GS. NSND Trần Bảng sinh năm 1926 (Bính Dần) trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Ông nội là tuần phủ Trần Mỹ. Cha là nhà văn Trần Tiêu, đậu Thành chung, mở trường dạy học và là cộng tác viên đắc lực của Tự lực văn đoàn. Vốn yên vị với nghề dạy học ở quê nhà, không có ý định viết văn, nhưng chính sự khuyến khích của người anh ruột - nhà văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư) - tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng, như: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Tiêu Sơn tráng sĩ, Trống mái, Dọc đường gió bụi, Thoát ly… nên ở tuổi 36, nhà văn Trần Tiêu mới bước chân vào làng văn. Dẫu vào nghề văn muộn, nhưng cụ đã khẳng định sức viết của mình qua tiểu thuyết Con trâu, Chồng con, Làng Cầm đổi mới; Dưới ánh trăng (1936, viết chung với Khái Hưng). Cụ được đánh giá là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về con trâu "đầu cơ nghiệp", "người bạn" thân thiết của nhà nông.
"Kẻ sĩ Bắc Hà"
Trần Bảng lớn lên trong truyền thống gia đình có thiên hướng văn chương, nghệ thuật. Ông học chữ quốc ngữ bên cạnh chữ Hán, thấm nhuần, tiếp nhận giáo lý Nho gia, am tường nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức… đặc biệt thông thạo tiếng Pháp. Người học trò - TS Trần Đình Ngôn - nói về thầy hướng dẫn khoa học của mình với niềm kính trọng: "Ông tiếp nhận triết học Mác, đồng thời thấu hiểu tư tưởng triết học phương Đông. Xuất, xử, hành, tàng trong phương châm xử thế của các bậc thức giả cũng trở thành phương châm xử thế của giáo sư Trần Bảng - người luôn xây dựng, bảo vệ sự nghiệp chung và giữ gìn nhân cách một sĩ phu Bắc Hà".
Là một trí thức Tây học được đào tạo từ thời Pháp tài năng và uyên bác, GS. NSND Trần Bảng luôn giữ phong thái một "sĩ phu Bắc Hà" trọng nhân cách và tài năng. Ông đến với cách mạng, nhận thức được sứ mệnh của văn hóa "soi đường quốc dân đi". Rời vùng quê Vĩnh Bảo, người chiến sĩ văn nghệ Trần Bảng lên chiến khu Việt Bắc, bén duyên Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương từ đó…
Mang phẩm chất của "kẻ sĩ Bắc Hà", ông coi trọng nhân cách sống đẹp và truyền cách sống ấy cho con cháu. Có việc nhỏ là khi ông từ viện sắp về, hoặc đã về đến nhà, học trò của ông mới biết mà lục tục đến thăm.
Diễn ra vài lần như thế, cô học trò được ông quý yêu như con gái - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - đến thăm có ý trách thầy, thì ông cũng chỉ cười hiền, nói một cách hài hước: "Là chú ngại mọi người mất việc, hơn nữa ngại ánh mắt người vào thăm cứ có cảm giác như mình sắp… "đi" đến nơi"!
Đầu năm 2017, Chủ tịch nước ký trao tặng và truy tặng cho 10 tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt V, trong đó có học trò của ông - TS Trần Đình Ngôn. Không thấy tên mình trong danh sách trên, GS. NSND Trần Bảng chỉ cười hiền nói: "10 văn nghệ sĩ có cụm tác phẩm xuất sắc và đặc biệt xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc, vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn xứng đáng".
An nhiên, ông nói với con trai: "Ở đời, quan trọng nhất vẫn là việc mình đã từng cống hiến được cho nghề".
Cho đến ngày 19/4/2017, Chủ tịch nước ký quyết định tặng thêm 7 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, trong đó có tên NSND Trần Bảng cùng 6 tác giả khác (nhạc sĩ Thuận Yến, nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nghệ sĩ Lương Nghĩa Dũng, nghệ sĩ Tạ Quang Bạo, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao), ông cũng vẫn chỉ cười hiền hiền. Đôi mắt như biết cười của ông nhìn xa xăm xúc động như đang bồi hồi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc cách nay hơn 60 năm: "Chèo là viên ngọc quý. Phải gắng sức học, nhất là các nghệ nhân giỏi nghề để hiểu sâu, nắm vững và bảo tồn nghề chèo".
"Xuất, xử, hành, tàng trong phương châm xử thế của các bậc thức giả cũng trở thành phương châm xử thế của giáo sư Trần Bảng - người luôn xây dựng, bảo vệ sự nghiệp chung và giữ gìn nhân cách một sĩ phu Bắc Hà" - TS Trần Đình Ngôn.
"Ông trùm chèo"
Trần Bảng "Ông trùm chèo" là biệt danh do nhà thơ Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa đặt cho ông tại cuộc hội thảo về chèo tại Hải Phòng (năm 1972). Tên gọi đó thể hiện sự tin cậy, đánh giá đúng tài năng và công lao đóng góp của ông cho chèo. Bởi ông là thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo của dân tộc.
Chèo vốn là một thể loại sân khấu dân gian đặc sắc, sản phẩm của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ mà diễn viên của chiếu chèo "xê dịch" linh hoạt từ ngày đến đêm. Ban ngày, họ bận mải cày bừa, cấy hái làm ra hạt gạo trắng, dẻo thơm bát cơm trắng nuôi sống con người, thì tối về trên chiếu chèo, họ thoắt trở thành những nhân vật Thị Kính, Thị Mầu, Xúy Vân, Lưu Bình, Dương Lễ, Châu Long… trong những vở chèo cổ.
Là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, gắn với đời sống nhân dân ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa, nhưng nghệ thuật chèo đang dần bị mai một.
Năm 1951, Đảng ban hành nghị quyết đẩy mạnh khai thác lại văn hóa dân tộc. Nhờ đó, nghệ thuật chèo được khôi phục. Ngày 16/11/1951 tại bến Canh Nông (Tuyên Quang), Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương ra đời với những văn nghệ sĩ tên tuổi, như: Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Học Phi, Nguyễn Văn Thương, Thái Ly, Doãn Mẫn, Mai Khanh, Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Lê Yên, Lý Thương, Nguyễn Đình Tích, Thương Huyền, Hoàng Châu, Chu Minh, Minh Hiến, Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam…
Đoàn được chia làm 3 tổ: Kịch, Ca múa nhạc và Chèo. Đoàn thực hiện nghị quyết của Đảng rốt ráo, đặt ra quy định "cứng" bắt buộc là cứ đầu giờ sáng, cả 3 tổ phải tập trung học hát chèo. Người trực tiếp truyền dạy là các nghệ nhân trong đoàn.
Đầu tiên, Trần Bảng được biên chế vào tổ Kịch làm tổ phó giúp nhà thơ, đạo diễn Thế Lữ. Nhưng như đã được "lập trình", một bước ngoặt cuộc đời từ đó khi Trần Bảng sang tổ Chèo mà chính ông cũng không khỏi ngạc nhiên: "Tôi là thế hệ bị nhồi sọ văn hóa phương Tây, học trường Tây... vậy mà lại trở thành người của nghệ thuật thuần chất dân tộc như chèo, điều đó như duyên nghiệp".
Như "mưa dầm thấm đất", chàng trai trẻ vốn giỏi ngoại ngữ, đam mê văn học, sân khấu phương Tây bị thôi miên, hút hồn bởi cái đẹp từ làn điệu chèo cổ mang lại. Ông yêu loại hình chèo hồn nhiên, dân dã. Cũng vì yêu mà Trần Bảng không cảm thấy lạc lõng và ngộ ra rằng chính vốn kiến thức Tây học có được là bệ đỡ và nền móng quan trọng để người nghệ sĩ dấn thân với nghệ thuật chèo.
Năm 1952, Ban Tuyên huấn Trung ương giao Đoàn Văn công Trung ương chuẩn bị dàn dựng vở kịch Dân cày vùng lên (Nguyễn Huy Tưởng) do nhà thơ Thế Lữ đạo diễn. Trong khi tổ Kịch bận rộn tập vở ngày cũng như đêm cho kịp biểu diễn phục vụ đại biểu trong Hội nghị Trung ương sắp tới ở an toàn khu (ATK), thì tổ Chèo nhàn nhã, nghỉ ngơi. Không để thời gian trôi vô ích, với niềm đam mê chèo được tiếp nhận từ các nghệ nhân, Trần Bảng nung nấu nghĩ suy để có một vở diễn mới. Vở chèo Chị Trầm (về nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung) ra đời trong chính thời điểm "nghỉ ngơi" này. Đoàn mang 2 vở (1 kịch nói, 1 chèo) về ATK duyệt tiết mục phục vụ hội nghị và vở chèo Chị Trầm được chọn.
Vở chèo được biểu diễn phục vụ Hội nghị Trung ương tại ATK đêm giáp Tết 1953. Khán giả hàng ghế đầu có Bác Hồ và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt. Đạo diễn Trần Bảng được Bác Hồ mời cơm. Bữa cơm thân mật cùng Người ở chiến khu Việt Bắc khiến ông miên man niềm xúc động đến mãi sau này. Lời dặn dò ân tình của Người giúp nghệ sĩ Trần Bảng tự tin hơn trên con đường nghiên cứu, bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Năm đó, Trần Bảng 27 tuổi.
Tháng 10/1954, cùng Chính phủ, Đoàn Văn công Trung ương về Thủ đô. Đoàn chia ra nhiều lĩnh vực: âm nhạc, kịch, múa, chèo… Trần Bảng được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nghiên cứu chèo.
Là người làm nghệ thuật, ông yêu công việc chuyên môn và được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Chưa đầy 30 tuổi, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nghiên cứu, Trưởng đoàn Chèo Trung ương. Tin tưởng giao nhiệm vụ, nhưng cũng thấy được bao băn khoăn, lo lắng của ông, nhà văn Hoài Thanh đã khuyên và động viên: "Chèo là của quý của dân tộc. Cậu cứ làm đi. Tôi tin cậu sẽ mê nó và nó sẽ mang lại sự nghiệp cho cậu".
Được giao nhiệm vụ không ít khó khăn, vì bản thân chưa hiểu về chèo. Ông trăn trở, nghĩ suy, kiên trì tìm tòi, học hỏi từ các nghệ nhân. Ban Nghiên cứu Chèo đã thực hiện chương trình Khai thác và phục hồi truyền thống từ 1951 - 1963 với 4 đợt tại Hà Nội và Thái Bình. Không phụ công người giàu nhiệt huyết, đam mê, năm 1957 vở Quan Âm Thị Kính đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Khán giả là người thẩm định công minh nhất.
Không tự bằng lòng với mình, mỗi lần công diễn, ông lại cùng các nghệ nhân xem, rút kinh nghiệm, tìm ra hướng xử lý mới, nên vở chèo kinh điển này qua ba lần phục dựng vào các năm 1957, 1968 và 1985 đã đến trái tim người yêu chèo.
Năm 1966, Trần Bảng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu (sau là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn). Năm năm sau (1971), ông trở về Nhà hát Chèo Trung ương đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật (thay Hoàng Kiều nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu).
Bên cạnh vai trò đạo diễn, nhà soạn giả, NSND Trần Bảng còn là nhà nghiên cứu, lý luận chèo. Trải nghiệm trong nghề đã cho ông năng lực sáng tạo để tổng kết lại kinh nghiệm quý giá về chèo. Điều quan trọng, ông đã nghiên cứu để viết những cuốn sách về chèo, truyền cho thế hệ sau, như: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn Chèo, Chèo một hiện tượng Sân khấu dân tộc, Trần Bảng đạo diễn chèo.
Sáng tác chèo và khôi phục chèo cổ
Như chim trở về rừng, cá thả về sông biển, ông viết kịch bản chèo: Cô gái và anh đô vật (1976), Chuyện tình những năm 80 (1981). Vở chèo đầu tiên ông đạo diễn là Lọ nước thần (1972). Đây là vở diễn được dựng lại đến lần thứ 3 cùng các nghệ sĩ: Trần Vượng (tác giả), Hàn Thế Du (chỉnh lý), Ngọc Chung (âm nhạc), Nguyễn Đình Hàm (mỹ thuật). Nhờ được "nhuận sắc" đầy sáng tạo, chất lượng vở diễn tốt hơn và điều đặc biệt được công chúng đón nhận, đánh giá cao.
Sau Lọ nước thần, ông tiếp tục viết, đạo diễn vở chèo Tình rừng (âm nhạc - Bùi Đức Hạnh, mỹ thuật - Nguyễn Đình Hàm, 1972) công chiếu 9/1973; Sông Trà Khúc (tác giả - Tào Mạt, âm nhạc - Trần Vinh, trang trí, phục trang - Dân Quốc, năm 1974)…
Ngoài sáng tác, dàn dựng, đạo diễn các vở diễn mới, Trần Bảng chú trọng khâu phục hồi các vở chèo cổ. Ngay sau khi Đoàn Chèo Trung ương thành lập, với tư cách là người chỉ đạo nghệ thuật, việc đầu tiên cần làm ngay là khôi phục ba vở chèo cổ tiêu biểu: Quan Âm Thị Kính, Xúy Vân (Kim Nham), Lưu Bình - Dương Lễ. 3 vở chèo trên là kết quả lựa chọn, phục hồi giai đoạn 1 từ hơn trăm kịch bản chèo cổ đã được sưu tầm. Năm 2017, ngoài niềm vui nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt V), ông vô cùng xúc động khi vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính được chọn giới thiệu trong chương trình hòa nhạc hòa giải thế giới.
Cặp nghệ sĩ Trần Bảng - Trần Thị Xuân
Người ta vẫn thường nói "Đằng sau người đàn ông thành đạt có bóng dáng người phụ nữ". Câu nói đó thật đúng với gia đình NSND Trần Bảng. Người bạn đời của ông là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân đã đi bên cạnh chồng toan lo, vun thu vén khéo mọi công việc gia đình để chồng dành thời gian, tâm sức cho nghệ thuật Chèo. Bà giã từ ông đi trước vào ngày 19/9 năm Bính Thân, hưởng thọ 83 tuổi để ông lặm lụi thương hiền thê tận tụy, hy sinh tất cả vì chồng con. Bà là một trong những nghệ sĩ chèo đầu tiên của Việt Nam trưởng thành từ Đoàn văn công Tiền phương thành lập phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, bà trở thành diễn viên xuất sắc của Nhà hát Chèo Việt Nam; một giảng viên tận tụy của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với nhiều vai mẫu nổi tiếng, như: Thị Kính trong vở Quan Âm thị Kính, nàng Ba trong Lọ nước thần, mụ Quán trong Xúy Vân, Ngát trong vở Máu chúng ta đã chảy…
Cặp nghệ sĩ Trần Bảng - Trần Thị Xuân sinh ra là để gặp nhau và cho nhau: "Tình yêu trăm tuổi/ Ngàn đời vẫn xanh". Con gái Trần Thị Mây đã trở thành kiến trúc sư, nhưng vẫn tiếp tục theo học ngành Mỹ thuật ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và đầu quân cho Hãng Phim truyện Việt Nam.
Người con trai thứ hai là NSƯT Trần Lực sớm thành danh ở lĩnh vực điện ảnh, nhưng muộn mằn với sân khấu. Ông rất vui, hào hởi khi con trai đã nối nghiệp sân khấu từ cha mẹ, nhất là con trai ông đã khai thác triệt để sân khấu ước lệ chèo để xây dựng sân khấu hiện đại thành công với vở Quẫn, Cơn ghen của lọ lem...