Theo hai “thợ” bắt chuột đồng làng Thường Xuyên, Đại Xuyên, Phú Xuyên (Hà Nội) “thăm” đồng chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ đã có chiến lợi phẩm mang về tới hơn 10 con chuột. Mùa lúa chín, chuột đồng là nỗi kinh sợ của nhà nông, nhưng cũng đồng thời là thứ đặc sản khó cưỡng của người dân các vùng quê lúa.

Với mục đích biểu diễn cho ông anh là tôi xem, nên dù chỉ gọi thêm được 2 người, các “thợ săn” vẫn quyết tâm ra quân. Thiếu thợ bắt chuột, thừa “nhân lực” trầm trồ đứng xem rồi quay phim, chụp ảnh, đó chính là lý do hơn một nửa số chuột đồng chạy thoát trong lần đi săn này.

Bằng kinh nghiệm, các thợ săn chuột dễ dàng tìm ra đường đi của chuột.

Tuy vậy, thành quả của cuộc săn từ 1 - 3 giờ chiều vẫn là gần 3 kg chuột. Giá thịt chuột đầu mùa là 150.000 đồng/kg, ngày mưa gió hoặc cuối tuần, giá tăng tới 170.000 - 200.000 đồng/kg. Như vậy, sau mỗi lần “đi săn” nhàn nhàn, trừ chi phí, mỗi “chuột thủ” dễ dàng đem về thu nhập 300.000 - 500.000 đồng. Đây cũng là món tiền "ra gì” đối với người dân quê.

Cuộc đi săn lần này, giá thị trường chỉ được đưa ra để tham khảo cho vui. Bởi nếu muốn bắt chuột để bán, nhóm săn bắt chuột sẽ tập trung đông hơn, khoảng từ 4 - 5 người và sử dụng nhiều dụng cụ săn bắt chuột hơn với lưới quây ở diện rộng, để đảm bảo không bỏ sót một con chuột nào. Và như thế, số chuột thu được chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Với lưới quây, cuốc phát cỏ, mai đào đất, xô chậu múc nước, găng tay để tránh bị chuột cắn, bao tải hoặc rọ để đựng chuột, các thợ săn đã có thể vào cuộc săn ngay.

Thông thường, dụng cụ để bắt chuột khá đơn giản. Mấy chục mét lưới quây, cuốc phát cỏ, mai đào đất, xô chậu múc nước, găng tay để tránh bị chuột cắn, bao tải hoặc rọ để đựng chuột. Trời lạnh thì có thêm những bộ áo mưa kín để xuống nước tránh cái lạnh của cánh đồng rét mướt ngày đông ngấm vào người.

Với các thợ săn không chuyên, công cuộc săn chuột khá nhàn nhã.

Bắt chuột đồng không cần giờ nhất định. Theo kinh nghiệm của các "thợ săn", bắt chuột phải trông vào thời tiết, thấy trời khô, lạnh thì xuống thấp chọn chỗ nào gần bờ mương để bắt. Quan trọng nhất là kinh nghiệm lần theo dấu chân chuột đàn mà xác định được hang chuột.

Trọng - một “chuột thủ” ở ngôi làng nằm sát cửa ngõ phía Nam Thủ đô này cho biết: "Thấy ruộng nào nhiều vết chân, anh em lùa chuột vào một chỗ rồi giăng lưới quây lại, vừa lắng nghe, vừa quan sát. Chỉ cần tiếng động nhẹ là lập tức đuổi, vồ, bắt bằng được con chuột, rồi bẻ răng, cho vào giỏ".

Xem clip các "thợ săn bắt chuột đồng" giăng lưới bắt chuột:

Bằng kinh nghiệm, Trọng và bạn đồng hành giăng “trận địa” lưới bắt chuột. Giống những đứa trẻ khi xưa đi đào dế, những người “thợ săn” tìm cửa hang, chỉ chọn hang nào có nhiều vết chân, tức có chuột bên trong để chuẩn bị bắt chuột. Những hang thấp gần mương nước, lưới sẽ được giăng ở miệng hang trước khi múc nước đổ vào hang. Chuột sặc nước ngoi lên sẽ dễ dàng mắc lưới. Với những miệng hang ở vị trí cao hơn, xa mương nước, lưới lại được giăng ở xung quanh. Sau đó, thợ săn lấy cuốc, thuổng đào tận tổ. Chuột chạy ra, sa lưới sẽ bị tóm sống từng con bỏ vào rọ.

Cũng có khi nhiều hang chuột sát cạnh nhau, các "thợ săn" giăng lưới rộng ra rồi xác định hướng để ép cho chuột chạy về một đầu ruộng (đã giăng lưới để dễ vồ nhất), các “chuột thủ” còn lại đi về hướng ngược lại để phát cỏ, đập đất đánh động. Chuột sợ động chạy ra khỏi hang sẽ được lùa vào lưới để vồ gọn.

Chuột sợ động chạy ra khỏi hang sẽ được lùa vào lưới để vồ gọn.

Bắt được chuột, các “chuột thủ” nhanh tay vặn răng trước khi cho vào rọ, vào lồng. Cách làm này để tránh chuột trong bao, trong lồng vì hoảng loạn mà cắn nhau. Nhưng quan trọng hơn cả là để tránh cho người làm thịt chuột sau này không bị chuột cắn.

Chuột đồng có hình dạng khá giống chuột nhắt, nhưng thân thể chắc khỏe hơn, đuôi ngắn hơn và có lông, đầu hơi tròn hơn, mắt và tai nhỏ hơn. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là màu lông. Chuột đồng thường có đám lông màu vàng trên ngực.

Theo những "thợ săn chuột" trong làng, “nghề” bắt chuột không vất vả lắm, nhiều lúc đi bắt chuột mà như đi chơi. Chủ yếu anh em tập trung vào những ngày cuối tuần đi bắt về để... nhậu. Các khu vực bắt chuột chủ yếu ở những bờ ruộng, cánh đồng, nhóm săn chuột còn quây bắt trên các bờ ao có cỏ mọc rậm rạp. Sau khi tóm gọn một mẻ lớn, cả nhóm cùng mang chuột về nhà sơ chế.

Dù không chuyên bắt chuột để bán theo Trọng, nếu người trong làng có nhu cầu đặt mua thì mỗi lần bắt chuột về bán, chia nhau mỗi “thợ” cũng phải thu về vài trăm nghìn.

“Thời điểm đầu “mùa chuột”, mỗi buổi cuối tuần nhóm của em thu được 30-50kg "chiến lợi phẩm". Vào giữa mùa tầm tháng 10 âm lịch có ngày bắt được 60-70kg. Cứ bám ruộng, yêu quê, kiểu gì cũng có thứ kiếm ra tiền...”, Trọng cười hiền tâm sự.

Chuột đồng từ lâu đã là đặc sản của các vùng Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định... Thậm chí ở nhiều địa phương, cỗ đám cưới hay mâm cỗ to không thể thiếu món chuột đồng luộc, chuột đồng nướng lá chanh, và giờ là bát chuột đồng nấu giả cầy thơm phức mùi giềng mẻ, bỗng rượu.

Độ thơm, ngậy của thịt chuột được người ta truyền tai nhau để rồi chuột đồng từ khi nào đã thành món khoái khẩu của nhiều người trên bàn nhậu.

Sau khi bắt, chuột được mang về chần qua nước nóng (khoảng 70 - 80 độ C), cạo sạch lông, thui với rơm khô. Rút một bó rơm mới vàng óng, Trọng nhóm lửa thui một mặt, sau đó lại đảo lại đặt thêm một lượt rơm bên trên thui lần nữa. Chuột đồng thui xong săn da thu nhỏ, có màu vàng nâu óng, mình tròn, béo ngậy.

Chuột đồng thui xong săn da thu nhỏ, có màu vàng nâu óng, mình tròn, béo ngậy.

Cái tài của dân nhậu là từ thịt chuột có thể chế biến 5 - 7 món. Nhưng ngon nhất vẫn là thịt luộc chấm cùng muối tiêu chanh, rắc thêm chút lá chanh vẫn được nhận xét là... ngon hơn thịt gà. Giờ ngoài món luộc truyền thống, người dân dã còn chế biến thêm món nướng, món rán. Với dân nhậu còn thêm món nấu rựa mận (giả cầy), xào xả ớt, rang lá lốt...

Mùa chuột đồng chỉ kéo dài 2 - 3 tháng từ tháng mười âm lịch, khi mà lúa ngoài đồng đã chín kéo đến cuối năm.

Hiện nay, khi nhu cầu thịt chuột lên cao mà thịt chuột đồng không đủ đáp ứng, nên ở nhiều khu vực, các thợ săn bắt cả chuột cống để giả chuột đồng đem bán. Vì vậy, được tận mắt xem đi săn bắt chuột đồng, tận mũi hưởng hương chuột thui rơm, tận miệng ăn miếng đặc sản... cũng là may mắn của một dân nhậu không chuyên như tôi.


Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Đăng Tuệ Thy

25/12/2019 01:56