Những chú chuột lém lỉnh trong ca dao tục ngữ Việt Nam

Sự mưu lược, lanh lợi và cả sự quen thuộc của loài chuột đã đi vào ca dao, tục ngữ Việt Nam với nhiều hình tượng phong phú.

“Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng...”


Câu chuyện đầu năm con Chuột xin được bắt đầu bằng một phần của bài ca dao rất hóm hỉnh trong dân gian. Người đọc ngỡ như được chứng kiến hoạt cảnh thiếu nữ gánh lúa ngang đầu làng bị chàng trai lẫn trong đám bạn buông lời trêu ghẹo. Vừa thật, vừa đùa, vừa mừng vì được gặp, vừa như ngại ngùng sợ một lời chối từ... con chuột kia chỉ là cái cớ...

Chú thích ảnh
Hình ảnh con chuột lanh lợi, tinh ranh gắn liền với đời sống của người dân Việt bao đời. Ảnh: Lê Sơn

Chẳng phải ngẫu nhiên mà con chuột được chọn là con vật đầu tiên trong mười hai con giáp. Đối với người phương Đông, chuột là biểu tượng cho sự thông minh, ý chí kiên cường và lòng dũng cảm. Chuột tượng trưng cho sự mưu lược, lanh lợi và nhanh nhẹn. Với nền sản xuất nông nghiệp, chuột cũng là một con vật quen thuộc. Những người cầm tinh con chuột được cho là những người mưu trí, quyền lực và giàu có.

Họ hàng nhà chuột còn xuất nhiều trong những câu chuyện ngụ ngôn bằng thơ của dân gian. Những bài học về nhân tình thế thái như “Chuột bầy đào không nên lỗ” của những chú chuột ỷ lại, không ai chịu trách nhiệm nên hỏng việc, “Chuột chù lại có xạ hương” là những chú chuột bất tài lại cứ hay khoe mẽ, “Chuột chạy cùng sào” nói về tình thế nguy nan. Hay “Cháy nhà ra mặt chuột”, về trường hợp khi gặp hoàn cảnh khó khăn, tính tốt xấu của người ta hiện ra.

Những kẻ trưởng giả học làm sang, hợm đời được gắn với câu:

“Chuột chê xó bếp chẳng ăn,
Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre”
.

Những người thích đua đòi, không tự biết bản thân được ví như “Chim chích mà đậu cành sồi. Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu” hoặc “Chuột chù đeo đạc”.

“Chuột chù chê khỉ rằng hôi,

khỉ lại trả lời cả họ mày thơm” là để chê cười những kẻ chẳng hay ho gì lại đi chê bai người khác.

Con chuột sống động trong mối tương quan với mèo.

“Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa, Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”
là câu ca dao đã quá đỗi quen thuộc.

Cả mèo và chuột cùng được đưa vào câu

“Mèo khen mèo dài đuôi.
Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo”
để chỉ kẻ tự đề cao mình.

Đôi lúc tưởng như chú chuột nhút nhát, chỉ có đi trốn con mèo nhưng cũng có khi liều lĩnh tới dại dột trong “Chuột gặm chân mèo”. Nhưng cũng chính vì sự liều lĩnh ấy nên vẫn có những con chuột luyện cho “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo”.

Thật thú vị khi con chuột xuất hiện khá nhiều trong những câu chuyện về tình cảm của người xưa. Trong chuyện yêu đương, hình ảnh con chuột góp thêm gia vị hài hước:

“Chuột kêu rinh rích trong rương.
Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay”




“Chuột kêu chút chít trong vò.
Lòng anh có muốn thì mò lại đây”.


Con chuột xuất hiện cả trong chuyện của những chàng trai, cô gái đang còn trong giai đoạn tìm hiểu:

“Giàu chi anh gạo đổ vô ve.
Chuột ăn không được mà khoe rằng giàu”.


Con chuột giống như biểu tượng ngụ ngôn, chứa đựng hàm ý sâu sắc từ sự quan sát tài tình của ông cha ta. Chỉ một câu đúc kết ngắn gọn “Chuột sa chĩnh gạo” thoạt nghe ngỡ là tấm tắc cho may mắn của những chú chuột gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng nghĩ lại, gạo trong hũ ăn mãi cũng có ngày vơi đi, con chuột đau đớn nhận ra một sự thật rằng ngày gạo hết cũng là lúc nó không cách nào thoát ra được. Từ con chuột may mắn bỗng trở thành con chuột tự trói buộc mình trong cái vòng khép kín. Từ đây, người xưa như muốn nhắn nhủ, không có may mắn nào tự nhiên có. Bởi vậy, ngay khi chọn sống an nhàn thì cũng phải có những chuẩn bị cả đến lúc vất vả, chọn thành công danh vọng thì phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn.

Con chuột gần gũi với những người nông dân một nắng hai sương tới nỗi, mỗi hoạt động, tình cảnh của người xưa đều có thể được lý giải bằng chuột để xót thương, và thông cảm. Thế nên câu “Ướt như chuột lột” để chỉ sự ướt át đến thảm hại của ai phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng. Nơi ở tối tăm của chuột gắn với những khu dân cư nghèo “Khu nhà ổ chuột”.

Con chuột cũng là biểu tượng để đả phá những cái xấu, những loài đục khoét công quỹ, gian tham, phá hoại cuộc sống của muôn dân. Những công việc khi vạch ra thì to tát, nhưng kết quả của nó chỉ bé mọn được ví như “Đầu voi, đuôi chuột”.

Điểm qua một số các câu tục ngữ, ca dao cũng thấy loài chuột gần gũi với đời sống con người, với tư duy của người Việt đến mức nào. Năm chuột đến, mong cho mọi sự tốt lành, mọi tai ương cũng sẽ nhỏ như con chuột mà qua đi, mọi may mắn, vui vẻ, lanh lợi, hanh thông cũng giống như bản tính của con chuột sẽ đến với mọi nhà.

Tuệ Thy/Báo Tin tức
Nghệ thuật săn bắt chuột đồng
Nghệ thuật săn bắt chuột đồng

Chỉ theo hai “thợ” bắt chuột đồng làng Thường Xuyên, Đại Xuyên, Phú Xuyên (Hà Nội) “thăm” đồng khoảng 2 giờ đồng hồ là đã có chiến lợi phẩm mang về tới hơn 10 con chuột. Mùa lúa chín, chuột đồng là nỗi kinh sợ của nhà nông nhưng cũng đồng thời là thứ đặc sản khó cưỡng của người dân các vùng quê lúa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN