Huế - vùng đất cố đô nổi tiếng bởi cung điện, đền đài, lăng tẩm… Huế cũng là nơi lưu dấu nhiều di tích gắn bó với thời niên thiếu của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta hãy cùng ghé thăm một trong những địa điểm lưu dấu tuổi thơ của Bác - đó là ngôi nhà nhỏ tại 112 đường Mai Thúc Loan (nay là 158 đường Mai Thúc Loan, TP Huế), nơi Bác Hồ đã sống cùng gia đình trong 6 năm đầu khi mới vào Huế (1895-1901).
Theo sử sách, năm 1894, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ cử nhân ở kỳ thi Hương Nghệ An. Năm 1895, cụ vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi sau, ông Nguyễn Sinh Sắc xin vào học trường Quốc Tử Giám – Huế. Vì học bổng quá ít ỏi, không đủ điều kiện sinh sống, ông về quê đưa vợ con vào Huế để tiện chăm sóc, động viên và giúp đỡ ông học tập. Thương chồng, bà Hoàng Thị Loan đã gửi cô con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh cho mẹ, đưa 2 con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tên thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo chồng vào Huế. Thời gian đầu, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng vợ con ở nhờ trong một ngôi nhà trước Viện Đô Sát (nay là Trường PTCS Thuận Thành), sau đó mới thuê căn nhà 112 Mai Thúc Loan và đây là nơi cư trú của gia đình trong suốt 6 năm (1895 - 1901).
Du khách thăm ngôi nhà Bác Hồ đã cùng gia đình sống trong 6 năm đầu khi mới vào Huế. |
Ngôi nhà gỗ nằm trên đường Đông Ba xưa vốn là nhà ở của một trại lính hộ, sau sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885, ngôi nhà bị bỏ hoang. Sau này, nhà được giao cho Cao học sỹ Trương Quang Đán, ông Đán đã cho con gái là bà Trương Thị Lệ Diệu và được ông Nguyễn Sinh Sắc thuê lại. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh. Ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, kiến trúc theo kiểu nhà rường ở Huế, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bàn khoa “thượng song, hạ đố”. Khi dọn đến ở, ông Nguyễn Sinh Sắc đã cho làm thêm căn nhà bếp nối với nhà chính, vách trát đất, mái lợp tranh để mở rộng khu sinh hoạt cho gia đình.
Trong ngôi nhà này, bà Hoàng Thị Loan đã miệt mài, tần tảo ngày đêm bên khung cửi để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con. Cũng chính trong căn nhà này, từ những năm 1895-1901, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sống những ngày tháng tuổi thơ, đã chứng kiến những ngày tháng miệt mài kinh sử và nỗi lo khôn cùng của người cha, nỗi gian lao, vất vả của người mẹ. Ngôi nhà này cũng chứng kiến niềm hạnh phúc và nỗi đau tột cùng của Nguyễn Sinh Cung. Năm 1901, triều đình lệnh cho ông Nguyễn Sinh Sắc ra Thanh Hóa coi thi, ông mang theo người con trai cả, cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở lại Huế cùng mẹ. Năm ấy, bà Hoàng Thị Loan đã sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin (em trai Bác Hồ). Vì sinh con vất vả, bà bị ốm nặng và qua đời ở tuổi 33. Do quy định của triều đình, trong thành không được khóc người chết, nên đám tang của bà Hoàng Thị Loan do bà con quyên góp, tổ chức âm thầm giữa lúc thiên hạ đang náo nức đón Tết. Thi hài của bà không được qua cổng thành Đông Ba gần đó mà phải chuyển theo đường thủy qua cổng Thanh Long ra ngoài thành, qua sông Gia Hội, lên táng ở Núi Ngự. Mẹ qua đời chẳng bao lâu, em Nguyễn Sinh Xin cũng mất vì ốm yếu. Chứng kiến mẹ mất, rồi nghe tiếng em khóc vì khát sữa… có lẽ là cảnh tượng bi thương nhất mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung, khi đó mới 11 tuổi, phải gánh chịu.
Có lẽ vì thế mà ngôi nhà không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm thời ấu thơ của Bác, mà còn là cái nôi hình thành nhân cách vĩ đại về sau của Người. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”.
Sau đám tang vợ một thời gian ngắn, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa các con về quê, và đổi tên Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt, còn Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành. Năm 1905, ông Nguyễn Sinh Sắc lại đưa 3 chị em vào Huế. Lần này ông đỗ Phó bảng, được bổ làm quan, nên được cấp một căn nhà trong dãy Trại lính ở đường Đông Ba (nay là 47- Mai Thúc Loan), rất gần với ngôi nhà cũ. Lần thứ hai trở lại Huế, hai anh em Tất Đạt, Tất Thành học Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Năm 1908 chuyển lên học Trường Quốc học Huế. Sau vụ tham gia biểu tình chống thuế năm 1908, đến năm 1909, Nguyễn Tất Thành bí mật rời khỏi Huế vào Nam mở đầu cho hành trình tìm đường cứu nước.
Đến thăm nơi Bác Hồ đã sống thời thơ ấu, du khách gần xa đều vô cùng xúc động trước khung cảnh đơn sơ, giản dị trong ngôi nhà. Đó là chiếc khung cửi dệt vải truyền thống của bà Hoàng Thị Loan, là chiếc giường tre kê ở góc phía đông ngôi nhà, nơi bà Loan nằm ngủ, là án thư nghiên bút của ông Nguyễn Sinh Sắc, hay đơn giản chỉ là chum nước bên gốc chuối, hay căn bếp nhỏ gác đầy củi khô… Chị Nguyễn Thị Thu Hà, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tôi đã đến Huế rất nhiều lần, nhưng lần này mới biết và đến thăm ngôi nhà của Bác. Tôi rất xúc động khi được thăm lại ngôi nhà mà Bác Hồ và gia đình đã sống khi xưa. Và đây là chuyến đi Huế có ý nghĩa nhất với tôi vì tôi đã có dịp hiểu thêm nhiều điều về Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc”.
Với những giá trị lịch sử sâu sắc, nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế đã được Bộ VHTT (cũ) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Từ đây, ngôi nhà thành nội trở thành nhà lưu niệm Bác Hồ, với rất nhiều hạng mục được tỉnh Thừa Thiên - Huế tôn tạo phục chế lại ngôi nhà, khuôn viên vườn, tái tạo lại toàn bộ nội thất xưa kia... Được biết, Sở VH, TT & DL Thừa Thiên - Huế sẽ kết nối chuỗi di tích liên quan đến Bác Hồ tại Huế và đẩy mạnh việc bảo tồn, quảng bá nhằm thu hút du khách và thể hiện tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên - Huế đối với Người.
Bài và ảnh: Phương Lan