Được công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2011 nhưng Thành nhà Hồ vẫn đang chờ một “cú hích” để có thể phát triển du lịch tương xứng với tầm vóc và giá trị.
Nặng về công tác bảo tồn
Sau khi được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới, lượng khách đến với Thành nhà Hồ đã tăng dần; mỗi năm, tại đây đón khoảng 70.000 lượt du khách. Tuy nhiên, khách tham quan phần lớn vẫn là nội địa, lượng khách quốc tế rất ít; nếu có, chủ yếu là các đoàn khách ngoại giao.
Thành nhà Hồ mới chỉ thu hút khách nội địa. |
Thời quan qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ vẫn tập trung vào công tác nghiên cứu, khai quật di tích lòng đất; rà soát lại các giá trị phi vật thể, di tích vùng phụ cận trên 5.000 ha để xây dựng hồ sơ khoa học khảo cổ cho di sản.
“Thành nhà Hồ tồn tại qua 7 thế kỷ và trải qua những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc bằng đá kỳ vĩ và những gì hiện trên mặt đất chỉ là một phần nhỏ so với lịch sử vốn có ban đầu. Chúng tôi đang bảo tồn những dấu tích kiến trúc xuất lộ sau những lần khai quật di tích, tôn tạo cảnh quan xung quanh thành nội, chỉnh trang khuôn viên công trường khai thác đá... và kết nối chúng lại để tạo nên bức tranh tổng thể về các giá trị nổi bật của di sản”, ông Đỗ Quang Trọng, cho biết.
Hơn 2 năm qua, Thành nhà Hồ đã từng bước hé lộ thêm nhiều sử liệu bằng hiện vật quý báu. Đáng kể nhất là kiến trúc cơ bản và tương đối toàn diện của đàn Nam Giao đã được khai quật, với diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Các nhà khoa học đã đánh giá đây là đàn tế được bảo tồn nguyên vẹn nhất Việt Nam hiện nay với hàng loạt các di tích như: Đường Thần Đạo, giếng Vua, hệ thống cống thoát nước... Căn cứ trên những phát tích hiện có, tỉnh Thanh Hóa đã cho phục dựng lại đàn tế Nam Giao khá quy mô.
Các nhà khảo cổ cũng đã phát lộ con đường Hoàng Gia (còn gọi là đường Hòe Nhai) tại khu vực cửa Nam Thành Nhà Hồ với cấu trúc đá khá độc đáo. Đến nay, con đường Hoàng Gia tồn tại một cách khá nguyên vẹn với chiều dài khoảng 2 km, cấu trúc gồm những khối đá tương đối khít và phẳng được lắp ghép lại để tạo nên giao lộ cổ kính. Bên cạnh đó, việc phát hiện, nghiên cứu công trường khai thác đá cổ tại núi An Tôn (xã Vĩnh Yên) và núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc làm sáng tỏ nghi vấn xung quanh vấn đề nguồn gốc nguyên liệu được khai thác sử dụng để xây dựng Thành nhà Hồ… Đây là những chứng tích để lập quy hoạch và hình thành những điểm đến tham quan trong thời gian tới.
Tạo sự đa dạng để thu hút khách
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân ca tổ chức ở khu vực gần kề cổng phía Nam Thành nhà Hồ bước đầu cũng đã tạo được ấn tượng tốt với nhiều khách tham quan. Du khách đến với vùng di sản này sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca về cuộc sống, quê hương sông Mã anh hùng từ chính những người dân quanh năm với ruộng đồng là thành viên CLB Di sản Thành nhà Hồ biểu diễn.
Nhưng đúng như đánh giá của ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ: “Thực tế khai thác giá trị di sản Thành nhà Hồ cho phát triển du lịch chưa nhiều. Thách thức của Di sản là cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ còn yếu. Nếu tuyên truyền rộng quá, trong khi chưa chuẩn hạ tầng tốt vô hình chung gây thất vọng cho du khách”.
Cũng theo ông Trọng, để có thể đón du khách quanh năm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đang khuyến khích người dân trong vùng mở rộng kinh doanh vận chuyển xe trâu, xe bò, xe điện, biểu diễn nghệ thuật dân ca, giới thiệu đặc sản vùng miền...
Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Danh hiệu di sản văn hóa thế giới phải trở thành động lực, thậm chí tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thanh Hóa, ví như vai trò của di sản Cố đô Huế hay Phố cổ Hội An trong sự phát triển của Huế, Quảng Nam vậy. Để đạt được mục đích ấy, việc quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ và vùng phụ cận, gắn với phát triển du lịch cần nhanh chóng khởi động. Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng một số tuyến trọng điểm như: tuyến Sầm Sơn - Thành nhà Hồ; suối cá Cẩm Lương - Thành nhà Hồ. Năm Du lịch quốc gia 2015 Thanh Hóa với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới” cũng sẽ là cơ hội để Thành nhà Hồ tạo cú hích cho phát triển du lịch”.
Bài và ảnh: Xuân Minh