Quy hoạch làng cổ Đường Lâm được đồng thuận cao

Sau nhiều năm chờ đợi, chiều 10/7, người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã được tận mắt nhìn thấy đồ án quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm. Mặc dù, Viện bảo tồn di tích mới tổ chức lấy ý kiến của các cán bộ chủ chốt làng cổ Đường Lâm, từ lãnh đạo xã, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban mặt trận các thôn trong làng để hoàn thiện quy hoạch nhưng tính bức thiết của đồ án đã thu hút đông đảo người dân đến "mục sở thị" .

Sau khi nghe đại diện Viện bảo tồn di tích thuyết trình và giải đáp, đa phần cán bộ và nhân dân làng cổ Đường Lâm đều bày tỏ nhất trí với quy hoạch và cho rằng, bản quy hoạch này đã cơ bản giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Cổng làng cổ Đường lâm. Ảnh: Internet.


Bảo tồn và đảm bảo đời sống dân sinh

Theo Viện bảo tồn di tích, nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo làng cổ Đường Lâm phải bảo tồn cấu trúc quy hoạch và cấu trúc không gian của các làng cổ, bảo tồn các kiến trúc nhà cổ, các công trình di tích thể hiện lịch sử phát triển của làng xã… đồng thời phải duy trì cộng đồng dân cư truyền thống, hạn chế sự xáo trộn dân cư, bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo yêu cầu sinh hoạt, đời sống của người dân. Ranh giới bảo tồn là 164,02 ha, trong đó 14,6 ha thuộc phạm vi bảo tồn vùng 1 (thôn Mông Phụ).

Chính vì vậy, cấu trúc chung của làng cổ sẽ được giữ gìn nguyên trạng các liên kết giao thông, không phát triển quy mô đất ở, bảo tồn hình thái, địa hình đồng ruộng, cảnh quan làng, công trình quán, lăng mộ. Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng được bảo tồn tôn tạo từng bước với các mức độ ưu tiên khác nhau. Đồ án quy hoạch cũng tính đến việc bảo tồn không gian, kiến trúc cảnh quan; các giá trị về phương thức xây dựng truyền thống; các giá trị sinh thái và nhân văn làng xã; các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa đời sống khác.

Tuy vậy, vấn đề được người dân làng cổ Đường Lâm quan tâm nhất vẫn là việc bảo tồn nhà ở và việc xây dựng nhà ở, đặc biệt là vùng lõi Mông Phụ. Theo đồ án quy hoạch, tại Đường Lâm có 4 loại nhà. Nhà loại 1 là 10 ngôi nhà cổ có giá trị hoàn chỉnh cả nhà, nhà phụ, sân vườn đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố và những ngôi nhà có giá trị khác sẽ được bảo tồn nguyên gốc.

 Nhà loại 2 là những nhà có nhà chính là nhà cổ, các hạng mục nhà khác đã được xây mới sẽ bảo tồn nhà chính theo nguyên gốc, các hạng mục phụ trợ từng bước đưa về dạng nguyên gốc với mức tối đa. Nhà loại 3 là những nhà đã xây cao 2 – 3 tầng, quy định cải tạo lại hình thức kiến trúc bên ngoài, đưa về dạng kiến trúc nhà 1 – 2 tầng, mái ngói dốc, chiều cao từ sân tới đỉnh mái tối đa 7,5 mét. Nhà loại 4 là nhà hiện xây dựng 1 tầng không có công trình cổ, quy định vẫn giữ nguyên hiện trạng, khi xây dựng cải tạo quy định xây nhà 1 – 2 tầng, mái ngói dốc, chiều cao 1 tầng không quá 6 mét, 2 tầng không quá 7,5 mét. Khi xây mới công trình nhà ở không chỉ hạn chế về chiều cao mà còn quy định cả về khoảng lùi nhằm hạn chế tối đa tác động tới cảnh quan chung. Đặc biệt, với những nhà cải tạo xuống thấp tầng sẽ được hỗ trợ kinh phí và tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai sẽ được hỗ trợ chính sách giãn dân.

Ngoài đề xuất quy hoạch bảo tồn tôn tạo làng cổ Đường Lâm, đồ án cũng đề xuất quy hoạch xây dựng làng cổ và tổ chức các hoạt động du lịch phát huy các giá trị của làng cổ.

PGS, TS Phạm Hùng Cường, Chủ trì đồ án quy hoạch cho biết: “Đồ án xây dựng một cách công phu, khoa học, lấy ý kiến của các nhà quản lý, khoa học và từng bước tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến của người dân làng cổ. Thời gian qua, người dân chưa được tiếp cận với đồ án quy hoạch, do vậy chúng tôi sẽ tích cực giới thiệu, lấy ý kiến và khi người ta hiểu mới ủng hộ”.

Đáp ứng nguyện vọng của đa phần người dân


Thời gian qua, mấu chốt quan trọng nhất gây phát sinh mâu thuẫn tại làng cổ Đường Lâm chính là vấn đề xây dựng nhà ở. Quy hoạch làng cổ chậm, việc xin phép xây dựng vấp phải rào cản là Luật Di sản và Luật Xây dựng, đất giãn dân chưa có dẫn tới việc khi nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng cao, họ buộc phải vi phạm để cơi nới nhà ở. Khi được nghe thuyết trình về đồ án quy hoạch, mặc dù còn một vài kiến nghị để quy hoạch phù hợp với tình hình địa phương nhưng đa phần cán bộ và người dân làng cổ Đường Lâm đã đồng thuận với quy hoạch chung.

Ông Hà Huy Mão, Bí thư Chi bộ thôn Mông Phụ cho rằng: “Dân chúng tôi rất muốn giữ lại di sản nhưng kiến trúc xây dựng nhà ở phải hài hòa cho di sản và nhân dân, những gì cần bảo tồn thì bảo tồn còn cái khác thì có những quy định rộng rãi hơn. Viện bảo tồn di tích cũng cần xây dựng bảo tồn cụ thể cho các di tích và mở rộng ra các thôn khác”.

Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn Đoài Giáp có cái nhìn cởi mở: “Nhìn vào đồ án, tôi thấy bức tranh sáng lạn do giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của dân sinh, nhất là đề xuất cơ chế hỗ trợ cho dân trong việc cải tạo nhà ở, giãn dân sẽ phù hợp với nguyện vọng người dân”.

Mặc dù, đây mới là cuộc họp đầu tiên lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt trong làng cổ Đường Lâm và sẽ có nhiều cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư tiếp theo. Nhưng đánh giá chung, sau khi lắng nghe, nhiều người dân đã tỏ ra ủng hộ đồ án quy hoạch. Theo bà Hà Thị Bích và chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn Mông Phụ, nếu quy hoạch được triển khai đúng những vấn đề đã nêu, không chỉ họ mà nhiều người dân làng cổ Đường Lâm sẽ ủng hộ.


Đinh Thị Thuận
Giữ lấy hồn làng ở đất cổ Đường Lâm
Giữ lấy hồn làng ở đất cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây, là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao Bằng Di tích lịch sử Quốc gia. Đây là quê hương của nhiều danh nhân, trong đó nổi tiếng nhất là vua Ngô Quyền và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vì vậy Đường Lâm còn được gọi là "Đất hai vua".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN