Những di sản Việt Nam thành di sản của nhân loại

Bộ sưu tập đồ sộ của Nhạc sĩ Hoàng Vân, bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của cá nhân ở Việt Nam giành được vinh dự này.

Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của gia đình nhạc sĩ mà còn khẳng định vị thế mới của âm nhạc Việt Nam trong kho tàng di sản trí tuệ của nhân loại. 

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Bài ca Giao thông vận tải" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: TTXVN phát

Từ ký ức cá nhân đến ký ức nhân loại

Có những âm thanh không thể bị lãng quên, có những giai điệu không chỉ là nghệ thuật, mà còn mang theo những ký ức sống động của một dân tộc. Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những nghệ sĩ sáng tác không chỉ để nghe, để hát, mà còn để đồng hành và ghi lại một phần lịch sử dân tộc bằng ngôn ngữ phổ quát nhất: âm nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên khai sinh Lê Văn Ngọ, 1930-2018) không chỉ là "người viết nhạc thời chiến", mà còn là nhà tư tưởng âm nhạc, một "kiến trúc sư cảm xúc" của thời đại. Các tác phẩm của ông là sự hòa quyện độc đáo giữa âm nhạc cổ điển châu Âu với những chất liệu thấm đẫm tinh thần dân tộc, từ dân ca, thơ ca Việt Nam, đến đời sống của tầng lớp bình dân và những người phụ nữ yếu thế; minh họa cho sự cộng sinh của truyền thống âm nhạc châu Âu và châu Á cũng như sự truyền tải và trao đổi kiến thức giữa Đông và Tây. UNESCO đánh giá cao việc âm nhạc của Hoàng Vân "phá vỡ các quy tắc, thách thức nhiều định kiến" rằng nhạc cổ điển là đặc quyền của tầng lớp thượng lưu. Hoàng Vân đã làm âm nhạc cổ điển trở nên bình dân mà vẫn không đánh mất chiều sâu và những âm hưởng rung động lòng người, bằng cách đưa vào âm nhạc "những cuộc sống bình thường, những số phận hàng ngày, những tầng lớp thiệt thòi trong xã hội". Ông đã kể lại lịch sử Việt Nam bằng nhịp trống, cung đàn và hợp xướng, giúp các tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài, mang giá trị nghệ thuật và là tư liệu quý cho nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam. 

Chú thích ảnh

Trong hơn nửa thế kỷ, từ năm 1951 đến 2010, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại một bộ sưu tập đồ sộ gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc với sự đa dạng về chất liệu, hình thức, thể loại và nội dung, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu... phản ánh những chuyển biến quan trọng của đất nước trong ba giai đoạn lớn: cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình về (1974-1990) và những năm cuối đời (1990-2010), cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt nhiều biến động.

Từ những năm 2000, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân đã chủ động thực hiện kế hoạch sưu tầm, thống kê, số hóa và bảo tồn các tác phẩm của nhạc sĩ. Nhờ những nỗ lực không ngừng của gia đình và nhiều chuyên gia, bạn bè, người hâm mộ, bộ sưu tập hơn 700 tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được số hóa và đưa lên trang web đa ngữ (tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nga) tại địa chỉ https://hoangvan.org, đạt hơn một triệu lượt truy cập tính đến cuối năm 2024. Các bản thảo giấy được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III từ năm 2022. Bộ sưu tập được bảo tồn tốt, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ càng góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Trong tổng số 121 hồ sơ đề cử, "Bộ sưu tập các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân" đã trở thành một trong 74 hồ sơ được UNESCO ghi danh trong kỳ họp ngày 11/4/2025 và được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối (100%). Từ đó, bộ sưu tập đã bước từ không gian cá nhân của một nhạc sĩ để trở thành ký ức tập thể của cả nhân loại. Đây không chỉ là sự vinh danh cá nhân mà còn là một cú hích lớn cho vị thế âm nhạc Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

Tiến sỹ Lonán O'Briain (Nottingham, Anh) nhận xét: "… Hoàng Vân chắc chắn là một trong những nhà soạn nhạc Việt Nam quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 20. Sự nghiệp đồ sộ của ông trải dài từ những bài hát mang tính biểu tượng đến những bản giao hưởng lớn. Những sáng tác này đã đặt ra một chuẩn mực mới cho âm nhạc hòa tấu tại Việt Nam, có thể so sánh với các nước láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á. Điều khiến ông khác biệt so với một số nhà soạn nhạc khác cùng thời là ông không lấy danh hiệu danh dự hay chính trị làm động lực mà trước hết là tình yêu dành cho âm nhạc".

Giáo sư François Picard đến từ Đại học Sorbonne, Paris, Pháp gọi bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân là “kho lưu trữ cho tương lai”; còn Tiến sĩ Dana Rappoport khẳng định: “Bộ sưu tập này nổi bật không chỉ vì sự phong phú về âm nhạc học mà còn vì tầm quan trọng của nó như một cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ và tài liệu… Nó góp phần bảo tồn và thúc đẩy tính đặc thù âm nhạc của Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn nhấn mạnh: “Đây là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của dân tộc qua từng giai điệu”.

Một số tác phẩm quan trọng có giá trị lớn trong bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân gồm:
Bản thảo chép tay đầu những năm 1960 và bản tổng phổ phục hồi của tác phẩm "Hồi tưởng";
Tập nhạc được giải Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1955, trong đó có tác phẩm đoạt giải Nhất "Hò kéo pháo"; Bản thu (1959-1960) và bản thảo của giao hưởng thơ "Thành đồng Tổ quốc", một trong những giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam, cùng chương trình biểu diễn năm 1961;

Phần phổ của vũ kịch "Chị Sứ" (Giải thưởng Hồ Chí Minh); và khoảng 100 bài tình ca chưa từng công bố hoặc thu thanh.

Chú thích ảnh

Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) là di sản tư liệu thứ 11 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. 10 di sản đã được công nhận trước đó bao gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 7 Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương:

Ba Di sản Tư liệu Thế giới

1. Mộc bản triều Nguyễn (2009)

Được công nhận năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn là Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, gồm 34.555 tấm mộc bản, là “chế bản” của 152 đầu sách với nhiều chủ đề khác nhau, như: lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ... Nội dung của khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến, như: lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa-giáo dục, tôn giáo-tư tưởng-triết học, văn thơ, ngôn ngữ-văn tự.

2. Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2011)

Chú thích ảnh
Khu vực Bia tiến sĩ, nơi đặt các bia đá ghi danh những Tiến sĩ đỗ các khoa thi từ năm 1442-1779, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

82 bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi (từ năm 1484-1780), ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi, là những bản tư liệu gốc duy nhất còn lại, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại cho chúng ta ngày nay. Chúng là những tư liệu chân thực phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê-Mạc, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của các triều đại trong lịch sử.

3. Châu bản triều Nguyễn (2017)

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945), bao gồm: văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản của các vua triều Nguyễn ban hành và một số văn kiện ngoại giao. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.

Bảy di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương  

1. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) (2012)

Bộ 3.050 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2012. Đây là bộ tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, gồm 3.050 đơn vị ván khắc, trong đó có 2 bộ kinh phật và luật sa di giới, luận bàn, giải thích về kinh phật và trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng thiền phái Trúc Lâm. Giá trị đặc biệt của các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở chỗ tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc được thể hiện công phu trên mỗi mộc bản.

2. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016)

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế gồm 2.742 ô thơ tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925). Ngoài số lượng đồ sộ, ở đây còn có tính điển hình về phong cách trang trí "nhất thi nhất họa". Theo nhiều nghiên cứu, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt, là di sản quý, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

3. Mộc bản trường học Phúc Giang (2016)

Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An, hiện là làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Khối mộc bản được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): "Tính lý toản yếu đại toàn", "Ngũ kinh toản yếu đại toàn" và "Thư viện quy lệ", được sử dụng liên tục cho việc dạy và học của hàng nghìn thầy giáo và học sinh qua gần 3 thế kỷ (từ thế kỷ 18-20). Mộc bản trường học Phúc Giang là tập tư liệu gốc, duy nhất do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy cùng đội ngũ thợ khắc tạo ra từ giữa thế kỷ 18.

4. Hoàng hoa sứ trình đồ (2018)

"Hoàng Hoa sứ trình đồ" là cuốn sách cổ, miêu tả về việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa trong thế kỷ thứ 18, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. "Hoàng Hoa sứ trình đồ" được UNESCO đánh giá là một hồ sơ quý, hiếm nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Cuốn sách "Hoàng Hoa sứ trình đồ" được Nguyễn Huy Triển sao lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, hiện đang được dòng họ Nguyễn Huy-Trường Lưu, xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh lưu giữ. Cuốn sách có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó.

5. Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (2022)

78 bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, nhiều thể loại, như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thập niên 60 của thế kỷ 20.

Bia ma nhai là những tư liệu vô cùng giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản-Trung Hoa-Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ 17-20.

6. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (2022)

“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán, chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943. Văn bản có giá trị nguyên gốc, độc bản, nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam, giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20.

7. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (2024)

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa-giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

Đáng lưu ý nhất là nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ để tạo nên tác phẩm đặc sắc, độc đáo. Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại và điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.

Thu Hạnh (TTXVN)
Du lịch Quảng Ngãi - Sức hút từ di sản và bản sắc
Du lịch Quảng Ngãi - Sức hút từ di sản và bản sắc

Chiều 12/4, tại Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải huyện Lý Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Khai mạc Triển lãm chuyên đề “Du lịch Quảng Ngãi – Sức hút từ di sản và bản sắc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN