Cuốn sách là tập hợp công trình nghiên cứu của nhóm các giáo sư, nhà nghiên cứu Hàn Quốc và Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Lee Han-woo, tiến sĩ khoa học chính trị thuộc Đại học Sogang, về những nội dung chính được đề cập trong ấn bản mới này.
Đề cập các nội dung chính của cuốn sách, giáo sư Lee Han-woo cho biết kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc trên hầu khắp các bình diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây là thời điểm cần đánh giá quan hệ trong song phương ở góc độ rộng hơn nhằm đặt nền móng mới cho 30 năm tới. Với mục đích này, nhóm nghiên cứu đã tập trung xem xét hiện trạng hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 30 năm qua và cùng nhau đề xuất những đánh giá khách quan nhằm mục tiêu thiết kế một tương lai tốt đẹp hơn giữa hai nước.
Tiếp chúng tôi tại trường Sogang trong buổi chiều bận rộn, giáo sư Lee Han-woo chia sẻ: nhóm nghiên cứu có 6 người, 3 người Hàn Quốc, 3 người Việt Nam. Việc lựa chọn nhóm nghiên cứu từ cả hai nước để có cái nhìn đa chiều từ cả Việt Nam và Hàn Quốc. Các tác giả đều là các chuyên gia về kinh tế, xã hội và đều công tác tại các viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu bên phía Hàn Quốc đều là các chuyên gia đã nghiên cứu và theo dõi tình hình Việt Nam lâu năm. Cá nhân giáo sư Lee đã nghiên cứu Việt Nam được gần 30 năm. Trước đó, nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn – Việt, giáo sư Lee và Giáo sư Bùi Thế Cường (Học viện KHXH&NV) đã cùng xuất bản một cuốn sách mang tên “Việt Nam – Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển”; 10 năm trước nữa giáo sư Lee đã xuất bản một cuốn sách nghiên cứu về Đổi mới kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều nghiên cứu và xuất bản chung với các học giả khác, đặc biệt là trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á.
Đề cập những điểm sáng về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 30 năm qua, định hướng hợp tác trong thời gian tới, Giáo sư Lee Han-woo cho rằng: theo số liệu thống kê được công bố, trong 30 năm qua, quan hệ thương mại giữa 2 nước đã tăng gấp 150 lần đang tiến tới mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023. Trong lĩnh vực đầu tư, tăng gấp 80 lần. Hàn Quốc từ nhiều năm nay luôn là nhà đầu tư đứng thứ nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đầu tư lũy kể đến năm 2020 đạt trên 70 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Chỉ với 2 số liệu này có thể thấy những thành tựu về hợp tác kinh tế giữa hai nước lớn đến mức nào.
Không thể phủ nhận rằng đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, hoạt động FDI vẫn tồn đọng nhiều hạn chế. Tỷ trọng đầu tư quy mô nhỏ trong FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam có xu hướng gia tăng từ năm 2018. Năm 2020, các dự án đầu tư quy mô nhỏ hơn được thực hiện với các dự án đầu tư sử dụng dưới 200 lao động chiếm 90,7% và giá trị đầu tư dưới 10 triệu USD chiếm 91,7%. Quy mô trung bình cho mỗi dự án FDI là 7,56 triệu USD.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Trên thế giới, các quốc gia mà là đối tác thương mại lớn thứ ba, thứ tư của nhau thì đó là thành quả hợp tác rất lớn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng khoảng 1 triệu lao động người Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương đương với khoảng 10% GDP.
Giáo sư Lee nhấn mạnh: các tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, quan hệ kinh tế cần chú trọng những vấn dề sau:
Trong hợp tác cần nhấn mạnh nền tảng cho sự phát triển đôi bên cùng có lợi. Các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ vì mục tiêu của mình mà cần chú trọng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và có sự hỗ trợ, cộng hưởng tương hỗ phát triển với doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, không chỉ là các tâp đoàn lớn mà cần chú trọng đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ hai nước cần tăng cường trao đổi, hợp tác về chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Trong giai đoạn tới cần chú trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng, vươn lên để dần dần nắm giữ các vai trò chủ lực mà hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ. Chú trọng chuyển giao công nghệ, tăng hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Quá trình phát triển, cần giảm thiểu các bất đồng phát sinh giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, cần có phương án để giảm thiểu phát sinh các mâu thuẫn để đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững. Về thương mại, dù thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc đang trong lộ trình giảm nhưng Việt Nam đang thâm hụt 30 tỷ USD vì thế cũng cần khắc phục trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo sư Lee cho rằng trong lĩnh vực giao lưu nhân dân, các cô dâu Việt Nam kết hôn tới Hàn Quốc ngày càng tăng và đặc biệt là ngày càng tăng số lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, nghiên cứu, lao động và học tập. Chính quyền địa phương của Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến giao lưu nguồn nhân lực với các địa phương của Việt Nam. Mới đây nhất, với việc ông Park Hang Seo làm HLV cho Đội tuyển bóng đá Việt Nam thì quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được thúc đẩy đáng kể. Cùng với ông Park, một số HLV thể thao khác cũng giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này
Trong giao lưu văn hóa, văn hóa đại chúng của Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam rất mạnh mẽ, nhưng ở chiều ngược lại, văn hóa Việt Nam được giới thiệu đến công chúng Hàn Quốc còn rất hạn chế. Trong khi phim Hàn Quốc công chiếu tại Việt Nam rất nhiều và có nhiều bộ phim gây ảnh hưởng lớn thì tại Liên hoan phim quốc tế Busan, các bộ phim của Việt Nam xuất hiện còn ít. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều bộ phim được đánh giá cao như phim “Ròm”.
Giáo sư Lee cho biết Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hỗ trợ quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Ví dụ Bảo tàng Quốc gia Seoul và Bảo tàng Busan cứ định kỳ vài năm một lần lại có cuộc triển lãm về cổ vật, văn hóa cổ của Việt Nam tại Hàn Quốc. Thông qua đó để giới thiệu lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc cũng hỗ trợ tổ chức những sự kiện giới thiệu về mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa đại chúng của Việt Nam vẫn chưa được giới thiệu nhiều. Số liệu nghiên cứu cho thấy về lĩnh vực tác phẩm văn học, các tác phẩm Việt Nam được giới thiệu sang Hàn Quốc có khoảng 30 chủng loại song các tác phẩm văn học thì chưa được độc giả Hàn Quốc biết đến. Trong khi các tác phẩm của Hàn Quốc được giới thiệu tới Việt Nam là 100. Chỉ nhìn con số này thôi đã thấy có sự chênh lệch rất lớn. Để quảng bá văn hóa Hàn Quốc, năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã mở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Giáo sư Lee cho rằng Chính phủ Việt Nam nên nghiên cứu để sớm mở Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.
Trong xu hướng toàn cầu hóa và thế giới công nghệ phát triển như hiện nay, việc giao lưu văn hóa cần theo hướng hai chiều, tương hỗ, đa dạng song vẫn duy trì bản sắc dân tộc. Chính phủ hai nước cần tăng cường hợp tác để phổ biến văn hóa của Việt Nam tại Hàn Quốc. Có nhiều ý kiến đề cập việc tổ chức định kỳ liên hoan phim Việt Nam cho công chúng ở các khu vực khác. Cần hỗ trợ dịch thuật và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hàn, đồng thời tích cực giới thiệu văn học Việt Nam tại Hàn Quốc, giới thiệu văn hóa Việt Nam..v.v.
Cần nỗ lực nâng cao nhận thức cân bằng và hiểu biết sâu sắc về văn hóa xã hội của nước bạn. Các cơ quan, tổ chức liên quan đến ngoại giao văn hóa của cả hai nước nên xem xét đến phương án phát triển, mở rộng các chương trình giới thiệu văn hóa của cả hai quốc gia qua kênh internet, Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc tổ chức cuộc thi sáng tạo nội dung (contents) để giới thiệu văn hóa xã hội dành cho đối tượng tham gia là người Hàn Quốc và người Việt Nam. Cũng có thể xem xét xây dựng chương trình người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc giới thiệu văn hóa và xã hội Hàn Quốc với người bản xứ Việt Nam.