Khát khao được diễn
Bén duyên với nghề ảo thuật đã tròn 20 năm, anh Nguyễn Duy (quê An Giang) là một trường hợp khá đặc biệt, bởi anh là nghệ sĩ ảo thuật khuyết tật. Yêu bộ môn nghệ thuật này từ lúc còn nhỏ, khi lớn lên, Nguyễn Duy vẫn theo đuổi con đường này bằng cách tự tìm hiểu và học hỏi từ những ảo thuật gia đi trước. Bắt đầu bằng những màn ảo thuật nho nhỏ, đến những màn biểu diễn biến hóa chim bồ câu, giấu bài... Đến nay, “gia tài” Duy là hàng chục tiết mục lớn, nhỏ, được Duy trình diễn rất thuần thục và khéo léo. Hằng ngày, trên chiếc xe máy 3 bánh tự chế, Nguyễn Duy đến Công viên Đại Thế giới (quận 5), các khu vui chơi giải trí, quán ăn đường phố ở TP Hồ Chí Minh để biểu diễn ảo thuật.
Nguyễn Duy chia sẻ: Biểu diễn ảo thuật trên sân khấu, cần có ngoại hình, gương mặt cuốn hút khán giả. Riêng với bản thân Duy, bị khuyết tật ở chân, nên không thể “ăn hình” trên sân khấu nhưng vì yêu thích bộ môn này, Duy đã quyết tâm luyện tập để trình diễn thật tự tin trước khán giả. Qua thời gian, khiếm khuyết cơ thể đã trở thành... ưu điểm, khiến khán giả yêu thích hơn mỗi lần Duy bước ra sân khấu.
Cần đào tạo bài bản trong lĩnh vực ảo thuật. |
Tại TP Hồ Chí Minh, có nhiều bạn trẻ bằng tài năng đã kiếm sống bằng chính nghề biểu diễn ảo thuật, đó là ảo thuật gia Trần Nam, Hoàng Đông, Sa Khang, Hoài Thương... Đây là những người đã từng bước khẳng định được tên tuổi trong làng ảo thuật của thành phố. Hoài Thương (26 tuổi, quê Bến Tre) khá may mắn khi đến với nghề. Mới chỉ bước vào nghề hơn 4 năm, nhưng Hoài Thương đã sớm chứng tỏ bản lĩnh sân khấu, tài năng ảo thuật của mình, hàng tháng Thương nhận từ 20 - 30 suất diễn, thậm chí mùa cao điểm như Trung thu, lễ hội, Thương nhận đến 40 suất diễn.
Hoài Thương cho biết: Từ nhỏ khi xem các tiết mục biểu diễn ảo thuật, hầu hết các tiết mục Thương đã có thể hiểu về các thủ thuật được sử dụng trong biểu diễn. Tham gia biểu diễn nhiều và là thành viên của Hội ảo thuật quốc tế IMS, là một nghệ sĩ ảo thuật trẻ Hoài Thương mong muốn có thêm nhiều sân chơi để các ảo thuật gia được trau dồi nghề nghiệp, đặc biệt là được công nhận, tôn vinh ảo thuật gia là nghệ sĩ thực thụ. Hoài Thương cũng hy vọng khán giả sẽ đón nhận bộ môn này như một môn nghệ thuật thật sự...
Nhân rộng nghề
Theo thống kê của Chi hội Xiếc - Ảo thuật, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 125 nghệ sĩ ảo thuật hoạt động biểu diễn tại thành phố và các tỉnh. Nhưng thực tế còn rất nhiều nghệ sĩ ảo thuật hoạt động tự do.
Ảo thuật gia Trần Định (55 tuổi) là một trong những ảo thuật gia hàng đầu của Việt Nam nhận xét: Giới trẻ bây giờ rất thông minh và nhanh nhạy, đặc biệt, khi công nghệ thông tin phát triển, các bạn có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận, cũng như trau dồi, học hỏi bộ môn ảo thuật. Các bạn trẻ cũng đầy nhiệt huyết, với nghề, nhưng hiện nay các bạn hầu như "tự bơi" để có thể sống bằng nghề.
Theo ảo thuật gia Trần Định, nghề ảo thuật tại Việt Nam có từ khá lâu đời, được lưu truyền trong nhiều thế hệ. Có gia đình xem nghề ảo thuật là nghề cha truyền con nối, sống hết mình vì nghề. Nhưng thực tế, nghề này rất khắc nghiệt, không chỉ cần tài năng mà còn phải đáp ứng những yêu cầu “nhất dáng, nhì duyên, tam tài” mới có thể trụ được trên sân khấu.
Ảo thuật gia Trần Định cho biết thêm, những ảo thuật gia trẻ tại Việt Nam cần được được đào tạo bài bản, có người dẫn dắt, khi đó họ mới có thể sánh vai với nghệ thuật ảo thuật của thế giới. Hy vọng trong tương lai gần, bộ môn này có thể được nhân rộng theo dạng lớp học ngoại khóa miễn phí ở các trường phổ thông, để nuôi dưỡng thêm niềm đam mê ảo thuật cho các bạn nhỏ yêu thích bộ môn này.