"Tháng ba nhớ ngày Giỗ Tổ": Bài cuối: Tất cả đã sẵn sàng

Không ăn xin, không cờ bạc trá hình, không loa đài ầm ĩ…, đó là điều du khách thực sự mong muốn ở mỗi lễ hội. Đã từng phải chứng kiến cả dọc dài ăn mày, rồi cảnh xóc đĩa, ném vòng, cua cá… chiếm cứ không gian của rất nhiều lễ hội, nên du khách cảm thấy thật thanh thản khi về với Đền Hùng.

Người đi lễ luôn muốn tìm cho mình sự tĩnh tâm, thư thái, bởi ngoài việc hành lễ thì mỗi lần hành hương cũng là một lần vãn cảnh, nghỉ ngơi. Vậy nên, điều được quan tâm, và cũng dễ khiến du khách phản ứng chính là tình trạng ăn xin, trộm cắp hay cờ bạc trá hình trong lễ hội. “Chẳng ai thích nổi một lễ hội mà loa đài cứ quát vào tai nào bánh củ mài Chú Béo này mới thật, bánh củ mài Chú Béo kia là giả… Thế nên đừng trách du khách là khắt khe, dẫu biết những vất vả của địa phương, của các ban tổ chức lễ hội, nhưng nên chăng vẫn cần dẹp những tệ nạn đó”, chị Lan Anh, một người đã đi gần như đủ các lễ hội đầu năm tâm sự.

Xe điện đưa du khách tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã là hình ảnh rất quen thuộc. Ảnh: Viết Tôn


Cũng bởi thế, nên khi về với Đền Hùng những ngày này, chứng kiến cảnh lễ hội “sạch”, cũng như chứng kiến sự quyết tâm tới ráo riết của những cơ quan chức năng để bảo đảm không khí thuần khiết của lễ hội, thì mới thấy thấm thía niềm vui đi hội. Vẫn có ki ốt, vẫn có hàng quán giới thiệu sản vật vùng đất Tổ, nhưng tất cả đều có quy định riêng, rất nghiêm về vấn đề quảng cáo, loa đài, về việc bán những sản phẩm gì… Những dịch vụ cờ bạc trá hình, tình trạng ăn mày, ăn xin cũng đã được lực lượng quản lý của khu di tích giải quyết triệt để.

“Không chỉ vậy, chúng tôi yêu cầu tất cả những nhân viên bán hàng trong khu di tích đều phải đeo biển riêng, các nhà hàng phải niêm yết giá cụ thể từng mặt hàng, từng món ăn, và chúng tôi tổ chức kiểm tra thường xuyên. Ngay cả những người làm dịch vụ chụp ảnh lưu niệm cho du khách trong khu di tích cũng phải được chọn và có đeo biển của khu di tích cũng như có giá cả quy định. Ngoài ra, chúng tôi niêm yết công khai những số điện thoại nóng của tất cả lãnh đạo Khu di tích để bà con có thể phản ánh bất cứ giờ nào” - ông Nguyễn Văn Các, Giám đốc khu di tích cho biết.

Và không chỉ là lời nói, đó cũng là điều chúng tôi đã được chứng kiến trong hành trình về Đền Hùng năm nay. Có khá nhiều hàng quán trong khu di tích, nhưng đều có niêm yết giá cụ thể, rõ ràng, với một mức giá phù hợp. Ngay bản thân những người chụp ảnh cũng không có tình trạng chèo kéo khách. Họ có thể đi cùng khách, nhưng lại với vai trò như một hướng dẫn viên, giới thiệu về hành trình, về mỗi địa danh, và khi khách có nhu cầu, thì mới được mời chụp ảnh. “Chúng tôi thật sự thấy vui với cách phục vụ này, bởi những thợ chụp ảnh ở đây không chèo kéo, nằn nèo, mà đi cùng đoàn hướng dẫn. Tất nhiên đoàn nào cũng có nhu cầu chụp ảnh, nên cuối cùng những thợ chụp ảnh này vẫn làm được công việc của mình; tuy nhiên, cách làm ấy lại khiến khách thấy hài lòng, mà không bức xúc như bị cưỡng ép”, một du khách trong đoàn từ tận TP.HCM ra làm lễ cho biết.

Quyết tâm “xóa bỏ chặt chém” ấy có lẽ được tỉnh Phú Thọ hết sức quan tâm. “Tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương và lãnh đạo các xã xung quanh đền Hùng làm tốt việc quản lý các nhà hàng, khách sạn. Một danh sách những nhà hàng, khách sạn được phép kinh doanh dịp này đã được trình lên lãnh đạo tỉnh, và chúng tôi phải ngồi lại duyệt từng trường hợp một. Khi đã được xét duyệt, các đơn vị kinh doanh này phải đảm bảo niêm yết giá, phục vụ chu đáo, thái độ tốt. Chúng tôi có đoàn đi kiểm tra thường xuyên, có vấn đề gì là xử lý ngay”- ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết.


Cũng theo ông Hà Kế San, ngay với kế hoạch phân luồng, trông giữ xe cũng được tổ chức rất chu đáo, chặt chẽ, có phân cấp rõ ràng. Cụ thể là Công an tỉnh trông giữ ô tô; Khu di tích lịch sử Đền Hùng trông giữ xe máy trong bãi xe của Khu di tích; những điểm trông giữ xe máy và xe đạp khác do UBND xã Hy Cương chịu trách nhiệm. Tất cả sẽ chỉ có 5 điểm trông giữ xe theo quy định, những điểm trông giữ xe tự phát sẽ bị xử lý.

Không còn nhiều ngày để đến ngày Giỗ Tổ, cũng có nghĩa là không còn nhiều ngày “còn được coi là đỡ vất vả hơn” của những cán bộ, nhân viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Bởi sẽ đến những ngày cả cán bộ và nhân viên ăn ngủ tại chỗ để phục vụ đồng bào về hành lễ. Nhưng đó là trách nhiệm, cũng là niềm vinh dự khi được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ sự tôn nghiêm chốn Đất Tổ linh thiêng để phục vụ những con Lạc cháu Hồng nhớ ngày giỗ Tổ, hành hương về với cội nguồn dân tộc...

Tuyết Anh
"Tháng ba nhớ ngày Giỗ Tổ": Bài 3: Nỗ lực cho một không gian lễ hội “sạch”
"Tháng ba nhớ ngày Giỗ Tổ": Bài 3: Nỗ lực cho một không gian lễ hội “sạch”

Xây dựng một môi trường lễ hội sạch, không có tình trạng chặt chém khách trong dịch vụ gửi xe, ăn uống, không có cờ bạc trá hình, tiếng loa quảng cáo đinh tai nhức óc trong khu di tích... là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN