Thói quen đọc ở Việt Nam chưa hình thành vững chắc

Văn hóa đọc là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống, khả năng thích nghi của con người; thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin, tích lũy và nâng cao tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình.


Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, việc phát triển văn hóa đọc có tác dụng rất tốt, sẽ giúp lớp trẻ phát triển nhân cách bởi sách cung cấp tri thức, sách dạy cách sống, sách đưa ra rất nhiều tình huống xử lý thông minh. Nếu các bạn trẻ ham đọc sách sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, sẽ được bồi dưỡng về tâm hồn, tư tưởng… Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, hiện nay, tội phạm hình sự ngày càng trẻ hóa, ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên phạm những tội ác nghiêm trọng, đó là sự báo động về văn hóa. Để tránh tình trạng trẻ hóa tội phạm có rất nhiều biện pháp, trong đó đọc sách cũng là biện pháp rất quan trọng. Vì người đọc sách khi được tiếp xúc với thế giới chân thiện mỹ trong sách, khi say mê với những tri thức khoa học trong sách, tâm hồn sẽ thanh thản hơn, định hướng cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, các cơ sở, các nhà trường, phụ huynh học sinh phải làm thế nào khuyến khích và tạo điều kiện cho con em mình đọc sách nhiều hơn. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, sách cũng phải là những cuốn sách tốt, và các NXB không được xuất bản những sách có nội dung xấu, làm ảnh hưởng tới các em.


Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, ngày nay có quá nhiều thành viên thế hệ @ thích nghe nhạc, xem phim, đi du lịch, chơi game online… và thời gian dành cho việc đọc thì rất ít. Số liệu thống kê cho thấy, số người đọc nhiều, đọc thường xuyên ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ 30%, số người thỉnh thoảng đọc là 44% và số người hoàn toàn không đọc là 26% - một tỷ lệ khá cao so với thế giới. Ở các thư viện, số lượng bạn đọc chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh khoảng 1.000 - 2.000 bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc; thư viện, phòng đọc cấp xã khoảng 100 - 200 bạn đọc. Những con số trên cho thấy, thói quen đọc của người Việt Nam chưa được hình thành một cách vững chắc.


Bên cạnh đó, xu hướng đọc hiện nay cũng ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ đang có xu hướng đọc những truyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh và ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, bồi bổ kiến thức..., đặc biệt các sách dày, nhiều tập, sách chữ... Với lứa tuổi học sinh, sinh viên, đối tượng cần đọc sách nhiều hơn cả, thì thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình lại tương đối cao, chiếm tới 55%.


Theo thống kê, ở Việt Nam hiện đã hình thành một mạng lưới thư viện rộng khắp trong cả nước, từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó có 1 Thư viện Quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 626 thư viện cấp huyện, gần 10.000 thư viện, phòng đọc sách xã và hàng nghìn tủ sách thôn, làng, bản, ấp. Ngoài ra, còn có trên 300 thư viện các trường đại học, cao đẳng, gần 25.000 thư viện trường phổ thông các cấp, gần 80 thư viện bộ, ngành, các viện nghiên cứu và trên 40 thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ… có phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân ở cơ sở.


Kết quả một cuộc điều tra xã hội học mới đây cho thấy, nước ta có khoảng 59% học sinh, sinh viên và 56,8% người trưởng thành được điều tra đã sử dụng thời gian rỗi để đọc sách. Hiện nay, có khoảng 20% gia đình có thư viện, tủ sách trong gia đình; 25% người được điều tra đã dành thời gian đọc sách trên 1 giờ một ngày. Người dân đã có xu hướng chọn lựa sách báo chất lượng và phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác chuyên môn, lao động - sản xuất và giải trí để đọc. Điều này cho thấy, văn hóa đọc đã bước đầu được hình thành và nhu cầu đọc của người dân cũng rất lớn và đa dạng.


Tuy nhiên, về số lượng, TS Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Book) thừa nhận, với khoảng 88 triệu dân như nước ta hiện nay, nếu phân theo số lượng đầu sách, trung bình 1 người Việt Nam đọc khoảng 3 cuốn/năm, trong đó có 2,3 là sách giáo khoa và có 0,7 cuốn sách tham khảo là quá ít. Ngoài ra, việc nhiều bạn trẻ chưa chủ động đọc sách mà lại chú trọng nhiều hơn đến văn hóa nghe nhìn, và nếu có đọc thì cũng thích đọc những sách ít chữ, nhiều hình, nhiều tranh… đó là điểm rất đáng tiếc.


Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, cường độ làm việc, khối lượng công việc và áp lực cuộc sống mưu sinh đối với người đang độ tuổi đi làm đã khiến cho họ không có nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc. Việc giáo dục, đào tạo trong nhà trường cũng chưa chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh, sinh viên phương pháp đọc sách, các chương trình học nặng nề, tình trạng học thêm tràn lan, khiến cho học sinh không có thời gian rảnh rỗi để đọc. Mạng lưới thư viện, tủ sách công cộng tuy đã phát triển nhưng vốn sách báo ít, lại không được cập nhật thường xuyên, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng được các nhu cầu đọc của người dân. Ngoài ra, một nguyên nhân khá quan trọng khác là do chất lượng các xuất bản phẩm chưa đảm bảo, không thu hút được người đọc, sự bùng nổ của văn hóa nghe nhìn cũng có phần lấn át văn hóa đọc…

 

Phương Hà

Văn hóa đọc thời @: Cơ hội và thách thức
Văn hóa đọc thời @: Cơ hội và thách thức

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam đang bị xuống cấp, nhất là trong giới trẻ. Nhưng ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang được phổ cập nhiều hơn bởi sức mạnh của các phương tiện thông tin điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN