Hội thảo có sự tham dự của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trên cả nước.
Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đồng thời rút ra kinh nghiệm và hướng tới các chương trình khoa học trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ 21. Ban tổ chức đã nhận được 69 báo cáo khoa học của 77 tác giả ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh các chuyên gia về khảo cổ học và lịch sử Việt Nam vổ trung đại là lực lượng chủ yếu, còn có sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như: cổ nhân học, ngôn ngữ học, Hán Nôm học, dân tộc học, văn hóa học, văn hóa dân gian, địa lý học, bảo tàng học, lịch sử Việt Nam cận hiện đại, lịch sử thế giới, chính trị học, quân sự học…
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.
Hội thảo đã quy tụ được nhiều kết quả nghiên cứu thực sự sâu sắc, toàn diện, trên nhiều lĩnh vực của các nhà khoa học về thời đại Hùng Vương, qua đó cho thấy đỉnh cao của Văn hoá Đông Sơn, sự lan toả của văn hoá thời đại Hùng Vương không chỉ ở đất nước Việt Nam mà còn tại nhiều nước trong khu vực.
Những nghiên cứu này đã kế thừa được kết quả của các nhà khoa học đi trước và những thành quả nghiên cứu hiện nay của các nhà khoa học. Qua đó tham chiếu, so sánh, phân tích và làm sâu sắc hơn giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhận định việc nghiên cứu các giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển của đất nước, làm sâu sắc hơn các giá trị văn hoá, lịch sử của nước ta mà còn góp phần giải quyết những vấn đề hiện nay cũng như tương lai qua các bài học lịch sử.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá thời đại Hùng Vương cần được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, không bó hẹp về không gian và thời gian ở vùng châu thổ sông Hồng mà cần nghiên cứu mở rộng ở nhiều khu vực khác nhằm thể hiện được sự phát triển của văn hoá thời đại Hùng Vương; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại trong khảo cổ nhằm có được những bằng chứng lịch sử xác đáng hơn, khoa học hơn và có sự tin cậy cao về thời đại đầu tiên này của dân tộc ta.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học lịch sử làm rõ hơn truyền thống yêu chuộng hoà bình, truyền thống đấu tranh giữ nước cũng như xây dựng đất nước từ thời đại Hùng Vương được kế thừa, phát triển qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc; khẳng định sự kế thừa từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh là một dòng chảy liên tục của lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Điều này góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc, phát huy những tinh hoa của dân tộc và làm vẻ vang hơn những đức tốt đẹp quý báu cha ông ta. “Chúng ta đang sở hữu tài sản vô giá để tạo nên sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Thời đại này đã được các sử gia ghi chép lại từ khá sớm trong các bộ chính sử, tuy nhiên tư liệu chủ yếu dựa trên thư tịch và truyền thuyết.
Đến năm 1968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Văn Đồng, một chương trình khoa học liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng vương dựng nước ra đời, do Giáo sư, Viện sỹ Phạm Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ trì, với sự tham gia tích cực và nhiệt huyết của đông đảo nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở cả trong nước và quốc tế.
Trong suốt 50 năm qua kể từ thời điểm đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thường xuyên quan tâm đến vấn đề này, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn về các vấn đề của thời đại Hùng Vương.
Đặc biệt, những tư liệu khảo cổ học đã cung cấp một khối lượng lớn các di tích, di vật - là những bằng chứng sinh động chứng minh cho các vấn đề còn tồn nghi và bỏ ngỏ trong thời đại Hùng Vương như: nguồn gốc, niên đại; đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, văn hoá, vấn đề nhà nước; kỹ thuật xây thành Cổ Loa, những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của thời đại Hùng Vương; các mối giao lưu nhiều chiều của thời đại này... Bên cạnh đó là các tư liệu Hán Nôm, truyền thuyết, ngôn ngữ, văn hoá dân gian cũng góp phần khôi phục diện mạo của giai đoạn mở đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Các tham luận tại Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đề cập đến các vấn đề: Thời đại Hùng Vương qua tư liệu lịch sử và văn hoá dân gian; Thời đại Hùng Vương qua tư liệu khảo cổ học, cổ nhân học, địa lý học; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thời đại Hùng Vương.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn, sâu sắc hơn về một thời đại quan trọng trong lịch sử đất nước, đồng thời đề xuất các biện pháp cụ thể góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích về thời đại Hùng Vương.