Nhà văn Bích Ngân cho biết, văn học dịch có vị trí quan trọng, không chỉ trong môi trường văn chương mà còn trong đời sống tinh thần. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, văn học dịch (dịch từ các ngôn ngữ khác ra tiếng Việt) hết sức sôi động, chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường sách xuất bản tại Việt Nam. Có những tác phẩm đoạt những giải thưởng danh giá của thế giới, kể cả giải Nobel nhiều khi chỉ vài ba tháng sau sách đã đến tay người đọc Việt. Tuy nhiên, việc chuyển ngữ từ văn học tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác, ngay cả những ngôn ngữ thịnh hành như Anh, Pháp, Hoa… thì hết sức khó khăn. Con số tác phẩm văn học được giới thiệu ra nước ngoài chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu hết do các tổ chức tư nhân, trường đại học và nhà xuất bản nước ngoài thực hiện. Vì vậy, việc giao lưu văn hoá, đặc biệt là văn hoá đọc là một thiệt thòi cho những người sáng tạo văn chương.
“Việc thành lập Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn thực ra chỉ là một hoạt động bình thường của một hội nghề nghiệp nhưng lại là một sự kiện đáng quan tâm và đáng được sự trợ lực của nhiều cá nhân, đơn vị, các cấp, các ngành có liên quan. Có như vậy, văn học dịch, đặc biệt là những tác phẩm văn chương có giá trị của Thành phố, của Việt Nam mới có thể đến với độc giả thế giới, góp phần làm cầu nối văn hoá Việt với toàn cầu”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh hoạt động trong khuôn khổ nghề nghiệp, hàng năm tìm kiếm, phát hiện, giới thiệu những dịch phẩm có giá trị cho Hội đồng giải thưởng thường niên của Hội, để Hội đồng chọn ra tác phẩm xuất sắc trao giải, qua đó ghi nhận và tôn vinh sự lao động sáng tạo của đội ngũ dịch giả đang sống và làm việc tại thành phố.
Dịp này, Hội đồng văn học dịch đã ra mắt các thành viên: Dịch giả Hiền Nguyễn (Nguyễn Thị Hiền), Phó Viện Trưởng Viện Ngôn ngữ Đại học Văn Lang; dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks và dịch giả Dương Kim Thoa, Biên tập viên Ban Quốc tế, Báo Tuổi trẻ.