Chương trình được thực hiện tại 4 điểm cầu: Phim trường Đài Phát thanh truyền hình Sóc Trăng, Quảng trường Bạch Đằng, bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo và điểm du lịch Tân Huê Viên (thành phố Sóc Trăng).
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đây là hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022, mừng thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Thông qua chương trình, nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của đông đảo công chúng trong xã hội.
Chương trình truyền hình trực tuyến “Sóc Trăng - vùng đất đậm nét di sản văn hóa dân tộc” cũng nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng, nhất là di sản đã được UNESCO ghi danh, giúp công chúng trong nước, quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Trong tổng thể chung đó, chương trình giới thiệu về con người Sóc Trăng thân thiện, hiếu khách, vùng đất Sóc Trăng tươi đẹp, đậm nét di sản văn hóa dân tộc, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Sóc Trăng đang mở rộng vòng tay đón khách du lịch, các nhà đầu tư đến hợp tác, cùng nhau phát triển.
Về Sóc Trăng không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ kính hay tham gia các lễ hội vui tươi, rực rỡ bản sắc 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, du khách còn được thưởng thức bánh pía và các loại bánh với hương vị ngọt ngào; thưởng thức nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới làm say đắm lòng người.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài 8 di tích cấp quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh, Sóc Trăng còn có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và quốc gia. Đó là Đờn ca tài tử nam bộ, di sản văn hóa nhân loại được UNESCO công nhận; Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề; Nghề thủ công truyền thống bánh Pía của người Hoa thuộc huyện Châu Thành; Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm, múa Rô băm, múa Rom vong và nghệ thuật Dù Kê của đồng bào Khme. Và hôm nay, Sóc Trăng có thêm Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 8 di sản văn hóa phi vật thể này thật sự trở thành niềm tự hào của nhân dân Sóc Trăng.
Tại cầu truyền hình trực tiếp, nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ, điệu múa của các dân tộc được thể hiện. Đại diện Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định Lễ hội đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 8 của tỉnh Sóc Trăng được công nhận và sẽ là động lực to lớn trong công tác gìn giữ, phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng.
Cũng trong chiều 22/4, Triển lãm ảnh thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội Sóc Trăng 30 năm phát triển đã được tổ chức tại Quảng trường Bạch Đằng với trên 160 bức ảnh được trưng bày, giới thiệu về đất nước - con người Sóc Trăng 30 năm qua, những thành tựu kinh tế - xã hội, những dấu ấn lịch sử được ghi lại bằng hình ảnh sinh động, thể hiện ý chí, sự sáng tạo, đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng trong khát vọng vươn lên...