Theo Tiến sĩ Annabel Teh Gallop, Giám tuyển trưởng khu vực Đông Nam Á, bộ sưu tập Việt Nam tại BL mặc dù khá nhỏ nhưng thực sự quan trọng, bởi bao gồm các bản thảo cổ chữ Nôm, các đầu báo và tạp chí phát hành tại miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, phản ánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Anh đã có từ rất lâu trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
Trong số các bản thảo cổ chữ Nôm lưu trữ tại BL, Tiến sĩ Annabel đã giới thiệu với phóng viên TTXVN tại London 2 tư liệu quý gồm bức thư năm 1673 của Chúa Trịnh Tạc gửi ông William Gyfford, Trưởng phái đoàn công ty Đông Ấn Anh quốc thuộc Chính phủ Anh khi phái đoàn đến thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bức thư năm 1793 của Hoàng đế Cảnh Thịnh gửi ngài George McCartney, Trưởng phái bộ ngoại giao Anh quốc đầu tiên đến Trung Quốc bằng đường biển, trên đường đi đã ghé cảng miền Trung Việt Nam để tránh bão và xin tiếp tế.
Tiến sĩ Annabel cho biết hai bức thư của Chúa Trịnh Tạc và Hoàng đế Cảnh Thịnh là minh chứng cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Anh được hình thành cách đây 350 năm. Tiến sĩ Annabel chia sẻ bức thư của Chúa Trịnh Tạc năm 1673 là bản viết tay sớm nhất trong bộ sưu tập tại BL, có mặt tại thư viện vào năm 1753 ngay từ những ngày đầu tiên thành lập thư viện (lúc đó thuộc Bảo tàng Quốc gia Anh). Theo Tiến sĩ Annabel, bức thư của Chúa Trịnh Tạc gửi Trưởng phái đoàn công ty Đông Ấn Anh quốc là bức thư ngoại giao thương mại. Trong khi đó, bức thư của Hoàng đế Cảnh Thịnh gửi ngài George McCartney năm 1793 là một cuộc giao thiệp ngoại giao chính thức khác giữa hai nước, phát sinh do tình huống bất trắc về thời tiết xấu trên biển.
Tiến sĩ Annabel cho biết cả hai bức thư có cùng định dạng cơ bản là các cuốn thư triều đình, được viết bằng chữ Nôm trên giấy vàng, trang trí họa tiết rồng 5 ngón (biểu tượng của Hoàng đế) bằng bạc, bóng sáng đẹp mắt và đóng dấu đỏ triều đình ở cuối thư.
Tiến sĩ Annabel cũng giới thiệu 3 cuốn thư của triều đình vào những năm 1920, sắc phong Thành hoàng của 3 làng Việt Nam. Theo Tiến sĩ Annabel, các bản sắc phong này phản ánh lịch sử và văn hóa độc đáo của Việt Nam, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Các bản sắc phong cũng được viết bằng chữ Nôm trên giấy vàng, trang trí bằng họa tiết rồng ánh bạc dưới hình một đám mây xoáy và đóng dấu đỏ của triều đình. Bà Annabel đánh giá các bản sắc phong này là những ví dụ đặc biệt về nền nghệ thuật Việt Nam, cho rằng các họa tiết tuyệt đẹp truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ hiện đại, cho dù họ là nhà thiết kế thời trang hay là họa sĩ thiết kế bìa sách.
Tiến sĩ Annabel cho biết ngoài 10 bản thảo chữ Nôm từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, bộ sưu tập Việt Nam lưu trữ tại BL gồm 10.000 sách in với các chủ đề đa dạng từ thế kỷ XIX cho đến nay, trong đó có Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và 290 đầu báo, tạp chí Việt Nam, trong đó có nhiều ấn phẩm quý hiếm phát hành tại miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Bộ sưu tập báo và tạp chí Việt Nam tại BL là bộ sưu tập duy nhất ở châu Âu và là một trong những thế mạnh của BL.
Theo Tiến sĩ Annabel, đồng nghiệp cũ của bà, Tiến sĩ Sud Chonchirdsin, cựu giám tuyển phụ trách Việt Nam tại BL trong 15 năm cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 2019, sẽ ra mắt cuốn sách về bộ sưu tập Việt Nam trong năm nay. Cuốn sách, được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản, là một sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh.
Được tách khỏi Bảo tàng Quốc gia Anh vào tháng 7/1973 sau khi Luật thư viện Anh ra đời năm 1972, BL nằm trên con phố Euston thuộc trung tâm London, là tòa nhà công cộng lớn nhất được xây dựng tại Anh trong thế kỷ XX. Tòa nhà có tổng diện tích sàn hơn 112.000 m2 với 14 tầng, trong đó có 5 tầng hầm sâu 24m dưới mặt đất.
Các bộ sưu tập tại BL bao gồm 13,5 triệu cuốn sách in và sách điện tử, hơn 300.000 bản thảo, 60 triệu bằng sáng chế, 60 triệu đầu báo, 4 triệu bản đồ, 8 triệu con tem, 7 triệu bản ghi âm.., chiếm tới 746 km tổng chiều dài giá sách và con số này mỗi năm tăng thêm 8 km. Mỗi năm, thư viện đón 1,6 triệu lượt khách trong nước và quốc tế tới nghiên cứu, tham quan. BL có hơn 115.000 người đăng ký sử dụng phòng đọc của thư viện và mỗi năm đón hơn 400.000 lượt người sử dụng trên toàn thế giới đến thăm phòng đọc này.