Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết cổ truyền, cả nước lại tưng bừng, náo nhiệt với các chương trình nghệ thuật, các hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc. Năm nay, các hoạt động này đều mang đậm nét cổ truyền dân tộc.
Lần đầu tiên, Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp Tết Nguyên đán cho người Hà Nội, cho du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban Thường trực BQL phố cổ Hà Nội cho biết: Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Mão, tất cả các di tích trong khu phố cổ như đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đình Yên Thái, các ngôi chùa trong khu phố cổ... sẽ được mở cửa để du khách ghé thăm.
“Phố ông đồ” (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) là điểm đến hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách trong - ngoài nước dịp Tết. Ảnh: Lê Phú |
Tại địa chỉ 28 Hàng Buồm, sẽ có chương trình giới thiệu các dòng tranh dân gian gắn với ngày Tết của Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh kim hoàn... Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây trưng bày không gian nhà người Việt đón Tết Nguyên đán. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cách bài trí không gian đón Tết cổ truyền của người Việt, với cây đào, quất, với bánh chưng xanh, câu đối...
Ngoài ra, vào các buổi tối mùng 1, 2, 3 Tết âm lịch, tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), đình Hồng Lạc (38 Hàng Đào) và 85 Hàng Gai sẽ có chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc đặc sắc với nghệ thuật hát xẩm, chầu văn, quan họ... “Phố ông đồ” (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cũng liên tục hoạt động từ 20 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách trong - ngoài nước trong những ngày đầu của năm mới.
Mở cửa đầu tiên vào ngày mồng 4 Tết, trong thời gian 3 ngày từ 6 - 8/2/2011 (tức mồng 4, 5, 6 Tết Nguyên đán), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn với Tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam như những giai điệu âm nhạc mừng năm mới, lễ cầu an, cầu mùa của các tộc người Raglai (Ninh Thuận), người Dao Lô gang, Na Miẻo (một nhánh của người Mông ở Lạng Sơn), người Tày, điệu múa sư tử của người Nùng...
Đến đây, du khách còn được nghe các điệu hát giao duyên đầu năm mới của 5 tộc người và khám phá sự tương đồng và khác biệt thú vị giữa các điệu hát này, cùng hòa mình trong tiếng cồng chiêng và điệu múa của người Raglai hay điệu múa sạp của người Thái... Ngoài ra, tại đây còn có tới hơn 20 trò chơi dân gian, là những trò thường thấy trong lễ hội mùa xuân của các dân tộc, phù hợp với những lứa tuổi và sở thích khác nhau, cả trẻ em và người lớn như đẩy gậy, nhảy bao bố, đi cà kheo, đánh quay, cầu lông gà, ném còn, cờ gánh, các trò mả mú sứa, tỏ hốn tá lòn, pa mạ na ố, tỏ mạ mằng hay kéo co, đánh đu, đấu vật, “chọi trâu”, pháo đất, ô ăn quan...
Ngoài việc thưởng thức các hoạt động văn hóa dân tộc, du khách còn có dịp thưởng thức các món ẩm thực theo hương vị cổ truyền của người dân tộc như: Lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường treo gác bếp, xôi cẩm, bánh pẻng khô, bánh cóc mò, bánh khẩu si, rượu men lá...
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác cũng diễn ra khắp nơi trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền như chương trình xiếc và ảo thuật Trung Hoa với các tiết mục nổi tiếng do các diễn viên Trung Quốc biểu diễn như: Kịch Tứ Xuyên, múa biến mặt phun lửa, chiếc bàn biết bay, diễn rối bóng tay... tại Công viên nước Hồ Tây từ mồng 1 - 4 Tết Nguyên đán.
Chương trình biểu diễn hài kịch và ca múa nhạc đón mừng năm mới tại rạp hát Đại Nam (89 phố Huế - Hà Nội). Nghệ sĩ hài Xuân Hinh tái ngộ cùng khán giả Thủ đô một đêm duy nhất mồng 8 Tết (ngày 10/2/2011) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô với chương trình sân khấu hài đặc sắc “Xuân Hinh bắt đền đại gia”.
Nhạc sỹ Phú Quang chào năm mới với chương trình ca nhạc “Biển nỗi nhớ và em” vào các ngày 11, 12, 13 và 14/2/2011, góp phần tạo thêm không khí rộn ràng trong những ngày đầu năm mới.
Phương Lan