Sân khấu góp phần xây dựng và phát triển nhân cách con người

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lễ giỗ Tổ nghề sân khấu và Lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12/8 âm lịch) đã không được tổ chức rầm rộ như mọi năm. Các nhà hát, các nghệ sỹ chỉ lặng lẽ dâng mâm lễ bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo, xây dựng nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Sân khấu là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở "Giấc mộng đêm xuân" được các nghệ sỹ cải lương biểu diễn tối 13/1/2019, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống, đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người. Qua tác phẩm sân khấu, qua sự diễn xuất của diễn viên, những hoàn cảnh, những tình huống đã lột tả những tính cách, số phận của con người được tái hiện chân thực, sinh động, vừa mang tính cụ thể, lại vừa có tính khái quát cao.

Các tác phẩm sân khấu có vị trí quan trọng trong việc chuyển tải các lý tưởng, nguyên tắc đạo đức tới mọi đối tượng một cách nhẹ nhàng, nhưng lại hết sức sâu sắc, góp phần xây dựng và phát triển nhân cách con người. Một tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, với những hình tượng nhân vật điển hình trong lao động và chiến đấu bảo vệ, xây dựng đất nước, sẽ góp phần tạo nên những mỹ cảm mới mẻ ở người xem, giúp người xem trân trọng những giá trị đạo đức xã hội truyền thống, từ đó hướng theo những giá trị tốt đẹp ấy.

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển, để đáp ứng nhu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay, nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu đã tập trung miêu tả con người đương thời, phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà; mạnh dạn phê phán cái xấu, cái biểu hiện biến chất, thoái hoá về nhân cách, đạo đức, lối sống góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp hiện đại hóa - đưa đất nước hòa nhập vào thế giới hiện đại.

Nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg, lấy ngày 12/8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam, từ đó đến nay, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu cũng trở thành ngày hội tôn vinh nền sân khấu nước nhà. Năm nay kỷ niệm tròn 10 năm Quyết định ban hành, cũng là tròn 10 năm có Ngày Sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết, do đại dịch COVID-19, năm nay, Hội không tổ chức lễ giỗ Tổ nghề sân khấu và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam như mọi năm, mà đại diện lãnh đạo Hội chỉ sắm mâm lễ nhỏ, lòng thành dâng lên Tổ nghề, tưởng nhớ và tri ân Tổ nghề.  

Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ ở trên khắp mọi miền Tổ quốc khác cũng chỉ thực hiện lễ giỗ Tổ nghề đơn giản, gọn nhẹ. Trên trang cá nhân của nhiều nghệ sỹ trên khắp mọi miền đất nước, năm nay, hầu hết các nghệ sỹ sân khấu đều tổ chức cúng Tổ tại nhà.

Tưởng nhớ, tri ân các bậc tiên tổ 

Từ nhiều năm trở lại đây, cứ đến ngày 12/8 âm lịch hàng năm, các nghệ sỹ ngành kịch hát dân tộc lại long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ nghề sân khấu. Vào ngày này, các nghệ sỹ thường trở về những nhà hát, sân khấu, đoàn thể mình đã trưởng thành để dự lễ giỗ Tổ nghề.  

Theo các nhà nghiên cứu, có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành Sân khấu Việt Nam nhưng giai thoại nào cũng chỉ mang tính ước lệ, rất khó để xác định cụ thể nguồn gốc của ngày giỗ này. Tuy nhiên, dù có nhiều giai thoại và chưa thống nhất, đến nay, ngày 12/8 âm lịch vẫn được khẳng định là một ngày truyền thống, ý nghĩa của giới sân khấu Việt Nam.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải Lương, lễ giỗ Tổ nghề sân khấu có từ lâu rồi, đầu tiên chỉ là giỗ Tổ ngành kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, hát bội… sau đó dần dần tất cả các loại hình sân khấu khác như kịch nói, rồi các ca sỹ, kể cả các nghệ sỹ trong giới showbiz như người mẫu, MC… cũng lấy ngày này để tôn vinh nghề.

Ngày 12/8 âm lịch trở thành ngày chung của giới sân khấu, của toàn thể những người hoạt động biểu diễn, ca múa hát… Chính vì vậy, hàng năm, đến ngày này, các nghệ sỹ trên khắp mọi miền đất nước lại dâng hương lên Tổ nghề, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo có giá trị, làm giàu cho bản sắc văn hóa, đồng thời để tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn nghệ sỹ, bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu…

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, với những nghệ sỹ làm nghệ thuật truyền thống, ngày giỗ Tổ nghề có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Đó là sự tri ân với các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu, đồng thời, đây cũng là dịp để các thế hệ nghệ sỹ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề… để các nghệ sỹ trẻ có dịp gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ những nghệ sỹ đi trước, để hiểu hơn, gắn bó hơn với nghề, tiếp bước các thế hệ đi trước gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ sự tiếc nuối: Mọi năm, mỗi khi đến ngày giỗ Tổ, Nhà hát tổ chức long trọng, mời các vị khách quý, mời các cán bộ, nghệ sỹ đã từng công tác tại Nhà hát đến gặp gỡ, giao lưu, dâng hương tưởng nhớ và tri ân Tổ nghề, biểu diễn nghệ thuật mừng dâng tổ nghề… Năm nay, do đại dịch, Nhà hát không tổ chức rộng rãi, đại diện ban lãnh đạo Nhà hát chỉ làm mâm cơm dâng hương cúng Tổ nghề, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã giữ cho nghề trụ đến nay.

Nhớ đến ngày giỗ Tổ nghề, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên kể, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã tổ chức lễ giỗ Tổ từ vài chục năm nay. Hàng năm, mỗi khi đến ngày giỗ Tổ, Nhà hát lại trang hoàng lộng lẫy đèn hoa, anh em nghệ sỹ vui vẻ tưng bừng. Vào ngày 12/8 âm lịch, lãnh đạo Nhà hát lại rước bài vị Tổ nghề từ phòng thờ xuống, trang trọng đặt ở sân khấu nhà hát, tổ chức dâng hương và làm lễ tế Tổ. Tiếp theo đó là chương trình biểu diễn những tiết mục nghệ thuật dâng lên Tổ nghề. Rồi Ban lãnh đạo, các nghệ sỹ lão thành, cán bộ Nhà hát đã nghỉ hưu, cùng các khách mời là bạn bè thân hữu và khán giả yêu nghệ thuật cải lương hoan hỉ thụ lộc, tập trung đàn hát, giao lưu nghệ thuật.

“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không tổ chức được lễ giỗ Tổ như mọi năm, tôi cảm thấy rất nuối tiếc và thấy thiếu vắng. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Nhà hát đã thông báo đến các anh em, bạn bè và khán giả là Nhà hát không tổ chức rộng rãi, chỉ xếp mâm lễ dâng cúng lên ban thờ Tổ nghề, mong tổ nghề chứng giám lòng thành của thế hệ con cháu, phù hộ để ngành sân khấu vượt qua khó khăn, đồng thời hứa với Tổ nghề sẽ nỗ lực làm nghề, nỗ lực gìn giữ, bảo tồn di sản mà Tổ tiên để lại”, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Phương Lan (TTXVN)
Sân khấu kịch truyền hình 'hút khán giả' trong mùa COVID-19
Sân khấu kịch truyền hình 'hút khán giả' trong mùa COVID-19

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều người thường xuyên ở nhà, vì thế các kênh giải trí trực tuyến, chương trình truyền hình là lựa chọn tối ưu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN