Câu chuyện về sự khởi sinh sự sống trên Trái Đất, sự tiến hóa của con người hay sự đa dạng của thế giới tự nhiên được thể hiện đầy sinh động và hấp dẫn khiến bất kể ai đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) đều phải thích thú, vừa chơi, vừa thu về cả kho tàng kiến thức tự nhiên.Hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử tiến hóa loài người cho các em học sinh. Ảnh: BTTN |
Đem đến tri thức khoa học“Mới học lớp 1 nhưng cháu luôn có những thắc mắc như: Bố mẹ, ông bà và con được sinh ra từ đâu? Con Mic nhà mình tự nhiên mà có hả mẹ? Ông bà thường lấy những câu chuyện cổ tích ra kể, trả lời những câu hỏi của cháu. Nhưng tôi muốn cháu hiểu về tự nhiên một cách khoa học nên cho cháu đến để xem, đây là lần thứ 2 rồi.
Sau lần đầu đi về, cháu không còn thắc mắc nữa, mà còn đi “giảng” lại cho ông bà nghe”, chị Ngọc Mai (Cầu Giấy) kể. Ngay bên cạnh mẹ con chị Mai, vài đoàn học sinh, sinh viên đang chăm chú lắng nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về cây sinh giới, sự hình thành sự sống trên trái đất... Không khí học tập - vui chơi đầy háo hức đó là thường ngày, diễn ra tại phòng trưng bày tiến hóa sinh giới thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
“Với rất nhiều mô hình như cây sinh giới, các loài động vật, thực vật... và cả mô hình tiến hóa của loài người, cùng hệ thống phim 3D về vũ trụ, khủng long... các em được tận mắt chứng kiến, thậm chí sờ vào mẫu vật nên rất thích thú, hiệu quả học tập cũng cao hơn vì bình thường các em chỉ được học qua sách vở”, một hướng dẫn viên tại bảo tàng cho biết.
TS Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên cho biết, phòng tiến hóa sinh giới khai trương vào giữa tháng 5/2014, đến hết năm 2014, đã đón nhận khoảng 30.000 lượt khách tham quan. “Hiện nay, bảo tàng mở cửa miễn phí cho toàn bộ khách tham quan, chúng tôi dành ngày thứ 3 - 4 trong tuần để đón các nhà nghiên cứu, tập thể và cá nhân, các đoàn học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu sâu, còn từ thứ 5 đến chủ nhật đón khách tham quan. Theo thống kê thì khách đến chủ yếu là các em học sinh, sinh viên, vừa vui chơi vừa học tập”, TS Liên cho biết.
Quảng bá giá trị Việt NamHiện nay, Bảo tàng Thiên nhiên nằm trong khuôn viên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích nhỏ, nên nhiều khách tham quan chưa biết đến. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thành một bảo tàng thiên nhiên quốc gia đầu hệ, phục vụ nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên. Đồng thời lưu giữ các giá trị, trưng bày, bảo tồn lịch sử tự nhiên, giá trị thiên nhiên của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nâng cao tự hào về thiên nhiên đất nước và quảng bá các giá trị thiên nhiên Việt Nam.
Theo dự kiến, Bảo tàng sẽ được xây dựng tại Khu đô thị sinh thái Quốc Oai (Quốc Oai, Hà Nội); hoặc Khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) với diện tích khoảng 30 ha, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác.
“Bảo tàng sẽ được chia làm nhiều khu chức năng khác nhau, gồm khu trưng bày trong nhà, khu dành cho bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, khu trưng bày bên ngoài như rừng nhiệt đới, sinh vật biển, hang động, núi đá, công viên đá, khu vườn địa chất... khu trưng bày ngoài trời với các loài thực vật, động vật, côn trùng bằng xương bằng thịt, để khi vào bảo tàng, du khách sẽ tận mắt thấy sự đa dạng của thiên nhiên đất nước Việt Nam”, TS Vũ Văn Liên cho biết.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2015 - 2020, chuẩn bị mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật... Giai đoạn II từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, sưu tầm mẫu vật, bổ sung hoàn thiện kịch bản trưng bày và trưng bày triển lãm, đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay Bảo tàng đã có trên 40.000 mẫu vật (mẫu vật trưng bày tại Phòng trưng bày của Bảo tàng gần 2.000 mẫu), ngoài ra còn rất nhiều mẫu hiện đang lưu giữ tại các Viện khác trong Viện Hàn Lâm, đồng thời Bảo tàng cũng sẽ tiếp nhận mẫu vật từ các nước như Nga, Pháp, Anh... và từ các tổ chức và cá nhân hiến tặng. Đến khi cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cơ bản hoàn thành, Bảo tàng sẽ mở cửa trưng bày đón khách đến tham quan.
“Bảo tàng Thiên nhiên ngoài việc lưu trữ mẫu vật thì hướng tới phục vụ công chúng, tạo môi trường học tập và nghiên cứu cho học sinh, sinh viên, các nhà khoa học... Ở nhiều nước, họ có hệ thống bảo tàng rất phong phú, mỗi năm học sinh, sinh viên đến học tại bảo tàng rất nhiều lần, thậm chí còn ăn ngủ tại đó. Con người cần tìm hiểu về thiên nhiên, hiểu biết về thiên nhiên, về vai trò và tầm quan trọng của thiên nhiên, để từ đó có trách nhiệm và cùng chung tay góp sức bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của con người và của muôn loài”, TS Vũ Văn Liên khẳng định.
Thu Trang