“Như có Bác trong ngày đại thắng”, khúc ca của toàn dân

40 năm qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã khoác tấm áo mới của sự đổi thay và phát triển. Và không một ai có thể phủ nhận rằng, “tấm áo” ấy được dệt đã có những đóng góp không nhỏ từ đôi bàn tay, khối óc và trái tim nặng nghĩa tình của những trí thức sau những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.

Những trái tim son sắt

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và đội ngũ trí thức tiêu biểu. Có thể nói, đây là cuộc gặp gỡ đầy xúc động, chan chứa nhiều ký ức về những ngày tháng gian khổ nhất trong công cuộc kiến thiết đất nước và niềm mong mỏi cho thế hệ hôm nay tiếp nối, tiếp tục xây dựng thành phố ngày càng tươi đẹp.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ những kỷ niệm về bài hát.



Đứng trước hàng trăm vị trí thức đại diện cho các nhà khoa học, chuyên gia của thành phố mang tên Bác, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, một trong những nhà trí thức đã ở lại quê hương sau đại thắng mùa xuân 1975, bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng sau giải phóng, tái thiết đất nước. Theo lời Giáo sư, trong những năm tháng đầu sau giải phóng, những anh em trí thức chế độ cũ vừa hòa nhịp vào cuộc sống mới vừa cùng với những trí thức từ chiến khu, từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa để góp sức cho nhiệm vụ thiêng liêng kiến thiết đất nước.

Dù rằng những người trí thức như giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hầu hết đều vượt qua, chiến thắng mọi trở lực để góp sức cho quê hương. “Tất cả là vì tấm lòng yêu nước truyền thống của dân tộc và vì mình là con của ba mẹ và ba mẹ chính là quê hương mình. Được làm công dân của một nước độc lập, được sống ngẩng đầu trên đất nước thân thương của mình quả thật là hạnh phúc”, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn xúc động nói.

Giáo sư Sơn kể, từ những năm 1976 - 1977, nhiều trí thức, nhà khoa học đã lặn lội xuyên rừng, băng sông, vượt suối, từng bước theo chân những người lính Cụ Hồ trong những cánh rừng chưa kịp gỡ mìn để tìm khoáng sản cho sản xuất. Đó là những mẻ véc - ni tổng hợp cách điện cho tráng dây đồng, tráng thiếc cho các lon nước trái cây, những mẻ sơn màu từ dầu hạt điều...

Dù phải đối mặt với những khó khăn thử thách nhưng với sự chăm lo đời sống hết sức có ý nghĩa từ lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... bằng việc trợ cấp gạo thịt đến từng gia đình, cấp xăng đi lại cho các Giáo sư, Phó giáo sư trường đại học; đặc biệt lãnh đạo thành phố đã trực tiếp gặp gỡ, động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất, tìm đủ mọi cách để hỗ trợ những người làm khoa học yên tâm làm việc. Có thể nói, đó là những tình cảm cao quý nhất mà Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn không thể nào quên.

“Riêng tôi, tôi mãi khắc ghi trong tim sự chăm sóc ân cần của các đồng chí lãnh đạo Thành phố đối với nhóm anh chị em nghiên cứu khoa học do chúng tôi hướng dẫn. Đặc biệt, không bao giờ tôi quên, tôi nhớ mãi nải chuối chín mà đồng chí Sáu Dân (tên thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) tự tay ra vườn chặt gửi chúng tôi hơn 9 giờ đêm để chúng tôi ăn đỡ mệt, khi đồng chí biết chúng tôi còn làm việc tại phòng thí nghiệm tại trường Đại học Tổng hợp”, vị Giáo sư chia sẻ.

Bản gốc bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” và bản dịch tiếng Nhật.



Không thể nói hết được những đóng góp của các nhà trí thức, nhà khoa học cho quê hương đất nước sau ngày giải phóng. Như ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức ngày 4/10/1988, một dấu son trong lịch sử ngành y tế Việt Nam gắn liền với những trí thức đã ở lại, BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trần Thành Trai, Trần Đông A... Hay câu chuyện về Giáo sư Võ Tòng Xuân đã dành hết cả cuộc đời cho ngành nông nghiệp của đất nước. Trong những năm 1980 - 1987 khi còn là Đại biểu Quốc hội, ông đều có những ý kiến tranh luận về phát triển nông nghiệp bền vững cho đất nước, đặc biệt là việc khoán trồng lúa cho nông dân.

Ý kiến của ông cùng với nhiều nhân sĩ trí thức khác đã góp sức cho Đảng, Nhà nước ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời như Chỉ thị số 100 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp” (khoán 100). Đây là bước đi có tính đột phá để 7 năm sau Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 (khoán 10), đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 1989.

Luôn trân trọng đội ngũ trí thức

Đối với đội ngũ trí thức, nhất là những trí thức đã ở lại đóng góp cho quê hương, cho sự phát triển của thành phố trong 40 năm qua, luôn được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trân trọng ghi nhận. Sự ghi nhận này được khởi nguồn từ chủ trương đúng đắn của Đặc khu Khu ủy Sài Gòn - Gia Định về việc thành lập Hội Trí thức yêu nước chính thức ra mắt vào ngày 10/8/1975. Nhiệm vụ của hội thời điểm ấy là tuyên truyền giải thích về chủ trương, chính sách của chế độ mới, vận động anh em trí thức tại chỗ (những trí thức của chế độ cũ) không ra đi. Đồng thời tìm việc làm cho trí thức, giải quyết khó khăn trong đời sống hàng ngày và hòa nhập các nguồn trí thức. Và cho đến ngày hôm nay, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố (tiền thân là Hội Trí thức yêu nước) đã tham mưu cho lãnh đạo Thành phố trong việc ban hành, triển khai các chủ trương chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định, vào những ngày này của 40 năm về trước, nhân dân Sài Gòn, trong đó có đội ngũ trí thức đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế giữ mức tăng trưởng cao, chiếm 21% GDP của cả nước, đóng góp 30% ngân sách quốc gia, giữ vững ổn định chính trị. Đặc biệt, đời sống nhân dân được nâng lên. Thành quả này có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức”, ông Lê Thanh Hải nói.

Có thể nói rằng, qua 40 năm, đội ngũ trí thức Thành phố ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1975, đội ngũ trí thức Thành phố chỉ có 20.000 người, thì 10 năm sau tăng lên 50.000 người và đến nay đã trên 1 triệu người, tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

“Đội ngũ trí thức luôn là nhân tố có vai trò động lực để giúp Thành phố giữ được vị thế đầu tàu của cả nước trên nhiều lĩnh vực. Do đó, đầu tư cho trí thức được Thành phố xác định là đầu tư cho phát triển bền vững và hướng đến nền kinh tế tri thức. Bởi hiện nay, Thành phố đã và đang tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công và giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) cùng các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ.

Do vậy, để thực hiện thành công những nhiệm vụ nặng nề nói trên, Thành phố cần phải tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là đề cao trách nhiệm của tri thức, phát huy vai trò của Hội trí thức”, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

A.Đ

“Dư âm” và những ca khúc đi cùng năm tháng
“Dư âm” và những ca khúc đi cùng năm tháng

Ngày 18/7/2013, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc "Dư âm" với những ca khúc sống cùng năm tháng với sự góp mặt của các giọng ca tên tuổi Thanh Lam, Tùng Dương, Cẩm Vân, nhóm Thời Gian, nhóm Phương Nam, vũ đoàn Hy Vọng và dàn nhạc nhẹ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN