Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, 24 tác phẩm mỹ thuật được các nhà điêu khắc hoàn thành tại Nhà sáng tác Vũng Tàu mang dấu ấn riêng, đặc sắc của mỗi tác giả, đa dạng về phong cách, phong phú về chất liệu, đề tài trải dài từ lịch sử đến hiện đại. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Các tác phẩm trong Trại sáng tác đều có giá trị thực tiễn, đáp ứng mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025; sáng tác mỹ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; hướng đến Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019-2024).
Tại Trại sáng tác, các tác giả thể hiện nhiều phong cách, cá tính riêng biệt như: hiện đại, truyền thống, tượng đài; đa dạng về chất liệu như: đất nung, gỗ, đá, nhựa tổng hợp… Có thể kể đến những tác phẩm mang phong cách hiện thực truyền thống như: Chiến thắng B52 của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình; 1988 Bất tử của nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch; Mũi xung kích của nhà điêu khắc Lê Văn Tuấn… Những tác phẩm điêu khắc mang phong cách hiện đại như: Tình đồng đội của nhà điêu khắc Lê Khuy; Chiến thắng B52 của nhà điêu khắc Hoa Bích Đào; Đặc công Rừng Sác của nhà điêu khắc Nguyễn Thăng Long… Những tác phẩm mang hình thái tượng đài như: Niềm tin chiến thắng, Ký ức Trường Sơn của nhà điêu khắc Hoàng Văn Tùng; Samaki, Việt Nam - Campuchia của nhà điêu khắc Phan Thanh Tú…
Những đóng góp, cống hiến của các tác giả, tác phẩm mỹ thuật đã góp phần hoàn thành tốt chức năng, trách nhiệm chính trị, xã hội của nghệ thuật đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Các tác phẩm điêu khắc sẽ được trưng bày, ra mắt, giới thiệu rộng rãi cho nhân dân và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thời gian tới.