn 2/3 số tài liệu Hán - Nôm đã được sao chụp trực tiếp từ bản gốc nên có khả năng phục chế được gần giống bản gốc để lưu trữ. Bên cạnh đó, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế cũng phục chế tài liệu Hán - Nôm dưới dạng sách điện tử để thuận tiện cho việc đọc trên máy tính và lưu trữ được lâu dài.
Nguyên Lý