Lễ viếng và truy điệu sẽ diễn ra từ 10 - 11 giờ 30 ngày 11/4/2013 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.
Nhiều năm qua phải chung sống với căn bệnh viêm đại tràng. Gần đây lại phát hiện bị ung thư phổi. Cái dáng "hom hem" của diễn viên Văn Hiệp cũng xuất phát một phần vì bệnh tật ấy, nhưng bù lại, nó lại là lợi thế cho ông khi vào những vai cán bộ thôn, cán bộ xã... Mà điển hình nhất là vai ông Trưởng thôn trong các bộ phim truyền hình khiến cho từ đó, khán giả, bạn bè, người quen đã đổi tên cho ông thành "Ông Trưởng thôn".
Văn Hiệp đã lâu không xuất hiện trên truyền hình cũng như trên sàn diễn hài. Bệnh tật khiến ông "lùi lại" phía sau trong sự nghiệp diễn. Nhưng không vì thế mà khán giả quên ông, vẫn đó cái tên Văn Hiệp. Chả thế mà sáng 9/4, nghe tin ông mất, tất cả cộng đồng mạng cùng sững sờ và bày tỏ sự đau xót. Cả những người quen và những người chỉ quen ông với những vai diễn trên màn ảnh nhỏ của ông. Đó, có lẽ là điều lớn nhất trong tài sản của một người nghệ sĩ, khi từ giã cõi trần.
71 tuổi không phải là trẻ, nhưng dẫu sau với đôi mắt biết cười, giọng nói sang sảng rổn rảng, và cái dáng vẻ lúc nào cũng thoăn thoắt của ông; người ta vẫn nghĩ Văn Hiệp còn trẻ lắm. Thế nên, sự ra đi của ông vẫn là một bất ngờ, thảng thốt.
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942. Tâm sự với báo chí, nghệ sĩ từng cho biết, hồi học hết phổ thông (hệ 10 năm) nhân lúc trường nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh tuyển sinh, có người rủ rê và “nghe nói” vào trường này học bổng cao hơn các trường đại học khác, thế là Văn Hiệp vào thi. Và đỗ, nhưng là... đỗ vớt vì thiếu đứt 1 phân so với chiều cao tối thiểu 1m60 (ông cao 1m59). Và Văn Hiệp đùa, chiều cao khiêm tốn, cộng với một "khuôn mặt" cũng khiêm tốn đã khiến ông chỉ có thể có duyên với vai phụ.
Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng khóa với những tên tuổi như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam và công tác tại đây từ năm 1963 đến năm1990. Sau đó, chuyển công tác sang Cục Văn hóa Thông tin. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.
Được mệnh danh là “chuyên gia vai phụ”, Văn Hiệp gắn liền với những vai “phó thường dân”, những con người dân dã, đời thường, vai lão nông hiền lành, thật thà tốt bụng. May mắn thay, trong lịch sử sân khấu - điện ảnh có rất nhiều diễn viên trở thành ngôi sao sáng từ vai diễn phụ. Và Văn Hiệp thuộc những diễn viên như vậy.
Điều đặc biệt, các vai diễn của ông, dù là chính diện hay phản diện, đều có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem. Nhiều người còn nhớ như in cái vai một ông già ngồ ngộ nhà quê ra tỉnh trong phim “Đông Ky ra thành phố”. Đông Ky - tên nhân vật - gắn với người xem cái hình ảnh một gã cao kều có tên Đông ky sốt (phiên âm theo tiếng Pháp) hay Đônkihôtê (phiên âm theo tiếng Tây Ban Nha) tác phẩm cùng tên của đại văn hào Xecvăngtec. Đi kèm với Đông Ky cao kều, là anh chàng Xanchô Panxa lùn tịt. Văn Hiệp đã găm vào trí nhớ người xem ở nhân vật phụ này.
Nhưng gây ấn tượng nhất, vẫn là nhân vật Trưởng thôn. Đến mức khi chợt bắt gặp Văn Hiệp ở ngoài đường, hay bên quán cóc, nhiều người đã thốt lên: “Ông Trưởng thôn kia kìa!”.
Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Nổi tiếng với việc "mua vui" cho thiên hạ nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp có đời sống riêng bất hạnh. Hơn 20 năm qua, ông gần như một mình nuôi con khi vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức và không về. Hai vợ chồng danh hài sống ly thân nhưng không ly hôn. Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên trong tình trạng tài chính sống không mấy dư dả.
Người nghệ sĩ của những vai phụ đã qua đời. Vĩnh biệt ông, mà trong lòng chợt thấy nhoi nhói đau, bởi trong cáo phó của ông, vẫn sẽ chỉ để đơn độc ông là Nghệ sĩ. Mặc dù đã tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện… nhưng cho đến giờ Văn Hiệp chưa được xét NSƯT vì Hội đồng có ý kiến rằng ông diễn nghiệp dư. Qua 3 lần làm hồ sơ, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được phong NSƯT vì thiếu huy chương. Đôi khi, những vai diễn phụ cũng làm người ta thiệt thòi thế.
Nhưng trong lòng khán giả, Văn Hiệp chắc chắn là nghệ sĩ của nhân dân rồi. Đó, có lẽ là tấm "huy chương" cao quý nhất mà ông đã được nhận!
T.Anh