Đặc biệt, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức Lễ cầu siêu, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nguyện cầu cho anh linh các anh hùng liệt sỹ ở cõi vĩnh hằng được siêu sinh tịnh độ.
Trong chuỗi các hoạt động của chương trình “Âm vang Tây Nguyên” còn diễn ra giao lưu nghệ thuật “Tiếng hát âm vang đại ngàn”. Đây là chương trình giao lưu nghệ thuật với các tiết mục dân ca, dân vũ của cộng đồng các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đặc biệt là dân tộc Tà Ôi và Ê Đê.
Đồng bào sẽ giới thiệu đến công chúng một số tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm, loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa za van.
Trong tháng 7/2017, ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra khóa học “Búp sen hồng” tại chùa Khmer. Khóa học giúp các em nhỏ được vui chơi, giao lưu học hỏi, học hiểu những điều hay, ý đẹp về đạo hiếu, đạo làm con, đạo làm người phù hợp với tuổi thơ. Đặc biệt, trong tháng 7/2017, Ban tổ chức sẽ thực hiện hoạt động thả đèn hoa đăng nhân lễ “Vu lan báo hiếu” (đợt 1).
Các hoạt động với chủ đề “Âm vang Tây Nguyên” và các hoạt động hàng ngày, cuối tuần tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.