Tâm thức Việt qua các bức hoành phi, câu đối ở Đền Hùng

Tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, có nhiều bức hoành phi, câu đối giá trị về những điều thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt, về ý thức cội nguồn, sự trường tồn vững mạnh của đất nước và tư tưởng uống nước nhớ nguồn.

Núi Hùng với các đền và chùa trên núi chính là phần lõi của khu di tích lịch sử Đền Hùng với có nhiều bức đại tự, hoành phi, câu đối. Để lên tới Đền Hạ chùa Thiên Quang, Đền Trung và Đền Thượng và Lăng Hùng Vương thì trước hết phải qua cổng đền. Cổng đền được xây dựng năm 1917, hai tầng, tám mái, có bức đại tự và đặc biệt là đôi câu đối để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.

Ông Nguyễn Ngọc Tăng, chuyên gia Hán Nôm, Hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian Đền Hùng - huyện Lâm Thao, Phú Thọ cho biết, bức đại tự chính giữa cổng là: Cao sơn cảnh hạnh, tức là Đức lớn tựa núi cao. Hai bên cổng đền là đôi câu đối:

Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch.
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn
Dịch là: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối;
Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi tựa cháu con

Đôi câu đối vừa chỉnh, vừa mang ý nghĩa sâu sắc đề ở cổng nơi thờ Tổ chung cả nước thật thích hợp mà lại chiếu được vào 4 chữ đại tự nói trên. Cũng theo ông Tăng, còn có nhiều cách hiểu khác về chữ cuối bức đại tự như: cảnh hạnh, cảnh hàng hay cảnh hành, tuy nhiên, hiểu theo nghĩa nào cũng đều tốt đẹp, nhưng theo ý của ông thì cảnh hạnh nghe hay hơn.

Ở Đền Hạ có bước hoành phi câu đối gắn với truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Bức đại tự viết: Kiền Khai Khôn Hợp, có thể hiểu là: cha mẹ sinh ra bọc trăm trứng, sinh ra giống nòi Việt Nam. Đặc biệt, đôi câu đối của vị quan triều đại nhà Nguyễn dâng lên cung kính đền Hùng bằng chữ Nôm rất có ý nghĩa là:

Con cháu còn, Tổ tông hãy còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi
Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vẫn dài lâu

Ở Đền Trung, tương truyền nơi đây, buổi đương thời các Vua Hùng thường họp bàn việc nước cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Theo sách “Đền Hùng - Di tích và cảnh quan” do ông Phạm Bá Khiêm biên soạn và giới thiệu thì Đền Trung xuất hiện sớm nhất trên núi Hùng. Nơi đây còn nhiều bức hoành phi, câu đối rất có giá trị. Điển hình như ba bức đại tự: Hùng Vương linh tích, Quốc Tổ vĩnh truyền và Hùng Vương Tổ Miếu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tăng, Đền Thượng trước kia là điện thờ trời. Tương truyền, nơi đây vua Hùng cùng các tướng lĩnh thường đến để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để muôn dân được ấm no hạnh phúc. Về bức đại tự và câu đối ở mặt chính cửa đền, ông Nguyễn Ngọc Tăng cho biết. Bức đại tự ghi: Nam Việt Triệu Tổ tức là Tổ đầu tiên, tổ muôn đời của nước Việt Nam. Và đôi câu đối cổ do tổ tiên để lại, rất là hàm súc:

Thông thông uất uất, trung hữu lăng yên tẩm yên, long phục tiên mẫu chi linh tính, hữu ngã hậu nhân võng khuyết.
Cổ cổ kim kim, thử sơn dã thủy, dã thánh tổ thần tông chi sáng tạo, y hi tiền vương bất vong.
Dịch là: Trong cây cỏ tốt xanh vẫn có miếu có lăng, hồn thiêng cha mẹ Rồng Tiên phù hộ đời sau không thiếu sót.
Suốt thời gian dài dặc thấy kìa sông kìa núi, công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn Vua nước chẳng hề quên.

Lăng Hùng Vương được xây bên trái, phía trước Đền Thượng. Theo truyền thuyết, đây là nơi vua Hùng thứ 6 đã hóa bên gốc cây Kim Giao. Bức đại tự ghi: Hùng Vương Lăng. Bên cạnh là đôi câu đối Nôm hàm súc:

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quay về Đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ Mồ ông.

Đền Hùng năm 1407 đã bị nhà Minh tàn phá, về sau dân ta dựng lại nên rất khó biết được xuất xứ của nhiều bức hoành phi, câu đối cũng là điều dễ hiểu. Cũng theo ông Tăng, dù biết hoặc không biết tác giả nhưng viết được bức hoành phi, câu đối với sự khái quát cao siêu, mỗi câu, mỗi từ đều lấp lánh tâm thức Việt như vậy thì ắt phải là những đấng văn chương, các bậc túc nho hay chữ hoặc cao siêu hơn là chữ nghĩa của các đấng Quân Vương.
Trung Kiên
Phú Thọ sẵn sàng cho ngày khai hội Đền Hùng
Phú Thọ sẵn sàng cho ngày khai hội Đền Hùng

Theo Ban tổ chức, đến thời điểm này công tác chuẩn bị giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016 đã cơ bản hoàn tất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN