Tăng cường nhân lực cho hệ thống thiết chế văn hóa

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là công cụ hữu hiệu trong công tác giáo dục tuyên truyền ở địa phương, là địa chỉ để người dân hưởng thụ, sáng tạo các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay.


Sân chơi bổ ích của người dân


Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), hiện nay trên cả nước có 70 Trung tâm Văn hóa, 63 Trung tâm Thể dục thể thao cấp tỉnh; 549/702 quận. huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc Nhà văn hóa huyện (chiếm 78,2%); có 4.998/11.161 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể dục, thể thao (chiếm 44,8%) và có 54.391/118.034 thôn, làng, ấp, bản có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn (đạt tỷ lệ khoảng 46%).

Công trình Trung tâm văn hóa huyện phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của thanh thiếu niên.


Theo đánh giá, từ năm 2011 đến nay, các trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như dựng cụm cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, chiếu phim tư liệu, tổ chức chương trình nghệ thuật… chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tuyên truyền cổ động bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống xã hội. Nhiều hoạt động văn hóa mang ý nghĩa chính trị quan trọng như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”; thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tổ chức mít tinh kỷ niệm, các Tuần lễ phim, giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ chào mừng những sự kiện lớn của đất nước và địa phương…


Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa cũng đã tập trung đầu tư tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Thời gian qua, các đơn vị này đã tổ chức được 87 cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, tuyên truyền viên giỏi. Có thể kể đến một số hoạt động có tiếng vang lớn như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc theo chuyên đề do trung tâm văn hóa các tỉnh Tây Bắc thử nghiệm; liên hoan tiếng hát 9 dòng sông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hội thi xe hoa tuyên truyền của các tỉnh miền Đông Nam Bộ… Ngoài ra, đã chủ động phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức được trên 100 đợt liên hoan, hội thi, hội diễn như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc; Ngày hội Cồng chiêng dân tộc Mường, Chương trình du lịch “Qua miền Tây Bắc”; Liên hoan “Tiếng hát miền Đông”; Liên hoan hát văn, hát chầu văn, Liên hoan các Làng chèo… Ngoài ra, hoạt động của các Câu lạc bộ chuyên đề, các lớp năng khiếu, đội văn nghệ đã tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng quần chúng nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân; qua đó phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng phát triển phong trào văn hóa cơ sở.


Nâng cao chất lượng cán bộ


Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, nhìn chung, các thiết chế văn hóa, thể thao trên cả nước sau một thời gian lúng túng trong hoạt động khi mới chuyển đổi cơ chế, nay đã thích ứng, từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số trung tâm văn hóa - thể thao được đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động và khai thác có hiệu quả, phục vụ nhu cầu của người dân.


Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nội dung hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao các cấp còn sơ sài, nghèo nàn. Một số nơi không quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp chưa được đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là ở các tỉnh vùng núi, bởi quỹ đất dành để xây dựng các thiết chế văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới (xây dựng nhà văn hóa 400 chỗ ngồi) cho những xã miền núi là điều rất xa vời. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ của các trung tâm văn hóa - thể thao tuy đã được nâng lên về chất lượng, nhưng vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, mới đáp ứng được một phần yêu cầu của công việc. Nhiều nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành nghề, hoặc chỉ có năng khiếu bẩm sinh mà chưa được đào tạo bài bản…


Ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) cũng thừa nhận, ngoài khó khăn về nguồn tài chính, khó khăn về quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, thì khó khăn lớn nhất trong việc nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay là về nguồn nhân lực. Các cán bộ phụ trách các thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay vừa thiếu, vừa yếu và có nơi chưa hợp lý. Cục Văn hóa cơ sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo bộ và các cấp chính quyền để có thể đáp ứng được một phần trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ để có chế độ đãi ngộ với cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, đôn đốc các địa phương dành quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở theo đúng tiêu chí nông thôn mới… Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là nhanh chóng hoàn thành quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, căn cứ vào đó có thông tư hướng dẫn để hoạt động thiết chế văn hóa ở các địa phương hoạt động có hiệu quả hơn.


Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN