Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 68 năm nay chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt của các đề cử phim tiếng Anh do các đạo diễn nước ngoài thực hiện. Liệu đây có phải dấu hiệu rằng dòng phim Anh ngữ đang lấn át điện ảnh tiếng bản xứ?
Cảnh trong bộ phim Anh ngữ “Cổ tích về cổ tích” của đạo diễn Italy Matteo Garrone. |
Trong một thế giới điện ảnh ngày càng toàn cầu hóa, LHP Cannes ngày càng giống như một công viên quốc gia: một nơi trú ẩn cho dòng phim bản ngữ đang gặp nguy hiểm trước phim nói tiếng Anh, tăng cường chống lại các cuộc “cướp bóc” của Hollywood. Nhưng điều đó có lẽ chỉ là lý thuyết khi xem xét kỹ các tác phẩm tranh giải tại Cannes năm nay. Trong số 21 phim tranh cử tại Cannes, có hơn một nửa các bộ phim được thực hiện một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh.
Trong số đó, chỉ có 3 phim của các đạo diễn thuộc các nước Anh ngữ thực hiện: Gus van Sant và Todd Haynes từ Mỹ, và Justin Kurzel của Australia. Nhiều đạo diễn nước ngoài chọn quay phim ở Anh, Mỹ hoặc mời dàn viễn viên nổi danh của Hollywood cho phim của mình. Đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos, đạo diễn của “Dogtooth” và “Alps”, người luôn mang đến những điều mới lạ, phá cách xuất hiện tại Cannes lần thứ 68 với tác phẩm mới nhất – “The Lobster” (Tôm hùm). Phim thuộc thể loại lãng mạn giả tưởng và có nhiều yếu tố khác thường nhất trong các phim tranh giải Cành cọ Vàng năm nay. Chuyện phim kể về những người độc thân buộc phải tìm được bạn tình trong thời hạn nhất định, nếu không họ sẽ bị biến thành… thú vật. Điều đặc biệt là “The Lobster” được quay tại Dublin, Ireland bằng tiếng Anh với dàn diễn viên nổi tiếng gồm Colin Farrell, Rachel Weisz và John C Reilly.
Câu chuyện tương tự diễn ra với phim “The Tale of Tales” (Cổ tích về Cổ tích) dùng tiếng Anh của đạo diễn Italy Matteo Garrone. “The Tale of Tales” gồm 3 câu chuyện đậm chất cổ tích, nhiều chi tiết rùng rợn và kết thúc không có hậu. Tài tử người Mỹ John C Reilly tiếp tục được mời diễn xuất cùng Salma Hayek, Vincent Cassel và Toby Jones. Người đồng hương của Garrone là nhà làm phim Paolo Sorrentino cũng đã “từ bỏ” tiếng Italy trong tác phẩm tranh giải tại Cannes. Sorrentino từng giành Oscar 2014 cho hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 2014 với “The Great Beauty”, bộ phim khắc họa những vẻ đẹp tuyệt mỹ của thành Rome cổ đại. Tác phẩm mới nhất của Sorrentino, “Youth” (Tuổi trẻ), có một phần bối cảnh quay tại London với hai diễn viên chính là Michael Caine và Harvey Keitel đều nói tiếng Anh.
Chưa dừng lại ở đó. Nhà làm phim Joachim Trier của Na Uy, Michel Franco của Mexico, và thậm chí đạo diễn Guillaume Nicloux của Pháp cũng tham gia vào cuộc đua Cannes năm nay với các bộ phim nói tiếng Anh và ghi hình tại Mỹ.
Trả lời báo giới khi được hỏi về các đề cử trong năm nay, Giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux nói: “Mỗi năm chúng tôi từ chối một số lượng lớn phim thực hiện ở nước ngoài bằng tiếng Anh”. Tuy nhiên, hai phim Italy nói tiếng Anh vẫn được lựa chọn vì “Sorrentino và Garrone không làm vậy để làm hài lòng thị trường Anh-Bắc Mỹ. Họ có những câu chuyện để kể”.
Trước những lo ngại rằng phim Anh ngữ đang lấn át dòng phim bản ngữ, nhiều đạo diễn đã lên tiếng bảo vệ quyết định chuyển sang làm phim tiếng Anh, rằng họ hướng tới sự sáng tạo, những cơ hội lớn hơn cũng như những thị trường rộng lớn hơn.
6 năm sau khi giành giải ở hạng mục Un Certain Regard với phim truyền hình “Dogtooth” tại LHP Cannes năm 2009, đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos trở lại với phim tiếng Anh “The Lobster” và chất “kỳ quái” có vẻ chưa hề mất đi trong phim của ông. “Tôi không biết chuyện ồn ào này là thế nào. Trong thời đại này, con người sống và làm việc ở mọi nơi trên thế giới. Tôi cho rằng đó là một sự trùng hợp kỳ lạ và thú vị. Nhưng hơn hết, tôi nghĩ nó chẳng có nghĩa gì cả. Chắc chắn đối với tôi thì làm phim tiếng Anh dễ hơn, và tôi cũng có nhiều nguồn lực hơn để làm phim so với khi ở Hy Lạp”, đạo diễn Lanthimos lý giải về lựa chọn làm phim tiếng Anh của mình.
Trong khi đó, đạo diễn Garrone, người sử dụng tiếng Anh cho bộ phim “The Tale of Tales” của mình nói: “Lựa chọn của tôi không được tính trước. Thực tế là tôi quay phim ở Italy, mọi người (diễn viên) tới đất nước tôi giúp tôi cảm thấy mình có sợi dây liên kết chặt chẽ với cội nguồn và văn hóa của mình. Vì vậy tôi không cảm thấy có gì bất ổn khi chuyển ngữ từ Italy sang tiếng Anh”.
Giám đốc LHP Cannes Fremaux cho rằng tiếng Anh có chức năng như “quốc tế ngữ mới”: “Nếu bạn muốn tới thị trường Mỹ bạn cần làm phim bằng tiếng Anh, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những đạo diễn vĩ đại sẽ làm phim bằng ngôn ngữ bản xứ của họ. Tôi không chắc đó (phim tiếng Anh) có phải là xu hướng không. Hãy chờ xem”.
Hạnh Nhân