Chưa hề có tiền lệ, lần đầu tiên Liên hoan phim (LHP) tổ chức ở Phú Yên (từ ngày 14 đến 17-12) nhưng tuần lễ phim miễn phí lại được chiếu ngay tại Hà Nội, cách đó cả ngàn cây số.
Khán giả chờ xem phim Tâm hồn mẹ. Ảnh: Internet |
Toàn bộ 17 phim truyện nhựa - thành phần quan trọng nhất dự LHP - được chiếu tại hai phòng chiếu của Trung tâm Chiếu phim quốc gia suốt một tuần, từ ngày 2 đến 8-12.
Tưởng rằng các phim VN “thấp bé nhẹ cân” khiêm tốn cả về quy mô sản xuất lẫn tần suất quảng bá sẽ chìm nghỉm trong hằng hà sa số phim bom tấn đang chiếu rầm rộ tại các rạp, nhưng thật phấn khởi cho nền điện ảnh yếu ớt của nước nhà: phim Việt vẫn có người xem, nhất là các phim mới ra lò, và phim được chăm chút hơn trong khâu quảng bá.
Mới và đôngBất ngờ lớn nhất thuộc về bộ phim Mùi cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười vừa hoàn thành trước đó không đầy một tuần lễ. Có thể vì được chọn chiếu đúng buổi khai mạc, cũng có thể vì sức sống của cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và sức hấp dẫn của kịch bản do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - người bạn thân của liệt sĩ - chấp bút, khán phòng 170 chỗ đã chật kín đến độ ban tổ chức phải kê thêm gần 60 ghế phụ.
Số liệu cập nhật của Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết: 224 khán giả đã có mặt đến phút chót trong buổi trình chiếu Mùi cỏ cháy. Số phận của bốn chàng sinh viên Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long, tình yêu của họ, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm trong Thành cổ Quảng Trị, giấc mơ hòa bình, những vần thơ lính mộc mạc trong trẻo...tất thảy những gì của 40 năm về trước hiện lên qua màn ảnh đều khiến những người xem của năm 2011 rưng rưng. Không thể nói đó là một bộ phim hoàn hảo: cảnh chiến trận chưa thật khốc liệt, phục trang còn mới, tình tiết trong phim nặng về cái chung, về tình đồng đội mà nhấn chưa đủ vào nội tâm từng cá nhân...
Không khó nhận thấy sự thiếu hụt về kinh phí và cập rập về thời gian thực hiện trong nhiều cảnh quay, nhiều lỗi dựng. Nhưng với những ai “xem phim bằng kỷ niệm”, nhất là với những người có chút liên hệ với giai đoạn lịch sử ấy, Mùi cỏ cháy thật sự gây xúc động.
Thu hút người xem đông thứ nhì là Tâm hồn mẹ của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Sự ưu ái của báo chí với một tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp cũng như với một nữ đạo diễn nổi tiếng vì làm phim nghiêm túc, cẩn thận, tâm huyết cũng đã khiến 184 khán giả ngồi lại từ đầu đến cuối buổi chiếu trong khán phòng 170 chỗ.
Vẫn cách kể truyện truyền thống của Nhuệ Giang: chậm rãi, tỉ mỉ, kỳ công, chăm chút từng khuôn hình, cuộc sống của người mẹ bán hoa quả ngoài chợ đầu mối gầm cầu (Hồng Ánh) và đứa con (Phùng Hoa Hoài Thu) được miêu tả với phong cách hiện thực nghiêm nhặt, thậm chí khốc liệt. Nhiều cảnh “trần trụi” nhưng hợp lý đã được đưa vào phim khá ngọt. Cũng có chút phân vân với tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, tâm hồn mẹ tiềm ẩn trong mỗi cô bé, và bất kỳ lúc nào có cơ hội là cái “tính mẹ” ấy bùng lên, bao trùm tình yêu lên những đối tượng “thiếu mẹ”. Chỉ với hai em bé, một trai, một gái, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn khiến người đọc nhận rõ một cách hiển hiện tình mẹ, còn đạo diễn phải thêm hẳn một nhân vật mẹ, và người tình của mẹ (Quốc Thái), nhưng hiệu quả không vì thế mà tăng lên...
Cũ và... hơi vắngMạnh - sinh viên ÐH Ngoại thương, đang rất chăm chú xem bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ hơi giật mình khi bị ghé tai hỏi: “Ðây là phim thứ mấy em xem trong số 17 phim?”. “Phim thứ hai ạ, phim thứ nhất là Long thành cầm giả ca”. “Bạn thích phim nào hơn?”. “Những bức thư từ Sơn Mỹ”. “Vì sao? Phim này rời rạc, không có “sao”, cốt truyện không hấp dẫn, sao bạn vẫn thích?”. “Biết thế, nhưng nó là phim hiện đại, nói về lịch sử hiện đại. Mình xem để biết thêm nhiều tư liệu, xem nó khác phim Mỹ làm về chiến tranh VN thế nào, chứ so với Hollywood thì so làm gì”. Ðúng là điện ảnh VN phải cảm ơn những khán giả vừa độ lượng vừa ham hiểu biết như vậy. Họ hầu hết là sinh viên. Nga, SV ÐH Ngoại ngữ Hà Nội, cho biết: “Tụi em lên mạng tìm website của Trung tâm Chiếu phim quốc gia thường xuyên và rất vui mừng vì biết có hẳn một tuần phim VN miễn phí. Với SV, cứ miễn phí là tốt rồi. Hơn nữa, hay dở chưa biết nhưng phim chiếu rạp, lại là phim VN, cảnh thật người thật vẫn thú vị hơn lên mạng load phim Hàn, phim Mỹ về xem trên máy tính”.
Trong khi đó, từ một góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Cường, phụ trách tuyên truyền của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, cho biết: “Hai phim mới nhất là hai phim đông khách nhất, các phim từng sôi động phòng vé như Cánh đồng bất tận hay gây tranh cãi trên báo chí như Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt cũng kín rạp”.
Những phim cũ và vắng khách là phim của các hãng nhà nước, không quảng bá và cũng không chiếu thương mại được tại các rạp lớn: Hoa đào, Nhìn ra biển cả, Những bức thư từ Sơn Mỹ...
Không có phát phiếu thăm dò ý kiến khán giả, lượng vé phát ra và lượng khách đến xem mỗi phim, cũng không ảnh hưởng đến kết quả bình chọn phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP VN lần 17. Nhưng cùng với Sài Gòn, Hà Nội vẫn là thị trường điện ảnh lớn nhất, vì vậy các nhà sản xuất và các nghệ sĩ hoàn toàn có thể “đo nhiệt” khán giả tại các phòng chiếu qua 17 phim chiếu. Có lẽ đó cũng là một động thái tích cực mà Bộ VH-TT&DL muốn nhắm đến, khi lần đầu tiên tổ chức tuần phim miễn phí chào mừng LHP như thế này.
Tưởng rằng các phim VN “thấp bé nhẹ cân” khiêm tốn cả về quy mô sản xuất lẫn tần suất quảng bá sẽ chìm nghỉm trong hằng hà sa số phim bom tấn đang chiếu rầm rộ tại các rạp, nhưng thật phấn khởi cho nền điện ảnh yếu ớt của nước nhà: phim Việt vẫn có người xem, nhất là các phim mới ra lò, và phim được chăm chút hơn trong khâu quảng bá.
Theo thethaovanhoa.vn