Theo đó, lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và đặc biệt là thi người đẹp, hoa hậu… sẽ phải tuân theo những quy định chặt chẽ hơn.
Chỉ rõ những hành vi “không được thực hiện”
Theo nội dung thông tư này, người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành với các hành vi như: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hình ảnh tập thể, cá nhân thể hiện các tiết mục biểu diễn có nội dung vi phạm quy định tại điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Việc làm từ thiện của hoa hậu, người đẹp sau khi đạt giải đã được quy định cụ thể trong Thông tư 01. Ảnh: BTC |
Không chỉ đưa ra các hành vi “cấm”, thông tư cũng đã xác định quyền “được phạt” của các đơn vị chức năng. Theo đó: “Hội đồng thẩm định thành lập theo quy định tại Thông tư số 15/2013/ TT-BVHTTDL ngày 24/12/2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, chịu trách nhiệm kết luận, đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi do người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu thực hiện và đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”. Điều này đồng nghĩa với việc các hành vi vi phạm của người đẹp, người mẫu, nghệ sĩ… sẽ được xem xét nghiêm túc bởi 1 hội đồng thẩm định (không phải là một đơn vị cấp cục hay cấp sở như trước đây), để đề xuất hình phạt phù hợp theo quy định của pháp luật. Như vậy, tính khách quan của việc xử phạt sẽ cao hơn, đồng thời tính răn đe của việc xử phạt cũng lớn hơn. Hy vọng, với quy định mới này, các nghệ sĩ, người mẫu, người đẹp sẽ không còn dám “cố tình vi phạm” để chịu phạt, nhằm đạt được mục đích của mình (nổi tiếng, tạo scandal…) như lâu nay.
“Siết chặt” thi người đẹp, hoa hậu
Thông tư dành khá nhiều nội dung cho quy định về việc tổ chức cuộc thi hoa hậu, người đẹp; tiêu chuẩn để cấp giấy phép tổ chức; quy định về danh hiệu cuộc thi… đặc biệt, đã đưa ra những yêu cầu “sáng rõ” hơn với các cuộc thi. Điều đáng nói, những yêu cầu này là xuất phát từ chính thực tế “phát sinh” từ những cuộc thi hoa hậu, người đẹp lâu nay.
Theo đó, một lần nữa thông tư nhấn mạnh việc không cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mĩ trong các cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Bên cạnh đó, tên gọi cuộc thi cũng phải là tên tiếng Việt. Trong trường hợp tên cuộc thi có sử dụng tiếng nước ngoài thì viết tên bằng tiếng Việt trước, tên nước ngoài sau. Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi phải thể hiện rõ và phù hợp với tên gọi, quy mô, phạm vi tổ chức cuộc thi.
Đặc biệt, theo quy định mới, mỗi cuộc thi người đẹp, người mẫu chỉ thành lập 1 Ban giám khảo; gồm các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học. Tùy theo tính chất của từng cuộc thi, Ban tổ chức có thể mời thêm các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cơ quan cấp phép, đơn vị tổ chức, nhà tài trợ không tham gia Ban giám khảo. “Trước đây, mỗi cuộc thi có thể có tối đa 3 Ban giám khảo, gồm Ban giám khảo vòng sơ khảo, bán kết, chung khảo; nhưng nay sẽ chỉ có 1 Ban giám khảo, để đảm bảo tính nhất quán, cũng như sự công bằng cho các thí sinh tham gia cuộc thi”, đại diện cơ quan chức năng cho biết.
Cũng theo quy định tại thông tư, lần đầu tiên đã có quy định về việc các thí sinh đạt giải, “trong thời gian tối đa 24 tháng, kể từ ngày đạt giải nhất trong cuộc thi người đẹp, người mẫu, phải thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện theo kế hoạch của Ban tổ chức cuộc thi đã được cơ quan cấp phép phê duyệt”. Theo đại diện cơ quan chức năng, đây là một quy định rất quan trọng, để nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của thí sinh đạt giải trong các cuộc thi, điều mà thời gian dài vừa qua các người đẹp của chúng ta thường “quên” sau khi đã đăng quang; khiến dư luận cũng như bản thân BTC cuộc thi rất bức xúc.