Phát hiện nhiều di tích thời tiền sử ở Thái Nguyên

Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vừa tiến hành điều tra khảo cổ khu vực núi đá vôi tại các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên và đã phát hiện được 3 di tích của người tiền sử là di tích hang Thủng, hang Thần và hang Kim Sơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học cho biết, việc phát hiện và nghiên cứu 3 di chỉ nói trên góp phần quan trọng vào nhận thức văn hóa thời tiền sử trong khu vực. Các nhà khảo cổ đã thu thập rất nhiều mẫu vật để phân tích môi trường sinh thái cổ và niên đại tuyệt đối. Cả 3 di tích trên đều có thể tiến hành khai quật với quy mô lớn.

Việc phát hiện ra di chỉ hang Kim Sơn được coi là phát hiện quan trọng nhất trong đợt khảo sát. Địa điểm này rất gần di chỉ mái đá Ngườm, một di tích khảo cổ thời đá cũ nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á. Những hiện vật nằm trong các lớp địa tầng cho thấy một sự diễn biến văn hóa khá liên tục từ thời đại đá cũ đến giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí, với niên đại được đoán định từ hơn 20.000 năm đến khoảng gần 4.000 năm cách ngày nay. Với những nét đặc trưng của bộ công cụ lao động bằng đá ở đây, bước đầu các nhà khảo cổ đã xếp di chỉ hang Kim Sơn thuộc hệ thống văn hóa Ngườm.

Ở hang Thủng, kết quả khảo sát cho thấy, tầng văn hóa dầy khoảng 50cm chứa nhiều di vật như công cụ đá cùng nhiều mảnh gốm thô, mảnh xương răng động vật... Trong đó, đáng chú ý là những chiếc rìu mài nhẵn bên cạnh những công cụ cuội ghè đẽo thô sơ. Nổi bật hơn cả là một số mảnh gốm có hoa văn khắc vạch có dấu chấm dải xen kẽ ở giữa mang phong cách đồ gốm Phùng Nguyên. Sự có mặt của đá cuội nguyên liệu và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ.

Căn cứ vào kết cấu trầm tích và hiện vật trong địa tầng cho thấy có 2 lớp văn hóa kế tục nhau là lớp văn hóa trên có niên đại thời đại kim khí, lớp văn hóa dưới niên đại đoán định thuộc hậu kỳ đá mới. Hang Thủng là một di tích cư trú của cư dân thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí ở Thái Nguyên.

Hang Thần là di tích có một tầng văn hóa thuần nhất, dày khoảng 90 cm. Dấu tích của người nguyên thuỷ tìm thấy chủ yếu ở khu vực cửa hang, chứa nhiều di vật đồ đá và mảnh gốm vỡ, dấu tích bếp lửa với tầng tro than dầy, một số công cụ mũi nhọn được đẽo gọt từ mảnh xương ống của động vật. Đồ gốm được nặn bằng tay, độ nung thấp, trang trí bằng hoa văn thừng thô. Hang Thần là một di tích cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới, có niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay.


Minh Nguyệt

Cư dân tiền sử vùng núi Cao Bằng từng giao lưu với miền biển
Cư dân tiền sử vùng núi Cao Bằng từng giao lưu với miền biển

Trong đợt khai quật vừa qua tại hang Ngườm Vài (tỉnh Cao Bằng), các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đã phát hiện nhiều tài liệu có giá trị khoa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN