Phục hồi Trường quay Cổ Loa

Chuyện thiếu trường quay luôn được các nhà làm phim đưa ra bàn luận. Hầu hết các nhà làm phim, nhất là các đạo diễn phim lịch sử, cổ trang đều than khó vì thiếu bối cảnh, thiếu trường quay chuyên nghiệp khiến nhiều phim bị cắt gọt kịch bản. Vì lẽ đó, dự án phục hồi nâng cấp trường quay Cổ Loa đang được nhiều nhà làm phim kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các nhà làm phim sau này.


Khổ vì thiếu trường quay


Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn kể, để tìm bối cảnh cho bộ phim cổ trang “Long thành cầm giả ca”, ông và đoàn làm phim đã đi đường bộ từ Hội An qua Huế, ra Thanh Hóa, qua Ninh Bình, đến Hà Nội, lên Lạng Sơn... nhưng không tìm nổi một bối cảnh phù hợp cho phim. Quay góc nào cũng nhìn thấy cột điện, cuối cùng cũng chỉ chọn được một vài ngoại cảnh để quay ở Ninh Bình. Một số cảnh quay mượn địa điểm và không gian của Việt phủ Thành Chương, còn lại hầu hết các cảnh khác thì phải dựng bối cảnh, vừa vất vả vừa tốn kém.

 

Dự án trường quay Cổ Loa hy vọng sẽ giúp các đoàn làm phim cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh giá trị.


Tương tự, để quay phim phim "Huyền sử thiên đô”, "Thái sư Trần Thủ Độ”, các đoàn làm phim đã phải bỏ kinh phí để dựng bối cảnh "sử dụng một lần”, với cổng thành được làm bằng gỗ dán, xốp, rất tốn kém nhưng chỉ qua vài cơn mưa là hỏng, cổng vênh, cánh méo, chẳng còn đóng lại được. Cũng vì không có trường quay chuyên nghiệp, mà bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" có dự trù kinh phí ban đầu là 50 tỷ đồng, nhưng sau này, khi khảo giá thuê trường quay ở nước ngoài thì kinh phí lên tới 200 tỷ đồng, khiến bộ phim không thực hiện được…


Không có trường quay chuyên nghiệp đã khiến những nhà làm phim luôn rơi vào thế bị động. Bối cảnh phải đi mượn, đi nhờ nhà dân. Tìm được cảnh ưng ý thì vướng di tích, vướng cột điện, vướng nhà cao tầng… còn nếu bỏ tiền ra nước ngoài chọn bối cảnh thì nhiều người lo ngại vì không thuần Việt. Chính vì thế mà nhiều ý tưởng, nhiều kịch bản khi còn nằm trên giấy thì rất hay, nhưng thành phim thì cụt đầu, cụt đuôi.


Đạo diễn Hồng Sơn kể, khi làm loạt phim “Chạy án”, chỉ vì không có trường quay, trong khi kinh phí làm phim hạn hẹp, nên phòng làm việc của Hãng phim Truyền hình Việt Nam được trưng dụng thành… casino cho một số cảnh của “Chạy án”. Trong phim ông cũng phải cắt bớt những cảnh rượt đuổi và nổ súng trong kịch bản, vì đơn giản, không có khách sạn nào dám cho dựng cảnh đó.


Hy vọng mới


Có lẽ ít ai biết rằng, hơn 50 năm trước, điện ảnh Việt Nam đã có Trường quay Cổ Loa - trường quay đầu tiên, nơi cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như: "Chung một dòng sông”, "Chị Tư Hậu”, "Nghêu, sò, ốc, hến”... Trường quay Cổ Loa cũng đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, với ngành điện ảnh Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cho đến những năm 1980, cùng với những khó khăn, sự thăng trầm của đất nước, Trường quay Cổ Loa dần bị quên lãng và trở nên tan hoang, cỏ mọc um tùm.

 

Trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, từ nay đến năm 2020, sẽ xây ba trường quay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Việc xây trường quay sẽ do Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các UBND TP Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thực hiện. Đất xây dựng do ba thành phố này bố trí. Kinh phí huy động chủ yếu theo cơ chế xã hội hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư một số hạng mục ban đầu.

Năm 2008, Bộ VHTTDL đã quyết định phục hồi và nâng cấp Trường quay Cổ Loa, với nguồn kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, giai đoạn 1 của việc phục hồi, nâng cấp trường quay Cổ Loa đã hoàn thành. Một trường quay nội rộng 450m2 được phục hồi, tu sửa, với các trang bị hiện đại, cơ sở hạ tầng với các phòng hóa trang, phòng phục trang và phòng nghỉ ngơi cho diễn viên, chỗ ăn, nghỉ cho đoàn làm phim đã hoàn thành.


Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Trường quay Cổ Loa cho biết: Ngay khi giai đoạn 1 của trường quay đi vào hoạt động, Bộ VHTTDL đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2. Theo dự án, trong giai đoạn 2 này, Trường quay Cổ Loa sẽ được đầu tư để xây dựng một số bối cảnh bền vững, trong đó, cụm trường quay ngoại sẽ xây dựng khu phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, có khu không gian những làng quê Việt Nam, có kinh thành, có cả đại điện, đàn tế Nam Giao… những bối cảnh bền vững này được xây dựng không chỉ để phục vụ các đoàn làm phim, mà còn phục vụ cả du khách đến tham quan. Ông Hòa cho biết, hiện dự án đang chờ được phê duyệt, và ngay khi dự án được phê duyệt thì sang 2015 sẽ bắt tay vào triển khai.


“Hiện trường quay Cổ Loa đã được thành phố Hà Nội quan tâm cho mở rộng thêm 3,5 ha, tiếp giáp 3 mặt đường Đào Duy Tùng, đường đi quốc lộ 1 và đường 5 kéo dài… Nếu như việc đầu tư giai đoạn 2 của trường quay hoàn thành, thì chắc chắn việc thu hút các đoàn làm phim, Trường quay Cổ Loa còn là một điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan…”, ông Hòa tự tin nói.

 

Bài và ảnh: Phương Hà

Trường quay Cổ Loa chiếu phim tài liệu về biển đảo
Trường quay Cổ Loa chiếu phim tài liệu về biển đảo

Những thước phim tài liệu quý giá về biển đảo, do các đạo diễn tên tuổi của Việt Nam thực hiện, đã được chọn chiếu cho đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn huyện Đông Anh xem ngày 10/7, tại Trường quay Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN