“Phát sốt” với trào lưu phim chuyển thể

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay phần lớn các ứng viên tranh giải Oscar đều là những bộ phim có kịch bản chuyển thể. Hiện trào lưu làm phim chuyển thể đang ngày một nở rộ trên toàn cầu.

Ý kiến trái chiều

Thông thường khi một tác phẩm được dựng thành phim, luôn có một cuộc đấu ngầm giữa những người yêu thích sách (hay còn gọi là fan nguyên tác) và những người thích xem phim.

Một điều quan trọng mà người đọc sách nhất quyết phản đối việc chuyển thể đó chính là họ lo sợ đạo diễn biên kịch không nắm được tinh thần câu chuyện và lược bỏ đi nhiều chi tiết nhằm biến quyển sách dày hàng trăm trang chỉ gói gọn trong một bộ phim 2 tiếng. Họ giải thích, với lời văn của tác giả, người đọc sẽ dễ dàng cảm thụ sâu sắc với nhân vật trong truyện hơn so với trên phim. Bên cạnh đó, người hâm mộ lo lắng diễn viên được chọn vào vai nhiều khi không thể nào đạt được kì vọng, nghiễm nhiên sẽ phá nát hình tượng nhân vật hoàn mỹ vốn có trong lòng. Hầu hết các fan nguyên tác đều không muốn các nhân vật yêu quý bị mắc kẹt trong diễn xuất nhiều khi có phần “đơ, chưa tới” của diễn viên.

Diễn viên nhận vai trong các bộ phim ngôn tình chuyển thể của Trung Quốc luôn thu hút chú ý từ phía người hâm mộ.

Trái ngược với một số độc giả bảo thủ muốn giữ tinh thần của sách, nhiều người lại hào hứng khi thấy câu chuyện mình thích được dựng thành phim. Thay vì phải ngồi đọc sách và dùng trí tưởng tượng để hình dung câu chuyện thì bây giờ với công nghệ kỹ xảo làm phim hiện đại, người xem có thể tận hưởng chân thực nhất hình ảnh tưởng chừng chỉ có trong mơ nhờ hoạt cảnh phác họa theo mô tả chi tiết trong truyện.

Xu hướng chuyển thể

Trong kinh đô điện ảnh Hollywood, mảng Phim Tưởng tượng (Fantasy Film - bối cảnh siêu nhiên, không có thực) luôn là nguồn tài nguyên bất tận cho các nhà làm phim khai thác. Các nhà đạo diễn đều cho rằng chủ đề của những cuốn sách giả tưởng luôn thu hút người đọc đủ mọi lứa tuổi. Với một loạt phim chuyển thể từ các bộ truyện fantasy thành công như Harry Porter, Chúa tể của những chiếc nhẫn, Twillight, Đấu trường sinh tử…, không có lẽ gì các nhà đầu tư lại bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền và danh tiếng tức thì. Bên cạnh đó, xét về khía cạnh học thuật, cũng có rất nhiều bộ phim hay mang giá trị nhân văn sâu sắc có kịch bản chuyển thể như The Big Short dựa trên cuốn sách ăn khách The Big Short: Inside the Doomsday Machine miêu tả cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 tại Mỹ hay như Carol kể chuyện tình đồng tính éo le giữa hai người phụ nữ khác biệt về xuất thân, tính cách, trong cuốn tiểu thuyết The Price of Salt của Patricia Highsmith. Hai tác phẩm được đánh giá cao từ cả hội đồng nghệ thuật Oscar năm nay lẫn khán giả là Revenant hay The Danish girl cũng đều là tác phẩm chuyển thể từ những câu chuyện có thật.

Tuy nhiên, không phải bất cứ kịch bản chuyển thể từ một đầu sách ăn khách cũng đảm bảo về mặt thành công. Bộ phim 50 sắc thái - chuyển thể từ tác phẩm cùng tên bán chạy nhất nước Anh năm 2012, đã bị dư luận thẳng tay ném đá và thậm chí còn giành giải Mâm Xôi vàng cho kịch bản chuyển thể tệ nhất cùng nam nữ diễn viên chính đóng không thể “có hồn” hơn.

Tại thị trường châu Á, Trung Quốc luôn là quốc gia đi đầu với trào lưu chuyển thể. Bên cạnh kịch bản tiểu thuyết ngôn tình éo le tình tay ba tay tư cùng với vô vàn khó khăn, ngang trái, tranh đấu, khiến các cặp đôi chính phải “ngược tâm, ngược thân” chịu cảnh chia ly thấm đẫm nước mắt, thì dàn diễn viên “trai xinh gái đẹp” nhận vai để phù hợp với nhan sắc được miêu tả có phần thần tiên trong truyện cũng là một trong những yếu tố chính thu hút đông đảo khán giả ủng hộ.

Trong khi đó ở Hàn Quốc thì cơn sốt chuyển thể từ webtoon (truyện tranh dài tập đăng tải theo kì trên mạng) cũng nở rộ không kém. Không còn chuyện tình ung thư hay nàng lọ lem yêu được hoàng tử, với kịch bản xây dựng nhân vật gần gũi hơn, đề cập đến nhiều vấn đề xã hội như cuộc sống nặng nề của nhân viên văn phòng trong Mùi Đời hay cách cân bằng giữa tình yêu và việc học của sinh viên trong Cheese in the Trap, các serie webtoon ngày càng chiếm lĩnh trong kịch bản chuyển thể tại xứ sở kim chi.

Đối với Nhật Bản, không có gì ngạc nhiên khi các đạo diễn luôn nhăm nhe kho tài nguyên manga truyền thống. Với các bộ truyện tranh gắn bó hàng chục năm trong kí ức tuổi thơ nhiều người như Conan - thám tử lừng danh, hay One piece - Đảo cướp biển, Slam dunk…, do tình tiết trong truyện có phần hư cấu, cộng thêm các fan nguyên tác đều lo lắng là chất lượng của live-action sẽ không thể đảm bảo độ xuất sắc như trong manga, việc chuyển thể không hề dễ dàng và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người hâm mộ. Kể cả khi phim làm xong, nhiều bộ vẫn phải chịu những lời bình luận ác ý, thái độ soi xét không thể kỹ hơn từ một bộ phận khán giả khó tính.
Hồng Hạnh
Thâm nhập trường quay phim bom tấn "Kong: Skull Island"
Thâm nhập trường quay phim bom tấn "Kong: Skull Island"

Đoàn làm phim TiTan đến từ Hollywood, Hoa Kỳ ngày 24/2 đã chính thức bấm máy cảnh quay trong bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” tại phim trường ở thôn Yên Hợp, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN