Văn hóa đọc thời @: Cơ hội và thách thức

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam đang bị xuống cấp, nhất là trong giới trẻ. Nhưng ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang được phổ cập nhiều hơn bởi sức mạnh của các phương tiện thông tin điện tử. Vậy thực tế văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay như thế nào, xu hướng đọc trong thời gian tới sẽ phát triển theo hướng nào, và làm thế nào để đẩy mạnh văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện dài.

 

Xã hội phát triển, công nghệ cũng ngày càng hiện đại hơn, và vì vậy, xu hướng đọc sách của nhiều người cũng thay đổi. Người đọc không chỉ đọc sách, báo giấy, mà đọc trên mạng, sử dụng thư viện số, sử dụng e-book (sách điện tử)… để tích lũy kiến thức cho mình. Tuy nhiên, nếu không biết cách lựa chọn, người đọc rất dễ tiếp cận với những thông tin xấu, những sách có nội dung xấu ảnh hưởng không nhỏ đến người đọc.

 

Nhiều cơ hội…


Xã hội phát triển, công nghệ cũng ngày càng hiện đại hơn, bây giờ, các bạn trẻ tiếp cận với tri thức không chỉ qua những cuốn sách, mà họ đã có rất nhiều nguồn khác nhau như bằng máy tính, bằng những cuốn sách điện tử, bằng điện thoại… với ưu điểm là có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi và tìm được hầu hết những cuốn sách mình cần.


 

Sử dụng sách điện tử đang có xu hướng phát triển trong giới trẻ. Ảnh: CTV

 

Nguyễn Sỹ Cường, sinh viên khoa văn, Đại học KHXH & NV Hà Nội, với đặc thù chuyên ngành phải đọc rất nhiều nhưng đã ba năm nay kể từ khi vào đại học, Cường chưa động đến một cuốn sách in nào. “Không dùng sách in không có nghĩa là tôi không đọc sách. Tôi vẫn đọc và nghiên cứu đầy đủ các tài liệu và tác phẩm thầy cô yêu cầu trên lớp và cả những tác phẩm mình thích nữa. Song tôi tiếp cận chúng qua sách điện tử, vì sách điện tử gọn, nhẹ, lại lưu trữ được rất nhiều cuốn sách, kể cả những sách kinh điển. Nhờ e-book, tài liệu đọc trở nên đầy đủ, dồi dào và tiết kiệm hơn rất nhiều” - Cường chia sẻ.


Không chỉ Cường, rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn theo học những khối ngành phải đọc nhiều sách như: văn học, lịch sử, triết học... hiện nay cũng có cùng quan điểm như vậy. Những cuốn tiểu thuyết nặng trịch mà trước đây phải chuyền tay từ người này qua người khác hàng năm trời chưa đi hết một vòng lớp, nay được chia sẻ để cả lớp cùng đọc dễ dàng qua USB, Internet,… thậm chí là Bluetooth.


Một công cụ đọc tiện ích và phù hợp với điều kiện của độc giả trẻ Việt Nam hiện nay là điện thoại. Chỉ với một chiếc điện thoại loại thường có nạp sẵn file truyện tương thích, độc giả có thể thoải mái đọc sách mọi lúc, mọi nơi. “Máy điện thoại mình đang dùng hiện chứa khoảng hơn 5.000 đầu sách các thể loại. Trong đó có cả những cuốn tiểu thuyết văn học dày hàng ngàn trang như “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”, “Những người khốn khổ”, “Cuốn theo chiều gió”… Ngoài ra, điện thoại của mình còn có nhiều cuốn sách ngoại văn chuyên ngành rất khó tìm hoặc rất đắt ở Việt Nam. Như vậy cũng có thể tạm coi là một thư viện bỏ túi được rồi” - Mỹ Hạnh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hào hứng cho biết.

 

Và nhiều thách thức…


Không thể phủ nhận, sự phát triển của công nghệ giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với nguồn sách, báo, thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa đọc. Nhưng mặt khác, chúng ta lại không thể kiểm soát được nội dung cuốn sách, chất lượng thông tin trong các cuốn sách, khiến cho người đọc bị nhiễu tin và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, những nội dung không lành mạnh hoặc chí ít là vô bổ. Đó là thách thức không nhỏ trong việc định hướng cho người đọc hiện nay, nhất là đối với lớp trẻ.


Nhiều ông bố, bà mẹ phàn nàn, trên Internet, rồi sách điện tử, điện thoại bây giờ đều dễ dàng tìm tất cả các loại sách. Nhiều cuốn sách rất hay, nhưng cũng có nhiều cuốn sách nội dung không tốt, nếu để trẻ đọc sẽ ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ, hành động của chúng. Trên thực tế, đã có nhiều bạn trẻ vì đọc nhiều cuốn sách không lành mạnh nên phải trả giá rất đắt. Trường hợp của em N.T.V ở Long Biên (Hà Nội) là một ví dụ. Đưa con vào bệnh viện điều trị, chị H, mẹ V vẫn không khỏi bàng hoàng. Chị kể, V đang là học sinh THPT, gia đình có điều kiện, V lại là con út nên bố mẹ chiều chuộng, mua cho một chiếc máy tính để phục vụ cho nhu cầu học tập. Không ngờ, V lại mải mê vào mạng đọc những cuốn sách có nội dung không lành mạnh, xem web “đen”, kết bạn trên mạng, lao vào những cuộc tình chóng vánh và rủ nhau vào nhà nghỉ.


TS Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà cũng nhận định, với sự phát triển của công nghệ, với những ưu thế tuyệt vời của sách điện tử như gọn, nhẹ nhưng lại chứa đựng nhiều thông tin… thì trong thời gian tới, độc giả sẽ có xu hướng đọc các loại sách điện tử nhiều hơn. Tuy nhiên, TS Hùng cũng cảnh báo, bạn đọc cần phải hết sức thông minh, sáng suốt để lựa chọn được những cuốn sách có nội dung tốt, lành mạnh, bổ ích.


Trong tiến trình hội nhập và phát triển với thế giới, việc hình thành thói quen đọc lành mạnh, bổ ích để giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thế giới là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, người đọc cũng cần phải được định hướng tốt, biết cách chọn lọc những cuốn sách có nội dung tốt để đọc và tiếp thu tri thức. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà xuất bản, những người làm sách cũng cần có trách nhiệm hơn với người đọc, với xã hội, cộng đồng để làm ra những cuốn sách tốt, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không cho xuất bản những cuốn sách có nội dung không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

 

Phương Hà

Thói quen đọc ở Việt Nam chưa hình thành vững chắc

Văn hóa đọc là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống, khả năng thích nghi của con người; thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin, tích lũy và nâng cao tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN