1. Trong hai vở cải lương cùng nói về Dương Vân Nga, một vở tựa đề Dương Vân Nga của tác giả Huy Trường chuyển thể từ kịch bản chèo của Trúc Đường, đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng, do đoàn Thanh Minh - Thanh Nga dàn dựng, vai chánh do NSƯT Thanh Nga đảm nhận.
Vở thứ hai có tên Thái hậu Dương Vân Nga của nhóm tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân cũng chuyển thể từ kịch bản chèo ấy, đạo diễn Chi Lăng, Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng, vai chánh do NSND Bạch Tuyết thủ diễn.
Tài năng của Thanh Nga hay Bạch Tuyết đều rực sáng trong mỗi kịch bản với những góc độ khác nhau. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ nhắc đến NSND Bạch Tuyết bởi đó đúng là vai diễn để đời của bà, trong khi NSƯT Thanh Nga đã có những vai để đời khác trong Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa.
Dương Vân Nga là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng, bà trẻ hơn ông rất nhiều tuổi. Chính vì vậy khi Đinh Tiên Hoàng mất đi, con trai là Đinh Toàn lên nối ngôi khi còn quá nhỏ, bà phải đóng vai trò nhiếp chính. Giặc Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, Dương Vân Nga đã quyết định nhường ngôi cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lên ngôi (tức vua Lê Đại Hành), và Dương Vân Nga trở thành vợ của ông, hiệu là Đại Thắng Minh hoàng hậu.
Giai đoạn chính sự rối ren, các quan trong triều nổi dậy, giặc ngoại xâm lăm le bờ cõi, một người phụ nữ vừa trông con nhỏ, vừa chống đỡ sơn hà, lại gắn với một nghi vấn tình yêu chưa làm rõ… tất cả quả là những tình tiết đắt giá cho nghệ thuật khai thác. Và vở cải lương đã xoáy sâu vào giai đoạn này để bật lên hình ảnh Dương Vân Nga vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, nhưng cuối cùng vẫn là một bậc mẫu nghi đáng cho nhân dân lập đền thờ.
NSND Bạch Tuyết đã khai thác nhân vật Dương Vân Nga trong sự chừng mực mà điêu luyện giữa sự mong manh rất phụ nữ và hùng khí dân tộc Việt. Dương Vân Nga của Bạch Tuyết có những giây phút yếu đuối, nản lòng khi nhìn chung quanh thấy triều đình chia rẽ, đố kỵ, có những giây phút cô đơn khi đối diện ngọn đèn đêm không ai chung gối chăn, không ai chia sẻ nỗi niềm, và cả những giây phút sợ hãi khi con mình bị bắt đi để làm áp lực. Bạch Tuyết đã làm người xem rơi nước mắt khi bà thất thần nghe tin dữ về con với trái tim đầy giằng co, thử thách của người mẹ.
Một hồng nhan ngổn ngang trăm mối, làm sao khỏi những thoáng qua khát thèm nương tựa, ao ước an bình? Một Dương Vân Nga đang sống yên ổn trong vòng tay của Đinh Tiên Hoàng, bỗng chốc phải trơ thân chống đỡ bao sóng to gió lớn, phận liễu bồ ngả nghiêng theo vận nhà vận nước. Cảm thương cho trái tim ấy, cũng không quá khó hiểu khi bà tựa vào bờ vai vững chãi của Lê Hoàn. Dù vậy, trong vở này tác giả đã không khai thác nhiều về nghi vấn tình yêu giữa Thái hậu Dương Vân Nga và Lê Hoàn, mà chỉ nhấn mạnh hào khí của bà trước lợi ích chung của nước Việt. Bạch Tuyết đã khắc họa được điểm son đó với một phong thái ung dung không kém phần uy vũ.
2. Chỉ một lớp diễn thôi, Bạch Tuyết đã có nhân vật để đời trong hành trang nghệ thuật của mình. Bà diễn một mình với trường đoạn cô đơn tâm sự, sau đó như thì thầm với di sản tiền nhân để lại, rồi cuối cùng đi đến quyết định trao long bào cho Lê Hoàn một cách dứt khoát, không gì lay chuyển được.
Từ tạo hình cho đến kỹ thuật diễn xuất, Bạch Tuyết đều có sự chuẩn mực, đạt bố cục rất đẹp, nhất là khi bà tâm sự với giàn gươm giáo mà tiền nhân để lại trong những khung hình thật tuyệt cho sân khấu.
Phải nói công tâm, Bạch Tuyết sử dụng kỹ thuật biểu diễn rất rõ, nhưng không làm người ta khó chịu, mà thấy đúng là một “giáo trình” tốt cho diễn viên trẻ sau này. Bà chăm chút từng chi tiết tạo hình như những cái đưa tay, những bước xoay người, nhún chân... tất cả đều được tính toán theo “khuôn vàng thước ngọc”... Bà diễn mềm mại nhưng phong thái vẫn bảo đảm tính uy nghi, thông minh, quyết đoán - để rồi trên sân khấu, khán giả được thấy một Dương Vân Nga của Bạch Tuyết mạnh mẽ kiên cường nhưng không hề lên gân mà vẫn ung dung lạ lùng, toát lên sự thu hút khiến người xem nể phục.
Còn một điểm tuyệt vời nữa của Bạch Tuyết: Bà nói và ca quá hay. Lời văn của nhóm tác giả thật sự đẹp đến mê hồn, nghe kỹ từng câu từng chữ mới thấy rung động cả tâm can. Với tài năng nhả chữ và chất giọng ấm áp, Bạch Tuyết đã làm thăng hoa chất văn học cho cải lương.
Chính vì nghe những lời văn này qua chất giọng đẹp của Bạch Tuyết mà khán giả đã khóc khi xem. Khóc vì cảm được hồn thiêng sông núi như âm vang hòa quyện mọi nơi. Khóc vì đặt mình vào thế cuộc thăng trầm, thương cho phận mình và phận người cùng trăm mối ngổn ngang. Khóc vì vui sướng khi toàn dân một lòng nắm chặt tay bảo vệ non sông. Rất lạ, người ta không khóc vì những tình tiết lâm ly bi đát, mà người ta lại khóc vì khúc bi tráng của dân tộc. Bạch Tuyết đã làm được điều này quả không hề dễ dàng.
“Trời ơi, bão táp mưa sa. Một Dương Vân Nga chống đỡ nổi sơn hà? Thù nhà nợ nước nặng oằn vai. Chỉ còn một người thôi, nơi biên trấn xa xôi, biết nhờ ai nhắn gởi tin hồng? Giữa giông tố bão bùng, về cứu lấy non sông…”.
“Ơi giáo ơi gươm, sao lại chịu lạnh lùng hoen rỉ. Nghe đâu các ngươi xưa đã từng theo tiên vương qua một thời oanh liệt. Sao bây giờ chịu trầm mặc trong giá gỗ cam chịu phận hẩm hiu. Ta muốn chiêu hồn các ngươi. Ta muốn chiêu hồn các ngươi hỡi những vật vô tri đang im lìm hoài cổ. Sao các ngươi không nhớ lại màu cờ, tiếng trống trận thuở xa xưa. Thuở nào vô tri giác, nay đã có linh hồn. Sao các ngươi còn đứng lặng thinh, có nghe chăng tiếng sơn hà rung chuyển…”.
“Ta đây dẫu phận quần thoa cam bề góa bụa, nhưng ngắm non sông trăm nỗi quốc thù, nhìn lê thứ sôi hờn nhục nước, nên quyết cài trâm xốc áo đứng lên, thề sống chết cùng quân nghịch tặc”...
Ai cũng biết, trong cải lương nói lại khó hơn ca, cho nên cả một trường đoạn Bạch Tuyết đã làm khán giả say sưa với những lời văn đầy chất thơ. Bạch Tuyết quả xứng là “Cải lương chi bảo”.