Phim chuyển thể từ trò chơi - kẻ thắng người thua

Những chú chim hài hước và đáng yêu trong "Angry Birds", tân binh vừa ra mắt đã lập tức soán ngôi đầu bảng xếp hạng của "Captain America: Civil War" (tạm dịch "Captain America: Nội chiến Siêu anh hùng") với doanh thu 39 triệu USD tại các rạp nước Mỹ cuối tuần qua.

Bộ phim là sản phẩm đánh dấu sự hợp tác giữa hãng phim Sony và Công ty Phát triển trò chơi đồ họa Rovio, cùng sự góp giọng của các diễn viên nổi tiếng như Jason Sudeikis và chàng lùn bom tấn Peter Dinklage. 

Theo như Sony, bộ phim hoạt hình về bộ tộc chim giận dữ đang ăn nên làm ra, với tổng doanh thu lên tới 151 triệu USD chỉ trong tuần đầu công chiếu. Tuy số tiền này so với các sản phẩm bom tấn còn tỏ ra khá khiêm tốn song đó cũng không phải là một kết quả tồi khi đặt lên bàn cân thương hiệu trò chơi một thời làm mưa làm gió năm 2009. Có thể đó là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường chuyển thể phim từ trò chơi (game) tại Hollywood vốn còn ế ẩm từ trước đến nay.

Lời nguyền ám ảnh Hollywood

Theo dõi danh sách phim được chuyển thể từ trò chơi do Hollywood sản xuất, từ Super Mario cho đến Street Fighter (tạm dịch “Chiến binh đường phố”), nhiều người sẽ nhận ra ông lớn này không có duyên trong việc cải biên đồ họa màn ảnh nhỏ trên điện thoại lên thành tác phẩm thành công trên màn ảnh rộng. Dường như cộng đồng chơi game và khán giả xem phim đều đồng tâm hiệp lực “tẩy chay” khi có bất kì ứng viên chuyển thể game chuẩn bị lên sàn.

Dù doanh thu cao song tác phẩm “Angry Birds” không được các nhà phê bình phim đánh giá cao.

Gerald Chan - biên tập viên của Cộng đồng lập trình máy tính Geek than thở: “Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi một trò chơi ưa thích của tôi bị biến thành tác phẩm phim là ‘Trời ơi, không, tin xấu rồi’. Đó là vì một bộ phim 90 phút không đủ thời gian để kể hết một câu chuyện, giống như những gì game có thể làm”.

Bên cạnh đó, ông Gerald lo ngại: “Có lẽ trò chơi điện tử và người chơi thuộc loại thị trường phân khúc (loại thị trường chỉ đáp ứng hướng tới một nhóm đối tượng), nên các nhà làm phim Hollywood cảm thấy không cần quá bám sát cốt truyện, họ phải biến tấu, để chúng dễ tiếp cận với lượng khán giả lớn hơn”. Một trong những ví dụ điển hình cho việc phim chiếu khác hoàn toàn so với nguyên tác game là Resident Evil. Fan hâm mộ của game này hẳn sẽ thấy bất bình khi phiên bản phim khác quá xa phiên bản trò chơi, phim chiếu cứ chiếu còn game ra cứ ra, chẳng có gì liên quan đến nhau.

Theo ông Gerald, cho đến hiện tại, duy nhất có bộ phim Assassin Creed, do diễn viên tài năng Michael Fassbender thủ vai chính sẽ chính thức ra mắt trên màn ảnh rộng rộng, vào ngày 21/12/2016 tới, có vẻ sẽ là phim chuyển thể sát với cốt truyện từ video game. “Họ trông như thể họ không làm quá mọi việc. Và bám sát các tình tiết trong game”.

Với sự thành công của “Angry Birds” và niềm mong đợi với “Assassin Creed”, liệu Hollywood có sắp thoát khỏi lời nguyền thất bại trong chuyển thể video game trong năm 2016? Điều quan trọng là các nhà làm phim phải nắm bắt được công thức vàng - làm cách nào không thể để mất “chất” nguyên tác trong quá trình chuyển tải lên màn ảnh rộng.

Ngành đẻ trứng vàng tại Trung Quốc

Trái ngược với Mỹ, tại Trung Quốc, loại phim chuyển thể từ game luôn được khán thính giả ưa chuộng trong suốt một thập kỷ qua. Mở màn ấn tượng với chủ đề tiên hiệp trong 2005, bộ phim “Tiên kiếm kỳ hiệp” - được lấy cảm hứng từ game tương tác “Legend of Sword and Fairy” - làm mưa làm gió tại các nước châu Á. Với những câu chuyện tình trong sáng ngây thơ, dàn diễn viên đẹp mắt cùng cốt truyện lấy nước mắt của người xem, bộ phim đánh dấu bước đầu thành công của mảng phim chuyển thể từ game. Ngay sau đó, các nhà sản xuất, đạo diễn thi nhau dựng tác phẩm điện ảnh từ game, cho ra đời một loạt sản phẩm như “Hiên viên kiếm”, “Cổ kiếm kì đàn”. Một trong những lợi ích mà phim chuyển thể từ game mang lại là việc những bộ phim này đóng vai trò bệ phóng thành công cho lứa diễn viên mới. Chỉ với một tác phẩm tiên hiệp duy nhất, những cái tên như Hồ Ca, Lưu Diệc Phi, Lý Dịch Phong… vụt chốc trở thành sao, nhận được sự quan tâm chú ý từ phía giới truyền thông cũng như khán giả.

Tuy nhiên điều duy nhất khiến khán giả xem phim chuyển thể từ game cảm thấy khó chịu là hình ảnh kỹ xảo “3 xu” mà các nhà làm phim ứng dụng. Đồ họa trong game có vẻ không cần chăm chút để cho giống thực tế nhưng một khi đã lên truyền hình, có thêm diễn viên thật đóng, cách tiếp nhận của khán giả cũng khó tính hơn. Nhiều người nhận xét chính đống kỹ xảo hổ lốn, làm ăn cẩu thả là nguyên nhân chính khiến họ mất hứng với bộ phim. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều tuyến nhân vật cùng những câu chuyện bên lề dài dòng do biên kịch tha hồ tưởng tượng từ một cốt truyện gốc đơn giản sẽ dễ khiến khản giả không đủ kiên nhẫn theo dõi trọn bộ.
Hồng Hạnh
“Phát sốt” với trào lưu phim chuyển thể
“Phát sốt” với trào lưu phim chuyển thể

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay phần lớn các ứng viên tranh giải Oscar đều là những bộ phim có kịch bản chuyển thể. Hiện trào lưu làm phim chuyển thể đang ngày một nở rộ trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN