Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và những bài học còn mãi

Những ngày này, nhiều người đã biết đến và cũng tò mò muốn tìm hiểu xem bảo tàng cá nhân mang tên Nguyễn Văn Huyên trưng bày những gì? Và không hề lãng phí công sức của những ai “lặn lội” về tận làng Lai Xá, Hoài Đức (Hà Nội) để tham quan bảo tàng này, bởi tới đây, họ có thể thu nhận được nhiều hơn là chỉ xem những hiện vật được trưng bày...

Câu chuyện về một gia đình

Nói đến bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến những cuốn tài liệu nghiên cứu có giá trị, những hiện vật gắn với sự nghiệp vẻ vang của một vị Bộ trưởng giáo dục tại vị 29 năm (từ năm 1946 đến 1975) với nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, đến tham quan bảo tàng, người xem lại cảm nhận được không khí gần gũi khi những thành tích của vị Bộ trưởng đáng kính lại được kể một cách “mềm mại” bằng những câu chuyện gắn với một gia đình hạnh phúc.

Theo chân PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc bảo tàng, cũng là con trai út của cố GS. Nguyễn Văn Huyên, trong tiếng nhạc du dương của những ca khúc nổi tiếng thời Pháp, tôi được dẫn đi tham quan và được nghe những câu chuyện thú vị về cuộc đời vị Bộ trưởng đáng kính. Ngôi nhà 5 tầng trong mảnh đất rộng 250 m2 là nơi được sử dụng để trưng bày hơn 400 hiện vật là những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của GS. Nguyễn Văn Huyên.

Khách đến tham quan bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.


Đó là các ghi chép khi ông làm luận án ở Paris, các công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp), thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến tranh chống Mỹ... Cùng với các kỷ vật của ông Huyên là những kỷ vật của bà Vi Kim Ngọc, vợ GS Huyên: Đó là những dòng nhật ký bà viết về chồng, về các con, các cháu, về công việc khi bà công tác ở Đại học Y Hà Nội, thậm chí cả những bức thư của chồng và sổ chi tiêu hàng ngày...

Qua những hiện vật ấy cùng những bức ảnh về gia đình ông bà Huyên - Ngọc qua các thời kỳ, nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được tái hiện bằng những trích dẫn thư, nhật ký đôi khi có thể làm người xem phải rưng rưng xúc động...

Với cách bố trí, trưng bày sáng tạo theo tuyến thời gian để khách tiện hình dung và theo dõi, dọc theo trục cầu thang là 36 sự kiện xã hội - chính trị trong nước và thế giới gắn liền với suốt một đời công tác của cố GS. Nguyễn Văn Huyên. Đặc biệt là những sự kiện từ khi ông Huyên về nước, từ chối làm quan để ra dạy học và cuộc hôn nhân tự do “vượt khỏi lễ giáo phong kiến” của ông với tiểu thư Vi Kim Ngọc nổi tiếng xinh đẹp, giỏi giang, con gái Tổng đốc Thái Bình, Vi Văn Định; đến những năm 1945, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ông đã bỏ hết tất cả để “hòa mình” vào cuộc chiến của dân tộc, khi ông mang theo vợ con cùng với cả một thế hệ tri thức yêu nước đi kháng chiến... .

“Chính những câu chuyện có thật, những chi tiết trích dẫn lại khiến cho khách tham quan cảm thấy xúc động vì họ như nhìn thấy cuộc sống của ông bà, bố mẹ mình, hay của chính mình ở đâu đó trong mỗi giai đoạn lịch sử. Và những chi tiết ấy mới là những chi tiết “đắt” nhất tạo nên sự hấp dẫn của bảo tàng”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy tâm sự.

Và những bài học quý


Đang ngồi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bỗng có một cậu bé đi đến cùng mẹ, bấm chuông và reo lên vui sướng: “Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đây rồi! Cho cháu vào xem có được không ạ?” Vừa mở cửa cho hai vị khách, PGS.TS Nguyễn Văn Huy vừa niềm nở: “Dù chỉ mở cửa vào 2 ngày cuối tuần, nhưng ngoài những đoàn khách đông, bảo tàng luôn được đón tiếp những vị khách nhiệt tình như thế này, đó cũng chính là một phần thành công ban đầu của bảo tàng”.

“Có một lần tiếp một đoàn giáo viên đến tham quan bảo tàng, tôi có hỏi mục đích đến tham quan bảo tàng của họ là gì, thì bất ngờ vì họ trả lời rằng họ đến vì “muốn tìm lời giải cho nền giáo dục”.

Mừng nhất là từ những bản viết tay của các bài giảng, những ghi chép, đến những công trình mà GS Nguyễn Văn Huyên đã gìn giữ suốt trong bấy nhiêu năm, giờ đây nó vẫn còn rất giá trị trong cuộc sống hiện đại. Nhưng có lẽ, giá trị lớn nhất là giá trị về mặt lưu trữ tài liệu, điều này giáo dục cho giới trẻ thấy được tại sao phải lưu giữ và trân trọng các tài liệu, sách vở. Bởi đó còn là những di sản, tài sản lớn của cuộc đời mỗi người”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy tâm sự.

Hơn tất cả, mong mỏi lớn nhất của gia đình cố GS. Nguyễn Văn Huyên là muốn thành lập bảo tàng mang tên ông để không chỉ có nơi trưng bày, bảo quản, lưu giữ những thành tựu về sự nghiệp của ông mà qua những sự kiện trong cuộc đời ông và gia đình ông, người đến xem có thể học được nhiều điều ở đó.

“Sự hi sinh của người mẹ khi từ bỏ mọi thứ xa hoa để theo chồng đi kháng chiến, rồi những tình cảm mà bà ấp ủ, chắt chiu lại dành cho con trong những dòng nhật ký... Điều đó sẽ giúp cho nhiều người, nhất là giới trẻ học hỏi được cả những cách ứng xử trong gia đình, vì tất cả những gì trưng bày ở bảo tàng đều là những bài học về giáo dục nhân cách”, bà Nguyễn Kim Bích Hà, con gái cố GS Nguyễn Văn Huyên chia sẻ.


Bài và ảnh: Tạ Nguyên
Thành lập bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại Hà Nội
Thành lập bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập bảo tàng ngoài công lập mang tên “Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên”, tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN