Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trò chuyện với 2 thầy trò nghệ sĩ “Vua chèo đất Bắc” TS. Trần Đình Ngôn (nhà nghiên cứu, nhà viết chèo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2017) và TS. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam) để cùng cảm nhận niềm vui của những người luôn đau đáu với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

 

Điều đặc biệt gì từ nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng để chinh phục UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thưa hai nghệ sĩ?

TS Trần Đình Ngôn: Chèo là một hình thức sân khấu dân gian của Việt Nam đã tồn tại lâu đời. Chèo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam trong phương pháp nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật biểu diễn và hệ thống các làn điệu hát chèo, tạo nên sự độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao.

 

NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan: Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu thuần Việt nhất. Phần ca hát của nhạc chèo hội tụ tất cả những dòng dân ca châu thổ sông Hồng. Chính vì vậy, có thể coi nghệ thuật chèo mang đặc trưng riêng, mang dấu ấn của người Việt và mang toàn bộ linh hồn văn hóa của người Việt.

 

Chèo khuôn mẫu trong làn điệu nhưng phóng khoáng, tự do trong câu chữ, điển hình như nhân vật hề chèo, trên thế giới có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian có được sự tự do, phóng khoáng, dân dã như vậy không, thưa nghệ sĩ?

TS Trần Đình Ngôn: Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu về sân khấu dân gian và diễn xướng dân gian của nhiều nước trên thế giới nhưng tôi hiểu: Tự do, phóng khoáng là một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật dân gian của mọi dân tộc. Tôi tin rằng trên thế giới, không có nhân vật sân khấu nào giống như hề chèo của Việt Nam, bởi hề chèo thể hiện cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người nông dân đồng bằng sông Hồng với việc sử dụng ngôn từ mang những đặc điểm riêng và độc đáo của tiếng Việt.

 

Để nhận được sự vinh danh là di sản văn hóa thế giới của UNESCO, hẳn nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng phải có đóng góp nổi bật vào nền văn hóa thế giới, cho đời sống tinh thần của nhân loại? Theo nghệ sĩ, những đóng góp này là gì?

NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan: Chèo là nghệ thuật truyền thống hoàn toàn Việt Nam, đại diện cho người Việt. Thế hệ cha ông để lại cho chúng ta kho tàng nghệ thuật với 5 dạng nhân vật là hề, lão, mụ, nam, nữ. Họ là những hình ảnh chân thực mang tính điển hình hóa cho người nông dân Việt Nam trong lao động. Các nhân vật không thụ động mà mang tính đấu tranh rất cao, qua đó truyền tải được ý thức hệ người Việt, điển hình nhất là nhân vật hề chèo.

Về hình thức diễn xướng, chèo sử dụng hình thức hát múa. Về hệ thống làn điệu, kho tàng đồ sộ chèo cổ có tới hàng trăm làn điệu. Đó là chưa kể có rất nhiều làn điệu ở các chiếu chèo địa phương chưa thể thống kê hết. Tính nhạc, tính thơ trong chèo sẽ đóng góp dáng vẻ riêng cho nghệ thuật truyền thống nhân loại.

Clip TS. NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam) chia sẻ về nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng:

 

Từ trải nghiệm với ngành, các nghệ sĩ thấy sức sống của chèo hiện nay như thế nào?

TS Trần Đình Ngôn: Quá trình mở cửa, hội nhập với thế giới, sự tiếp biến văn hóa đã có ảnh hưởng, tác động đến thị hiếu của công chúng khán giả. Chèo đang gặp phải những khó khăn thách thức đối với sự tồn tại và phát triển trong đời sống văn hóa hiện nay. Nhưng ở vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, cái nôi của chèo xưa, chèo vẫn được những người nông dân yêu thích và cổ vũ, thể hiện bằng sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả trong các đêm diễn của các nhà hát chèo, đoàn chèo chuyên nghiệp và các đội chèo không chuyên.

 

NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan: Có thể nhìn thấy sức sống của chèo từ chính Thái Bình - nơi được lựa chọn chủ trì công tác lập hồ sơ di sản cho nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng. Thái Bình là một trong những cái nôi của chèo và giờ đang là một trong bốn chiếng chèo lớn trong cả nước có
đủ tiềm năng kinh tế, con người để cùng với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam hoàn thiện bộ hồ sơ theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thái Bình có làng Khuốc (Phong Châu, Đông Hưng), nổi tiếng cả nước là một làng giữ chèo. Thái Bình có hàng trăm câu lạc bộ chèo của các làng xã. Và điều quan trọng nhất là một lứa nghệ sĩ nhí đông đảo đang góp sức cùng các thế hệ đi trước giữ gìn vốn chèo cổ. Đây sẽ là cơ sở để cộng đồng quốc tế có thể trải nghiệm, đánh giá, so sánh khi tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật chèo. Thế hệ kế cận sẽ giúp tinh hoa của nghệ thuật chèo được giữ mãi.

 

Việc UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển nghệ thuật chèo trong tương lai?

TS Trần Đình Ngôn: Nếu được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thế giới, chèo sẽ được khẳng định thêm về những giá trị cao quý và độc đáo mang đậm đà bản sắc dân tộc. Sự công nhận của UNESCO sẽ củng cố thêm niềm tin vững chắc của những người làm chèo và công chúng yêu chèo về sự tồn tại, phát triển của chèo trong tương lai.

Chèo sẽ có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa khi Việt Nam thực sự có một nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

 

NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan: Nền văn hóa thế giới rất rộng. Với những đặc trưng riêng của một nghệ thuật thuần Việt, chèo khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ góp phần làm đa dạng màu sắc bức tranh các thể loại nghệ thuật thế giới. Từ nghệ thuật chèo, con người, đất nước, văn hóa của Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Hồng sẽ được giới thiệu ra toàn thế giới.

Trong tương lai, trách nhiệm của thế hệ sau là bảo tồn nguyên trạng chèo cổ trong không gian diễn xướng; phát huy làm sáng lên nghệ thuật chèo và phát triển đúng hướng để có thể bỏ bớt những gì là lạc hậu, nhưng vẫn phải tuân theo lề lối của chèo để không làm biến dạng nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại.

Xin trân trọng cảm ơn các nghệ sĩ!

Bài, clip: Lê Sơn (thực hiện)
Ảnh: Lê Sơn, TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

05/02/2022 02:00