Quản lý di sản thế giới cần chuyên nghiệp hóa - Bài cuối

Điểm nổi bật trong dự thảo nghị định về bảo vệ và quản lý bền vững di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam là quy định về quy chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới.

THỐNG NHẤT HÀNH LANG PHÁP LÝ

Trong thời gian sớm nhất, Việt Nam sẽ có Nghị định quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, danh thắng. Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL).

Không thể để di sản thế giới mãi “ở nhờ”, với những nỗ lực của các cơ quan chức năng; dự thảo lần 2 Nghị định “Quy định về bảo vệ và quản lý bền vững di sản thế giới tại Việt Nam” đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến đóng góp, để sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Nghị định này quy định về bảo vệ và quản lý bền vững di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Trường hợp Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của nghị định này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Xòe Thái đang được xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Điểm nổi bật trong dự thảo nghị định này là quy định về quy chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới. Trong đó quy định rõ về những hành vi bị nghiêm cấm; những quy định quản lý, bảo vệ vùng lõi và vùng đệm của di sản thế giới; quy định về khai thác, sử dụng, phát triển trong vùng lõi và vùng đệm của di sản thế giới; quy định về cơ chế phối hợp quản lý di sản thế giới trong phạm vi địa phương giữa đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo đó, phân cấp cụ thể và “lớp lang” về việc quản lý, bảo vệ di sản: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thành lập đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới do địa phương mình quản lý, hoặc phân cấp một số mặt hoạt động cho UBND quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc UBND cấp tỉnh. Bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới chịu trách nhiệm thành lập đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới do bộ, ngành mình quản lý. Những khu di sản thế giới thuộc địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên được thành lập đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới tại mỗi tỉnh, thành phố đó, trừ trường hợp di sản thế giới do bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới.

Với đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới; nhiệm vụ khá “nặng nề”, gồm nghiên cứu đề xuất tham mưu quy trình, quy phạm bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý bền vững di sản thế giới; ứng dụng khoa học công nghệ thích hợp vào việc tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và quản lý bền vững di sản thế giới; bảo tồn giá trị địa chất, địa mạo, giá trị thẩm mỹ; bảo tồn và phát triển hệ động, thực vật để duy trì giá trị đa dạng sinh học của di sản thế giới; bảo vệ, ngăn chặn các tác nhân gây nguy hại tới môi trường và nguồn nước.

Đơn vị này cũng phải chủ trì lập dự án, quản lý và tổ chức thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý bền vững di sản thế giới, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên tại di sản thế giới đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể, Kế hoạch quản lý di sản thế giới theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, trưng bày, giới thiệu về di sản thế giới; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu trữ tài liệu khoa học về bảo tồn và di sản văn hóa phi vật thể có liên quan phục vụ cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý bền vững di sản thế giới; bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, mẫu vật địa chất, động, thực vật tại di sản thế giới và trưng bày, triển lãm lưu động khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác gắn với di sản thế giới; phối hợp, liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương, địa phương và các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới khác, các doanh nghiệp và tổ chức chuyên môn trong nước và quốc tế tổ chức, thực hiện các chương trình, hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản thế giới.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong dự thảo Nghị định cũng đã quy định về việc: Định kỳ hằng năm, đơn vị trực tiếp quản lý di sản sẽ đánh giá hoạt động du lịch, sức chứa tại các điểm đến của di sản thế giới để đề xuất phương án giảm thiểu tác động từ du lịch đến những điểm vượt quá sức chứa, có nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

“Với những quy định chi tiết trong gần 20 trang của dự thảo Nghị định, với sự chung tay, chung trí tuệ của những người tâm huyết và gắn bó với di sản thế giới lâu nay, hy vọng Nghị định khi ra đời sẽ góp phần giúp việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản thế giới của Việt Nam chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”, đại diện Bộ VHTTDL cho biết.

Bà Katherine Muller, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam: Mặc dù các khu di sản đều có ban quản lý riêng, nhưng hoạt động của đơn vị này đang phải chịu ảnh hưởng, thậm chí đôi khi còn xung đột với rất nhiều cơ quan, ban ngành ở các cấp độ khác nhau. Đơn cử như UNESCO đã từng đề xuất rằng, BQL Vịnh Hạ Long nên có thẩm quyền và tự chủ cao hơn nữa so với hiện nay.


PV
Quản lý di sản thế giới cần chuyên nghiệp hóa - Bài 1
Quản lý di sản thế giới cần chuyên nghiệp hóa - Bài 1

Cần sớm có một hệ thống văn bản pháp quy phù hợp và chuyên biệt cho hệ thống di sản thế giới tại Việt Nam; đây là điều các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý địa phương mong mỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN